Sai lầm của Gorbachev-Yeltsin, buộc ông Putin phải cách mạng quyền lực

Không phải ngẫu nhiên giới hoạch định chiến lược phương Tây rất chú ý đến những ý niệm, khái niệm mới trong bản Hiến pháp Nga sửa đổi....

Ngày 1/8, Tổng thống Vladimir Putin đã ký Dự luật sửa đổi luật bầu cử của Nga, mà trong đó có điều khoản cho phép lựa chọn việc tổ chức bỏ phiếu không phải trong 1 ngày, mà có thể kéo dài tới 3 ngày, the TASS.

Quyết định sửa đổi hình thức bỏ phiếu được xem là một trong những thay đổi quan trọng trong cuộc cải cách chính trị mà Tổng thống Putin tiến hành, bắt đầu bằng việc sửa đổi Hiến pháp Nga năm 1993.

Có nhiều nhìn nhận cho rằng, với những thay đổi trong luật cơ bản, thì thay đổi trong luật bầu cử là nhằm đảm bảo chiến thắng của Tổng thống Putin và lực lượng chính trị đương quyền trong bất kỳ cuộc ủy thác quyền lực nào của người dân Nga.

Chính vì vậy, ông Putin bị đánh giá là đã tìm mọi cách xây dựng các cơ chế ngăn cản người hiền tài ra giúp nước, từ đó đảm bảo có thể kéo dài thời gian nắm giữ quyền lực, hình thành nên một thể chế độc tài.

Tổng thống Putin ký dự luật về sửa đổi luật bẩu cử, tạo thay đổi căn bản về hình thức ủy thác quyền lực

Tổng thống Putin ký dự luật về sửa đổi luật bẩu cử, tạo thay đổi căn bản về hình thức ủy thác quyền lực

Với những gì mà ông Putin thúc đẩy trong cuộc cải cáchchính trị thì có thể khẳng định rằng : ông Putin hướng tới đảm bảo ổn định và phát triển cho nước Nga.

Và giá trị những di sản mà Tổng thống Putin được thừa hưởng từ sai lầm của những người tiền nhiệm, nhất là cựu Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev và cố Tổng thống Nga Boris Yeltsin, được xem là tiền đề cho những cải cách của ông.

Gorbachev và Yeltsin đều xem tái cấu trúc chính trị, kinh tế và xã hội của Liên Xô và Liên bang Nga là giải phóng đất nước khỏi những kìm nén, từ đó mở ra cơ hội hòa nhập với thế giới phương Tây. Song tất cả đều thất bại và để lại hậu quả.

Theo giới phân tích, từ những di sản thừa hưởng từ Liên Xô và những gì nước Nga được-mất trong thập kỷ đầu tiên thời hậu Xô Viết, Tổng thống Putin đã tìm ra cách khắc phục thiếu sót của tiền nhân, để đảm bảo ổn định xã hội - phát triển đất nước.

Có thể thấy sự tan rã của Liên Xô hay sự hỗn loạn của nước Nga trong thập kỷ đầu tiên thời hậu Xô Viết đều liên quan tới cả bốn yếu tố cấu thành sức mạnh quốc gia là thể chế chính trị, chủ quyền quốc gia, cộng đồng dân tộc và văn hóa dân tộc.

Do vậy, khi được trao quyền lực, Tổng thống Putin đã tái sinh nước Nga, đã hồi sinh sức mạnh Nga bằng việc khắc phục cả 4 yếu tố này, mà cuộc cách mạng quyền lực ông đang thúc đẩy cũng là nằm trong quá trình này.

Về thể chế chính trị. Chính quyền Xô Viết đã xây dựng một thể chế chính trị liên bang, mang tính chất trung ương tập quyền nhưng lại không xây dựng được hệ thống luật pháp vững mạnh làm nền tảng trong điều hành đất nước và quản lý xã hội.

Điều đó khiến các thực thể trong liên bang không có cơ chế kết nối thống nhất, mà luôn chứa đựng mâu thuẫn. Vì vậy, khi ông Gorbachev cải tổ chính trị, ngay lập tức nhà nước liên bang rệu rã, các thực thể trong liên bang thể hiện ngay xu thế li tâm.

Tổng thống Putin từng cho rằng nhà lãnh đạo Liên Xô đầu tiên là Vladimir I.Lenin đã đặt một “quả bom nổ chậm” nhà nước Xô Viết, khi tán thành quyền ly khai chính trị của các nước cộng hòa riêng rẽ trong một nhà nước liên bang.

Nước Nga là thực thể thừa kế Liên Xô, song Tổng thống Yeltsin không tìm ra cách đảo ngược xu thế li tâm bằng xu thế hướng tâm, khiến xã hội liên tục bất ổn, vấn đề ly khai ở Chechnya đã đe dọa sự tồn tại của nhà nước liên bang.

Sau khi được trao quyền lực, Tổng thống Putin đã ngay lập tức giải quyết vấn đề ly khai tại Chechnya. Từ sau sự kiện đó, liên bang Nga luôn được đảm bảo là một thực thể thống nhất - nền tảng quan trọng nhất để ổn định xã hội và phát triển đất nước.

Ở nước Nga dưới thời Putin, biểu tình hay đại biểu tình không còn bị xem là biểu hiện của xu thế ly khai

Về chủ quyền quốc gia. Có thể thấy, chính quyền Xô Viết rất mâu thuẫn trong việc khẳng định và đảm bảo chủ quyền quốc gia. Xây dựng cơ chế nhà nước liên bang nhưng lại không đảm bảo chủ quyền cho các thực thể trong thể chế liên bang.

Điều đó thể hiện rõ nhất qua việc sáp nhập, rồi tái sáp nhập vùng lãnh thổ Karabakh qua lại giữa Armenia và Azerbaijan, khiến cho vấn đề độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia tại Nagorno-Karabakh luôn là vấn đề nóng bỏng.

Năm 1919, Liên Xô sát nhập Karabakh vào Armenia nhưng bị Azerbaijan phản đối, năm 1921 Liên Xô sát nhập Karabakh vào Azerbaijan, rồi năm 1923 thành lập tỉnh tự trị Nagorno-Karabakh thuộc Azerbaijan, trong khi 94% dân số là người Armenia.

Phải nhận định rằng, quyết định của Liên Xô là quyết định không hợp lý, và trong lịch sử chính trị thế giới chưa có sự chia tách, sát nhập nào phức tạp như tại Nagorno-Karabakh, mà ở đó chủ quyền của các thực thể trong liên bang bị xem nhẹ.

Tổng thống Putin đã tránh sai lầm của những nhà lãnh đạo Xô Viết khi đặt chủ quyền của Crimea khi tái sát nhập bán đảo này. Bởi mọi việc chỉ được tiến hành khi thực thể chính trị đại diện tại bán đảo có văn bản để nghị sát nhập Crimea vào Nga.

Về cộng đồng dân tộc. Trong quá trình tồn tại, nhà nước Xô Viết chưa tạo ra một cộng đồng dân tộc trong toàn liên bang. Còn nước Nga ở thập kỷ đầu tiên thời hậu Xô Viết, vấn đề cộng đồng dân tộc dường như không được chính quyền đề cập.

Việc sát nhập qua lại vùng lãnh thổ Karabakh gây mâu thuẫn giữa người Armenia với người Azerbaijan, hay việc cắt chuyển bán đảo Crimea từ Nga sang Ukraine, khiến cho người Nga và người Ukraine khó có thể hòa hợp, đã chứng tỏ điều đó.

Năm 1954, nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev ủng hộ quyết định cắt chuyển Crimea từ Nga sang Ukraine nhằm củng cố sự thống nhất và tình hữu nghị giữa hai dân tộc. Song thực tế chứng minh đó chỉ là mong muốn của chính quyền Xô Viết.

Vì vậy, dù gần 70% dân số Crimea là người nói tiếng Nga, nhưng Tổng thống Putin chỉ thực hiện tái sát nhập bán đảo này, sau khi lực lượng chính trị đại diện tại Crimea tổ chức trưng cầu dân ý với hơn 95% người dân ủng hộ tái hòa nhập với nước Nga.

Trong Hiến pháp sửa đổi, vấn đề đoàn kết xã hội - giá trị tinh thần, nền tảng căn bản cho việc hình thành và tồn tại cộng đồng dân tộc đã là một trong những điều khoản quan trọng nhất của luật cơ bản. Rõ ràng, ông Putin rất xem trọng yếu tố này.

Với Tổng thống Putin, đoàn kết dân tộc, ổn định xã hội và phát triển đất nước là mục tiêu cuối cùng của mọi sửa đổi, cải cách

Về văn hóa dân tộc. Có thể thấy, một đất nước theo thể chế liên bang luôn tồn tại song song hai nền văn hóa. Đó là văn hóa của các dân tộc và văn hóa của cộng đồng các dân tộc liên bang.

Văn hóa các dân tộc là những giá trị lưu giữ trong lịch sử phát triển của các dân tộc, còn văn hóa của cộng đồng dân tộc liên bang là kết quả của việc chuyển những giá trị của lịch sử nhà nước liên bang thành giá trị văn hóa chung.

Chính quyền Xô Viết - và chính quyền Nga đầu tiên thời hậu Xô Viết - đã không làm được điều này. Bởi văn hóa luôn trường tồn, song khi Liên Xô tan rã thì những giá́ trị của lịch sử chế độ Xô Viết ngày một nhạt nhòa, cả với những giá trị đáng tự hào.

Thậm chí tại nước Nga trong thập kỷ đầu tiên thời hậu Xô Viết, văn hóa lai căng đã định hướng cho văn hóa dân tộc. Lý do là bởi chính quyến Xô Viết “chính trị hóa văn hóa”, còn chính quyền Nga đầu tiên thời hậu Xô Viết thì không xem trọng văn hóa.

Ngày nay, Tổng thống Putin đã hồi sinh những giá trị của lịch sử Xô Viết và chuyển thành những di sản văn hóa dân tộc Nga để đảm bảo sẽ tồn tại vĩnh hằng. Ông Putin đã thực hiện “văn hóa hóa chính trị”, biến lịch sử thành nền tảng sức mạnh quốc gia.

Không phải ngẫu nhiên giới hoạch định chiến lược phương Tây rất chú ý đến những ý niệm, khái niệm mới trong bản Hiến pháp Nga sửa đổi, trong đó có những vấn đề về gia đình, cộng đồng, xã hội.... Bởi đó là cách ông Putin củng cố sức mạnh quốc gia.

Rõ ràng, từ sai lầm của các bậc tiền bối, nhất là sai lầm của cựu Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev và cố Tổng thống Nga Boris Yeltsin, buộc Tổng thống phải thực hiện cuộc cải tổ chính trị, nhằm đảo bảo cho nước Nga ổn định và phát triển.

Ngọc Việt

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/sai-lam-cua-gorbachev-yeltsin-buoc-ong-putin-phai-cach-mang-quyen-luc-3415531/