'Sài Gòn trăm bước' qua góc nhìn của kiến trúc sư

Những ghi chép ngắn gọn qua cuốn 'Sài Gòn trăm bước' khiến TP.HCM hiện lên chân thực, sống động từ cảm nhận của kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng.

Cuốn sách trên do NXB Thống Tấn phát hành, là một trong bốn tác phẩm của kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Ngọc Dũng có mặt trong buổi giao lưu "Lang thang phố thị", được tổ chức sáng 10/1 tại Đường sách TP.HCM. Bộ sách gồm 4 tác phẩm: Đồng bằng sông Cửu Long, Sài Gòn trăm bước, Bước chậm bên dòng Hương Giang Miền di sản.

KTS Nguyễn Ngọc Dũng là tác giả được biết đến với cái duyên viết du khảo vùng miền. Ở các tác phẩm của mình, ông đưa người đọc đan xen xúc cảm từ những bài viết được quyện cùng những bức vẽ dày công, tâm huyết.

Đến với tác phẩm này, độc giả sẽ được bước chậm lại giữa nhịp sống đô thị hối hả của địa phương sôi động bậc nhất phía Nam với hai phần: "Trăm bước lạ và quen" và phần "Bước chậm với thời gian". Những câu chuyện rất đời, rất người trở nên trực quan, sống động cùng ký họa của tác giả.

Qua cuốn sách, vùng đất hơn 300 năm tuổi quen thuộc, gần gũi với hai mùa mưa nắng trong đới khí hậu riêng có của phương Nam như những cảm nhận cụ thể, hiện hữu của người trong cuộc:

"Sài Gòn rất nóng, bụi, ồn vào đầy mùi xăng dầu, khói xe nhưng con người vẫn phóng khoáng, hiếu khách, dễ gần. Những chiều mưa thật đẹp, thành phố mờ sương trong làn mưa bụi, bóng người trú mưa dưới hiên nhà, những thiếu nữ khuôn mặt trắng ngần lấm tấm hạt mưa".

 Ký họa xe bán sương sâm hạt lựu.

Ký họa xe bán sương sâm hạt lựu.

Thành phố cũng thật quen với những món ăn đường phố đa dạng, khoái khẩu của đủ mọi lớp người như bò bía, bánh tráng Tây Ninh, tàu hủ, bánh giò... cho đến bún riêu, bánh mỳ, cơm cháy hay cà phê hẻm...

Và có những "đặc sản đô thị" chỉ riêng có ở thành phố mà nếu không yêu, không thấm cái hồn nơi đây thì chẳng dễ cảm được những khác lạ. Khác lạ ở những con đường Trường Sa, Hoàng Sa, Lê Văn Sỹ chạy dài suốt ba, bốn quận; khác lạ khi nơi đất đô thị, vẫn còn đó Cần Giờ, Bình Chánh, Hoóc Môn, Củ Chi êm ả tiếng dế kêu. Thủ Đức ồn ã của thanh âm chợ đầu mối, xe đầu kéo, còn Gò Vấp, Tân Phú là tiếng máy bay lên xuống...

Những quen những lạ ấy, nếu không có giây phút tĩnh tại, ngơi nghỉ bên ly cà phê, tách trà..., dễ gì thấu cảm được trong sự hối hả của nhịp sống hiện đại.

Tác phẩm do Công ty văn hóa Phương Nam liên kết cùng NXB Thông tấn ấn hành. Ảnh: Trần B.A.

Qua phần "Bước chậm với thời gian", độc giả đến với những di sản văn hóa, hành chính của thành phố từ thuở mở đất cho đến ngày nay.

Những câu chuyện về khách sạn Continetal hơn 130 tuổi cho đến chùa Vĩnh Nghiêm, chợ Bến Thành... được kể lại ngắn gọn, súc tích qua những chấm phá và có hồn với những ký họa màu nước của chính tác giả.

Chẳng hạn, chuyện về chợ Tân Định ở quận 1 được biết đến là vựa kinh doanh vải vóc lớn và rẻ nhất thành phố. Chợ được xây dựng năm 1926, là chợ nhà giàu dạo đó với giá bán thường cao hơn chợ khác. Kiến trúc là nét chấm phá riêng với 4 cửa chính, mang vẻ đẹp hiện đại, đường nét ngang dọc cách điệu tối đa về kiến trúc châu Âu. Mô hình của chợ được dựng lại tham dự đấu xảo tại Paris năm 1931...

Ký họa công viên Tao Đàn với đền thờ các vua Hùng.

Cũng ở phần này, những vấn đề về giáo dục, văn hóa, lễ hội được kể qua các câu chuyện về những công trình như trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (tức trường Petrus Ký) hay Nhạc viện TP.HCM cho đến Thảo Cầm Viên, lễ hội lăng Ông Bà Chiểu, Tết Nguyên tiêu...

Trần B.A

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/sai-gon-tram-buoc-qua-goc-nhin-cua-kien-truc-su-post1168634.html