Sài Gòn phố nhỏ thênh thang

Người ta nói Sài Gòn đất chật người đông, chen chúc nhau mà sống, nhưng bao kiếp người qua, thành phố này vẫn đủ cho tất cả. Một quán cà phê cóc nhỏ, một đôi quang gánh, một tiếng rao… đều ươm mầm những giấc mơ...

Người ta nói Sài Gòn đất chật người đông, chen chúc nhau mà sống, nhưng bao kiếp người qua, thành phố này vẫn đủ cho tất cả. Một quán cà phê cóc nhỏ, một đôi quang gánh, một tiếng rao… đều ươm mầm những giấc mơ...

________________

Sài Gòn mùa mưa, vỉa hè nhấp nhổm. Hàng quán nhỏ nhoi dọn ra, trời chuyển, lại vội vã cất vào. Ở lề đường góc Mai Thị Lựu, Nguyễn Văn Thủ, Quận 1, ông Ba Thể ngồi im lìm trên ghế xúp, nhìn mưa giăng giăng ngang mặt. Chiếc xe chè của ông Ba đã “tạm trú” nơi đây gần 40 năm. Ông Ba chỉ còn một tay, tay kia bị mảnh bom lạc cắt lìa. Ông hồn nhiên trưng biển “Chè Dương Quá”, tô đậm thêm sự “một tay” của mình. Ngàn người lại, vạn người qua, cũng có đôi ba lần ông Ba bị chọc ghẹo. Nhưng chẳng hề hấn gì, ông chỉ cười: “Mấy đứa thanh niên hay ghẹo Dương Quá đây rồi Cô Long đâu, tụi nó giỡn vậy thôi chứ không có ác ý”.

Ông Ba nói, “đất này dễ sống”. “Đất này” là Sài Gòn, nơi nổi danh với nạn trộm cướp, lừa đảo; lối sống xa hoa, đầy rẫy cám dỗ. Nơi sáng chiều đều phải chạy đua với thời gian, phải gồng mình lách qua những con đường ken đặc xe và người. Nhưng cũng chính nơi này, lại hào sảng đến mức mỗi năm lại dung chứa hàng vạn dân nhập cư đổ về. Cũng như ông Ba Thể, theo mẹ rời Quảng Nam lên phố, phố níu chân người gần 60 năm. Ở hết đời, đất lạ cũng thành quê.

Ông Ba kể, quán chè căng bạt tạm bên góc đường này là kế sinh nhai của cả hai thế hệ: “Ngày xưa chị của chú bán ở đây, chú theo ra phụ. Dần dần chị ở nhà nấu, chú bán một mình, bây giờ già rồi thì có đứa cháu dâu ra bán cùng. Đắp đổi vậy mà cả gia đình cũng sống được mấy mươi năm”.

Cũng có khi trật tự đô thị chạy ngang, thấy chủ quán là ông già gầy yếu, gió thổi áo dính vào xương, đội trật tự đành lướt đi. Quán chè đơn sơ, bền bỉ bám trụ được vỉa hè cũng là nhờ sự rộng rãi của lòng người. Ông Ba lại nói, nếu không phải là “đất này” hẳn những người rủi xui khiếm khuyết như ông, chắc sẽ “khó sống” gấp bội phần.

Cũng như ông Ba Thể, anh Quang, 41 tuổi, quê gốc Vũng Tàu, ngày ngày bám vỉa hè kiếm sống. Năm lên 10 tuổi, anh Quang chẳng may bị sốt bại liệt. Qua cơn nguy kịch, mở mắt ra, Quang đã không thể nào như những đứa trẻ bình thường khác. Đôi chân không còn cảm giác, những thớ thịt trên tay dần co rút lại, đến cả giọng nói cũng chẳng thể tròn vành. “Lớn lên mới bắt đầu biết buồn, nhưng còn mẹ già, phải cố gắng sống”, Sài Gòn chiều nhiều gió, giọng Quang lạc giữa những cơn nghèn nghẹn, đứt quãng. Quang nói, mình không muốn khóc thêm nữa, trẻ dại đã cạn hết nước mắt rồi.

Cùng mẹ rong ruổi mưu sinh, cuối cùng Quang và mẹ dạt đến Sài Gòn, rồi chọn cư ngụ tại đây. Thuê một phòng trọ nhỏ trên đường Trần Xuân Soạn, Quận 7, mỗi ngày hai mẹ con Quang lại vào trung tâm Quận 1 bán rau câu. Chân không di chuyển được, Quang thường ngồi dưới một tán cây trước Bưu điện thành phố. Chỉ những người đủ thời gian rảo bước mới có thể nhìn thấy Quang, mới có thể nghe tiếng Quang cố gắng mời chào. Hương vị món ăn Quang bán cũng thật bình thường. Nhưng vẻ mặt mừng rỡ, lời cảm ơn chân chất từ anh, khiến người ta cảm giác rằng, mình đang tiếp thêm cho Quang chút nghị lực sống.

Đứng từ xa nhìn tới, Quang chỏng chơ giữa vỉa hè phóng khoáng, giữa những khối kiến trúc cổ xưa, trầm tĩnh. Những người như anh Quang, như ông Ba Thể ở khắp thành phố này. Họ kiên trì bám phố, nhờ những “ngó lơ” của người có quyền “dọn dẹp”. Đúng sai ở đây cũng đâu quan trọng khi Sài Gòn vẫn đẹp theo một cách rất riêng. Không cần phải kì công đào xới, chỉ nhìn lượng người di cư chọn Sài Gòn làm nơi trú ngụ đủ thấy thành phố này rộng rãi, bao dung đến mức độ nào.

Sài Gòn nhiều việc làm, bất kể ai đến đây, cũng tự tìm cho mình được một cái nghề. Như anh Nguyễn Nhì, 35 tuổi, quê ở Cam Ranh, vào Sài Gòn đã được 10 năm. Anh Nhì bị mù, nhưng lại chọn nghề bán hàng rong khắp phố. Có lần, anh Nhì đi nhầm vào một trường học, tôi ngồi cà phê gần đó liền dẫn anh đi ra, mời anh ly nước, nghe anh kể chuyện. “Mình tưởng đây là hẻm, nên quẹo vô. Mình cứ đi trên đường, nghe ngóng chỗ nào có vẻ giống hẻm nhỏ thì đi vô đó bán. Chứ ở ngoài đường xe cộ vội vã, không có ai mua hàng”, anh Nhì cười hiền, luôn miệng nói cảm ơn.

Ngày trước, lúc mới vào Sài Gòn, anh Nhì đi học nghề massage, rồi làm việc cho một trung tâm massage của người khiếm thị. Nhưng trong một lần đi xe ôm đến chỗ làm, anh Nhì không may bị tai nạn, gãy xương vai phải. Tay yếu, khó có thể tiếp tục làm massage, anh Nhì tập tành bán rong.

Đồ nghề của anh Nhì là một chiếc xe đẩy nhỏ, tầng trên treo móc những thức lặt vặt như bấm móng, ráy tai, gương, lược…; tầng dưới là chiếc loa mở vài bài boléro thay cho tiếng rao hàng. Sáng sớm, anh Nhì đón xe ôm đến các quận, đi bộ hết một ngày lại đón xe ôm về. Hỏi anh Nhì có khi nào bị mất tiền không, anh lại cười: “Không có đâu, người ta đưa đủ, hay là không lấy lại tiền thối, dân ở đây rộng rãi lắm chị”. Mà đúng thật vậy, đôi khi khách của anh Nhì chưa cần một chiếc gương, hay bịch bông gòn,… mà vì trước sau gì cũng dùng nên mua ủng hộ anh. Anh Nhì muốn sang đường sẽ có người không quen tới dẫn; anh Nhì đi lạc, hỏi người ta mình đang ở đâu, rồi nhờ gọi giúp xe ôm chở về là được.

Vào Sài Gòn, anh Nhì lấy vợ, có được hai cô con gái nhỏ. Chiếc xe hàng rong của người cha mù không chỉ để đắp đổi qua ngày, mà còn nuôi giấc mơ cho hai con gái ăn học thành tài.

Ở nơi đây không hiếm những người cha, người mẹ “buôn gánh bán bưng”, mưu sinh dọc dài hè phố,… để ươm mầm giấc mơ con cái “công thành danh toại”. Như tiếng rao “bánh chưng bánh giò” văng vẳng từ nửa đêm đến sáng, là đang chắt mót cho cậu con trai vững bước trên giảng đường. Hay gánh bánh tráng trộn, phủ nilon, gió giật phần phật trong mưa giông Sài Gòn, người mẹ trú tạm trong đó đang chờ một ngày con gái thành bác sĩ sẽ đỡ cơ cực hơn.

Và cứ một người chọn ở lại Sài Gòn, thành phố lại đông thêm một chút, lại nhiều thêm một phận người, đôi khi sinh sôi thành một gia đình. Nhưng đô thị có tuổi đời hơn 300 năm này vẫn đầy đủ chức năng để cưu mang tất cả. Từ lao động trình độ cao, đến lao động giản đơn, từ người một tay làm nên cơ nghiệp đến người chỉ mong muốn kiếm ăn qua ngày. Ai đó nói “Sài Gòn hoa lệ. Hoa cho người giàu, lệ cho người nghèo”, hình như cũng đang quá khắc khe với Sài Gòn. Bởi nếu đất này chỉ toàn nước mắt cho người nghèo, sao họ vẫn chọn đến, vẫn chọn ở lại, vẫn chọn nơi đây để gửi gắm giấc mơ… Bởi, dẫu yêu hay ghét thành phố này, thì Sài Gòn vẫn vậy, vẫn đủ cho tất cả.

Bài và ảnh: Hồ Ngọc Giàu

Thiết Kế: Hà Dung

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/24-7/sai-gon-pho-nho-thenh-thang-184145.html