Sài Gòn những xóm mưa

Sài Gòn hổm rày cứ quá trưa là nặng trĩu mưa. Không còn là những cơn mưa rào, ập đến, như trút, rồi vụt tạnh. Mà lưa thưa mưa ê ẩm cả chiều. Giống mưa Huế, mềm mướt, dùng dằng, như xuôi xị, bải hoải.

 Một người bán hàng rong đi trong cơn cơn mưa kéo dài

Một người bán hàng rong đi trong cơn cơn mưa kéo dài

Trời đất có lẽ cũng đổi thay hết cả.

Nên cũng không còn thấy những cơn mưa phập phồng bong bóng dội mặt đường nhựa, lấp loáng. Để lần nào gặp nó giữa đường cũng hình dung sẽ gặp một dáng đàn ông gầy gò, ngắt ngứ “chí mà phủ, đây”.

Hay thoang thoáng một dáng vẻ bà ba chiếc thúng cặp hông, mâm nhôm phía trên màu vàng nâu đày ắp, đãi dài tiếng rao ” ai chuối chiên ho.ô. oong? “

Hình như Sài Gòn không quen tả mình là phố phường mà quen hình dung mình bằng xóm. Xóm Bàn Cờ, xóm Vườn Lài, xóm Chùa, xóm Nhà Thờ, xóm Cũi, xóm Lò Gốm, xóm Mả Lạn, xóm Cây Thị...Rồi đặc sắc hơn là xóm chợ. Xóm chợ Thị Nghè, xóm chợ Xóm Chiếu, xóm Chợ Cũ, xóm chợ Hòa Hưng...

Xóm ở Sài Gòn không phải theo thói quen lập làng trên đất mới, chẳng tình qui cố hương, mà chỉ là một cộng đồng cư trú gần gũi, có chung hoặc không có cả cố kết nào trong đời sống.
Xóm, nói theo điệu Sài Gòn, mở banh càng.

Nhưng trong cái sự cởi mở ấy, tiếng rao kết được nét thân thuộc, như tình quê của con người vậy.
Mà chỉ đến chừng đó.

Trong muôn nẻo bình dân xô dạt thành Sài Gòn, nó chỉ gợi dậy hồn quê của mỗi người, chẳng lọ ngoài ngoải, trong này, miền trên, miệt biển. Nó ít gắn với kí ức địa lí cụ thể, mà nhiều hơn, là tâm tình thôn dã.

Sài Gòn hàng rong ban đầu bán những kí ức chung ấy. Trên gánh, trong mê, bên cặp thúng...Hột vịt lộn, chuối chiên, chè đậu, bánh giò, xôi, bánh cam, bánh còng, bánh rán, bánh mì, khoai nấu, đậu phộng rang, bánh tiêu, bánh bò...gần như đâu đâu cũng có.

Ngộ lắm, ít có đặc sản bán rong. Sài Gòn cùng đường cuối hẽm ít nghe rao phở đây, bún bò Huế đây, hủ tiếu Mĩ Tho đây, mì Quảng đây...Nếu có thì nghe cũng kì khôi lắm, ít có người hỏi. Danh thực thì đã ra thành tiệm. Ngộ vậy đó.

Thành ra xe mì gõ, hủ tíu gõ là cái sự lưu động siêng năng, nhưng tiếng rao dễ bị thay thế bằng một kiểu tiếng động có tính chất báo hiệu, không nhiều mời gọi.

Mà cái sự mời gọi ấy mới là phần tỉnh thức.

Đúng là không có gì chạm tới hồn người kì diệu như những món ăn gắn với tuổi thơ. Cũng chừng đó kết buộc, thường với những người đàn bà. Là bà, là mẹ, là dì, là cô, là mợ, là chị...Lại cũng vài ba món quen thuộc, khó nghèo.

Nhưng mỗi người vẫn lấp lánh tình tự riêng mình. Những yên ủi riêng. Những giọt nước mắt chan hòa muộn phiền hay hạnh phúc rất riêng.

Như hôm qua có bữa nao nao với chuối nướng.

Chuối xiêm hườm hườm, ruột vừa ngon ngót mật, đập dẹp, rồi nướng trên than i ỉ. Khéo thì đập trái chuối cho dẹp đều, không méo mó. Để khi trên than lửa chín rồi thì phần chan chát trong cơm chuối, đượm với nhân mật chớm vàng, nghe thấy được mùi bùi bùi, ngòn ngọt sem sém lửa.

Miếng chuối nóng phải phủi lia lịa trên tay, rồi chấm vào chén nước cốt dừa quánh sệt, mằn mặn, béo béo, thơm lừng mùi cháy, mùi dừa, xông xốc một chút hành hương.

Thiệt đã đời mong tưởng. Ngồi kể như đếm món khoái khẩu này của ngoại, từng thao tác ngoại làm những chiều xế mưa giông.

Vậy mà niềm thương nỗi nhớ khô không khốc, ráo hoảnh hồn vía.

Nhưng trưa nay trời như còn ở Huế mưa dai. Bỗng nhớ xóm chợ Hòa Hưng nhà Má Ba. Trên cái gác tò vò cả chục đứa cháu ngoại mỗi lần mưa lâu là nằm chò hõ ngó đường, chờ nghe tiếng rao chuối chiên, chuối nướng.

Thì ra kí ức cũng chỉ là một trí nhớ khô lạnh không ra hồn vía gì vì thiếu một tiếng rao.

Nhớ Sài Gòn những xóm mưa quá sá.

Tâm Chánh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tin-tuc-tinh-thanh/sai-gon-nhung-xom-mua-523797.html