Sài Gòn khi nào rảnh

Với 30 câu chuyện như 30 ngày của một tháng, tác giả muốn nhắn gửi đến bạn đọc hãy sống chậm lại một chút giữa thành phố vội vã để cảm nhận cuộc sống quanh mình đẹp hơn và để cùng nhau sống tử tế, ý nghĩa hơn.Khác biệt giữa những người thành công, làm được nhiều thứ và những người bình thường, có lẽ cũng bắt đầu từ ba chữ 'khi nào rảnh'.

... Khi nào rảnh, mình sẽ học đàn. Thấy bạn ấy ôm guitar ngân nga hát, hắn chợt thèm được như thế nhiều khi để được các cô bạn ngưỡng mộ, nhiều khi chỉ để nghêu ngao một mình cũng là đủ.

Thế nhưng, hẹn lần hẹn lữa từ thời sinh viên đến bây giờ, đứa bạn mình vẫn vậy. Những cây đàn hàng ngày vẫn được làm ra để chờ những người như hắn.

... Khi nào rảnh, sẽ về thăm Mẹ. Thời sinh viên đã nhiều lần nợ không về thăm Mẹ vì những chuyến đi chơi với bạn bè, tiệc sinh nhật, hay đây đó cùng người yêu.

Còn nợ mãi vì hình như xem chuyện về thăm mẹ là chuyện bên lề. Dẫu sao mẹ cũng là người nhà, có bao giờ mẹ trách đâu, thôi để tuần sau. Lớn lên đi làm - còn bận hơn. Bao nhiêu lần như thế, để một ngày hóa ngô nghê - mẹ đi xa, không về.

Tác giả - bác sĩ, nhạc sĩ Vũ Minh Đức - với tập tản văn Sài Gòn chữ vội trên vai.

Tác giả - bác sĩ, nhạc sĩ Vũ Minh Đức - với tập tản văn Sài Gòn chữ vội trên vai.

... Khi nào rảnh, tụi mình làm họp mặt lớp đi! Hô hào thế nhưng a-lô đứa này đứa kia mệt chết. Hơi đâu! Rồi thử một lần í ới gọi nhau - những đứa bạn 25 năm gặp nhau, niềm vui vỡ òa.

Kể từ đó, cả đám cho nhau bao tiếng cười sau những giờ đi làm mệt mỏi. Cơm áo gạo tiền có phải tất cả đâu. Thôi thì thử làm ngay cả lúc không rảnh, mỗi người ngắt thời gian của mình ra một mảnh - để ngày hội ngộ, tuổi học trò được lăn về như trái banh.

... Khi nào rảnh, ba đi tìm lớp học Anh văn, lớp học vẽ, học đàn, học làm bánh cho con. Nghe thấy con nhà người ta đi học đủ thứ, giỏi đủ thứ, đâm ra luýnh qua luýnh quýnh nhưng chỉ là cái hồ hởi sốt sắng trong suy nghĩ bon chen tức thời.

Thế rồi, bận quá, chưa rảnh đi tìm lớp cho con được - thôi cứ từ từ, năm sau con ạ. Chỉ tội bọn trẻ con chưa được học thêm vài ba cái mới. Cái khác giữa nhà này nhà kia, bố mẹ này bố mẹ nọ nhiều khi chỉ nằm gọn lỏn ở ba chữ “Khi nào rảnh...".

... Khi nào rảnh, mình sẽ học thêm một lớp quản lý, học thêm Anh văn. Thấy ông sếp trẻ măng vừa giỏi, vừa nói tiếng Anh như hát, lòng ngưỡng mộ thèm được như thế dâng lên.

Rồi y hệt trẻ con - đùng đùng, mai sẽ đi đăng ký học Anh văn, học lớp CEO - đắt bao nhiêu cũng học. Sáng mai thức muộn, thôi sáng mốt. Sáng mốt lại nhức đầu, sáng kia lại đi công tác. Các lớp học vẫn cứ thiếu hoài một học viên.

Chẳng có bao giờ rảnh đâu. Càng lúc sẽ càng bận hơn. Bận vì những công việc hàng ngày - một lẽ - nhưng cũng không ít những lần không rảnh vì lười, vì chưa đủ kiên định, chưa đủ đam mê đeo đuổi đến cùng và cả chưa đủ yêu thương chính mình nữa.

Hãy cứ bắt đầu xắn tay làm sớm nhất những gì mình muốn đi bạn - một thứ thôi - trong cái mớ ham hố đã từng làm bạn chộn rộn đó để làm đầy dần cái túi mơ ước của mình và có thêm nhiều cái để chơi với cuộc đời thú vị này.

Rồi tự dưng sẽ thấy - ờ há, cũng có chút rảnh rỗi cho ba mẹ, cho thầy cô, cho bạn bè, cho con cái, cho người thân, cho con đường mình đã chọn và có thêm nhiều thứ lỉnh kỉnh khác nữa.

Khác biệt giữa những người thành công, làm được nhiều thứ và những người bình thường - có lẽ cũng bắt đầu từ ba chữ “Khi nào rảnh...”.

Phố cười ranh mãnh

Cứ mà... khi nào rảnh...

Hổng khéo

Lười đến không phanh.

Vũ Minh Đức / NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/sai-gon-khi-nao-ranh-post1150704.html