Sài Khao hôm nay

'Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi/ Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi/ Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi/ Mường Lát hoa về trong đêm hơi'... Những câu thơ của Quang Dũng vẫn in đậm trong tâm trí của người đọc về một địa danh cách TP Thanh Hóa gần 300 km, nơi đây còn in đậm dấu tích của đoàn quân Tây Tiến, đó là bản Sài Khao (xã Mường Lý, huyện Mường Lát). Sài Khao hôm nay đã mang trên mình một diện mạo mới, thay da đổi thịt và đang trên đường phát triển.

Mảnh đất Sài Khao trước năm 1945 là nơi sinh sống của đồng bào Thái và Dao. Sau năm 1945, vì điều kiện chiến tranh, khó khăn về lương thực, thực phẩm, nguồn nước nên đồng bào Thái, Dao di cư sang các vùng khác. Đến năm 1991, đồng bào Mông từ Sơn La mới về đây định cư. Về Sài Khao hôm nay, chúng ta được nghe bà con người Mông kể về ơn Đảng, ơn Bác Hồ; đồng bào Mông nghe lời khuyên của cán bộ đã bỏ tập tục đốt, phá rừng làm rẫy, xuống định canh định cư, nhà nào cũng chịu khó làm ăn. Bà con cùng chính quyền địa phương đã nói không với cây thuốc phiện; thanh niên chăm chỉ lên rẫy, trẻ em nô nức đi học kiếm cái chữ. Anh Vàng A Lế, Bí thư Chi bộ bản chia sẻ: “Người Mông mình trước đây sống trên núi cao, du canh du cư nên thiếu ăn, khổ lắm! Nhờ ơn Đảng, Nhà nước, mình và bà con có chỗ ở, có nương rẫy để làm lúa, làm sắn, trồng bắp... nên không đói nữa, trẻ em được đi học; ốm đau bệnh tật thì có cán bộ y tế hoặc đi trạm xá”.

Ông Đinh Công Đại, Bí thư Đảng ủy xã Mường Lý, cho biết: “Hiện nay, cả bản Sài Khao có 90 hộ với 552 nhân khẩu, tổng diện tích đất canh tác hơn 73 ha; tổng số gia súc gần 300 con. Từ nguồn vốn sự nghiệp của các chương trình như: Chương trình 30a, Chương trình 135, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo; xã đã triển khai thực hiện mô hình phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Các mô hình ứng dụng như: mô hình khuyến nông gắn với chuyển đổi cơ cấu giống mùa vụ; mô hình chăn nuôi bò cái sinh sản giống địa phương; mô hình hỗ trợ trực tiếp con giống cho các hộ dân thuộc Chương trình 135; mô hình hỗ trợ phân bón theo mùa vụ... nhờ vậy đã góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, đem lại hiệu quả kinh tế cho địa phương. Từ đó, nhiều gia đình mạnh dạn vay vốn tín dụng từ ngân hàng để phát triển đàn gia súc; giờ đây, nhiều gia đình tại bản Sài Khao đã thoát được đói nghèo nhờ đàn trâu, bò, như: gia đình Vàng A Dự nuôi 11 con, Vàng A Lự nuôi 12 con... Trong chuyển đổi cây trồng, đồng bào Mông ở Sài Khao mấy năm qua đã mạnh dạn chuyển đổi những mảnh lúa rẫy kém năng suất sang trồng chít, lấy bông làm chổi. Tiêu biểu như gia đình anh Vàng A Phụng trồng chít cho thu hoạch 30 triệu đồng/năm”.

Bên cạnh đó, được biết Sài Khao còn là điểm sáng về giáo dục của xã Mường Lý với số con em đi học các cấp ngày một đông. Đặc biệt có 3 em đã tốt nghiệp đại học là Vàng A Giàng, Vàng A Mai và Vàng A Chua. Nhiều năm nay ở Sài Khao không còn tình trạng cán bộ biên phòng và các thầy, cô giáo cắm bản phải đi từng nhà vận động học sinh đến lớp, dân bản đã quan tâm hơn đến việc học của con cái.

Hiện nay, những dấu tích của đoàn quân Tây Tiến còn sót lại ở xã Mường Lý có ý nghĩa rất quan trọng về mặt lịch sử, đánh dấu một thời kỳ đóng quân, chiến đấu của bộ đội Tây Tiến thời chiến tranh chống Pháp. Nhằm tri ân đồng bào và chiến sĩ Tây Tiến trong những năm tháng cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ mai sau, tháng 11-2020, Ban liên lạc truyền thống Tây Tiến đã khánh thành, bàn giao công trình Bia lưu niệm Tây Tiến ở bản Sài Khao, xã Mường Lý cho chính quyền địa phương. Công trình nằm bên sườn đồi, cạnh đường liên xã, xung quanh có Trường Tiểu học Tây Tiến và Trường Mẫu giáo Sài Khao. Công trình gồm ba hạng mục: Bức phù điêu cao 2,2m, rộng 2,8m, nặng hơn 5 tấn, bằng đá xanh khắc hình ảnh 3 chiến sĩ Tây Tiến khoác súng, trong đó có một chiến sĩ mặc trang phục đồng bào dân tộc, thể hiện tinh thần đoàn kết các dân tộc trong chiến đấu giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Trên phù điêu khắc dòng chữ đậm “Tinh thần Tây Tiến đời đời bất diệt”, phía dưới khắc hai câu thơ của nhà thơ - chiến sĩ Quang Dũng: “Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi/ Mường Lát hoa về trong đêm hơi”. Được biết, trong thời gian tới huyện Mường Lát sẽ lên phương án tiếp tục đầu tư nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị lịch sử ở “vùng đất Tây Tiến”, với mong muốn biến nơi đây thành địa chỉ thu hút du khách đến tham quan.

Hoàng Lan

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/sai-khao-hom-nay/136167.htm