Sai lầm khi Alex Ferguson nắm trong tay quá nhiều quyền hạn ở Old Trafford

Những dự báo về sự xuống dốc của Man Utd đã được dự báo từ nhiều năm trước, khi Alex Ferguson nắm trong tay quá nhiều quyền hạn ở Old Trafford.

Không chỉ là HLV

Ngày chiến lược gia người Scotland nghỉ hưu, ông có quyền chỉ định người kế nhiệm –điều khiến người ta mường tượng ra những cuộc truyền ngôi báu cho vua trong lịch sử. Thực tế, Alex Ferguson chính là đặc quyền này. Với một di sản đồ sộ cùng tầm ảnh hưởng tới hầu khắp ngõ ngách trong nội bộ đội bóng, tiếng nói của Ferguson chẳng khác gì chiếu chỉ của Thái thượng hoàng.

 Alex Ferguson sai lầm khi chỉ định David Moyes làm người kế nhiệm ở Man Utd

Alex Ferguson sai lầm khi chỉ định David Moyes làm người kế nhiệm ở Man Utd

Đó là điểm hay, cũng là điểm dở của “Quỷ đỏ” khi quá lệ thuộc vào Ferguson. Hay là khi “Máy sấy tóc’ chọn người kế vị chính xác, guồng máy đội bóng sẽ sớm trở lại quỹ đạo, như nó từng vận hành dưới thời nhà cầm quân sinh năm 1946. Đó cũng là thứ vị thuyền trưởng người Scotland đã mường tượng khi liên tục điện đàm, thậm chí gặp trực tiếp Pep Guardiola để thuyết phục cựu HLV Barca tới Old Trafford. Tuy nhiên, nỗ lực ấy bất thành và quyết định “truyền ngôi” cho David Moyes của Ferguson trở thành sai lầm tai hại. Đồng hương của Ferguson có nhiều điểm giống ông, ngoại trừ uy tín.

Năm 1986, khi Man Utd vẫn chỉ là một tập thể quen mùi thất bại và nhiều thập niên không hưởng niềm vui vô địch, một HLV ít danh tiếng như Ferguson vẫn đủ sức “sấy tóc” những cậu trò lười biếng hoặc nát rượu. Nhưng ở năm 2013, “Quỷ đỏ” ở trên đỉnh cao danh vọng. Họ là đội vô địch nước Anh nhiều nhất, kiếm tiền giỏi nhất làng túc cầu, và có những ngôi sao đẳng cấp trong đội hình. Với cơ cấu như vậy, thật khó để một Moyes nhỏ bé, quen đi nhẹ nói khẽ nắm được phòng thay đồ, chứ đừng nói tới những việc như khích lệ tinh thần hay làm tâm lý cho cầu thủ.

Việc Man Utd phải làm khi Ferguson ra đi không chỉ là thay thế một HLV, mà họ cần bổ sung thêm nhiều vị trí khác. Trong 27 năm cầm quyền, ông thầy người Scotland làm việc giống như một “manager” (nhà quản lý) hơn là một “coach” (HLV) đơn thuần. Ông tự xem giò những mục tiêu tiềm năng, đánh tiếng đàm phán, tự ấn định một giá chuyển nhượng mà ông cho là hợp lý, rồi mới gửi đề xuất cho CLB. Những công việc hàng ngày của một HLV như tập luyện, nắm bắt tâm lý cầu thủ, Ferguson giao hết cho các trợ lý. Bởi vậy, muốn thay ông, chủ sân Old Trafford cần thêm ít nhất 3 người: một HLV mới, một chuyên gia tuyển trạch, và một giám đốc thể thao, chưa kể đội ngũ trợ lý hùng hậu giúp tân HLV.

Trong nỗ lực kế thừa di sản của Ferguson, Man Utd hầu như chỉ cố khỏa lấp vị trí đầu tiên – là HLV, mà không bổ sung gì cho các vị trí còn lại. Điều này khiến cả 3 đời HLV là Moyes, Louis Van Gaal và Jose Mourinho thường xuyên than trời vì khó khăn lực lượng. Moyes chần chừ mua Marouane Fellaini từ tháng 7/2013, thời điểm phí phá hợp đồng trị giá 22 triệu bảng còn hiệu lực, chỉ vì muốn tậu thêm cả Leighton Baines của Everton. Để rồi khi không thể có Baines, ông phải cắn răng chiêu mộ Fellaini với giá hơn 30 triệu bảng.

Van Gaal muốn có Thomas Muller để cụ thể hóa những khoảng trống tạo ra, nhưng giới chủ lại đem về Radamel Falcao, Memphis Depay. Còn Mourinho? “Người đặc biệt” than trời về thiếu tiền vệ chạy cánh, nhưng lãnh đạo Man Utd không chịu nhượng bộ bán Anthony Martial để mang về Ivan Perisic.

Tất cả họ đều thiếu khí chất của Ferguson, người luôn “liệu cơm gắp mắm” và biết cách phát huy tối đa những quân bài có trong tay.

Tay mơ Ed Woodward

Trước khi Woodward nắm chức Phó Chủ tịch, giữ quyền tối cao về các quyết định nhân sự ở Old Trafford, David Gill từng vô cùng thành công khi đứng sau hậu thuẫn tuyệt đối Alex Ferguson. Mọi hợp đồng, trong khả năng chi trả của “Quỷ đỏ” đều được Gill gật đầu ngay tắp lự mà không hỏi câu thứ hai bởi niềm tin tuyệt đối vào “Ông già gân”. Ngược lại, Woodward đi theo hình mẫu của Florentino Perez, muốn can thiệp vào mọi kế hoạch chuyển nhượng của đội bóng.

Ed Woodward trong buổi ký hợp đồng đắt nhất lịch sử Man Utd năm 2014 cùng Di Maria

Sau năm đầu tiên chập chững vào nghề cùng David Moyes, Woodward bê nguyên hình mẫu Galaticos từ Real sang. Hè 2014, ông đưa về Angel Di Maria, Falcao và Luke Shaw. Năm sau đó, ông cuỗm Martial, Depay, Bastian Schweinsteiger và còn định nhăm nhe cả Sergio Ramos. Hè 2016, chính sách “thắp sáng dải ngân hà” tiếp diễn với Paul Pogba, Zlatan Ibrahimovic. Đến tận mùa giải cuối cùng của Mourinho, Woodward vẫn mang về những người ông thích như Alexis Sanchez, mà bỏ qua chuyện liệu có thích hợp với chiến thuật của HLV hay không.

Real từng khốn khổ với chính sách Galacticos ở thập niên 2000 như nào thì Man Utd giờ cũng loay hoay như vậy với đội quân của họ. Đó không còn là đội bóng hừng hực khí thế chiến đấu như thời Ferguson, mà chỉ là một tập thể ô hợp, sẵn sàng bật HLV khi họ không vừa ý.

“Góp” phần không nhỏ vào kết quả ấy là sự ngây thơ của Woodward. Ở một môi trường coi tập thể là số một như Old Trafford, văn hóa ngôi sao khó mà tìm được đất sống.

TUẤN ĐỨC

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/sai-lam-khi-alex-ferguson-nam-trong-tay-qua-nhieu-quyen-han-o-old-trafford-post236964.html