Sài Gòn dễ thương vì người ta cứ bận sống tử tế với nhau thôi

Sài Gòn dễ sống, chỉ cần chịu khó là được. Người Sài Gòn dễ chơi, chỉ cần cái tình, cái nghĩa là xong. Và Sài Gòn dễ thương, bởi người ta cứ bận sống tử tế với nhau cả một đời.

Tôi có cô bạn người Bắc, cùng làm trong ngành ở Sài Gòn. Năm trước, cô ấy được điều công tác về lại Hà Nội, ngày ra đi còn cầm tay tôi, rơm rớm: Mai mốt nhớ Sài Gòn thì làm sao?

Và rồi cũng ở Hà Nội hơn năm. Vậy mà, mỗi đêm mùa hạ khi trời Hà Nội chưa kịp nóng ong ong, cô lại nhắn tin, than thở:

- Giờ, Sài Gòn là được mặc áo ba lá đi chơi rồi hen! Đi đường phải nhớ né ninja nghen, trời nóng thì xuất hiện ngày càng nhiều! Sài Gòn cũng phải được 40 độ hơn rồi nhỉ, đài hôm qua báo vậy? Mưa đầu mùa đã tới lâu chưa? Hàng cá khô của bà Tư dưới chân cầu Nguyễn Văn Cừ còn chứ, dặn Tư tụi đô thị, mắc công lại cuỗm mất cái bàn khi về không có chỗ ngồi…

Cô ấy nhớ từng thứ nhỏ nhặt về Sài Gòn như thế, nhớ da diết. Ngày nọ, đi làm về thấy chiếc xe biển số 59 đậu trước cổng công ty, cô mừng đến phát khóc. Hôm đó, cô bắt chú tài chở mình đi lòng vòng Hà Nội cho bằng được. Không phải để ngằm phố phường, cô ấy bảo “thèm” nghe chuyện Sài Gòn quá nên vậy. Để ôn lại mấy thứ cũ, để nghe chú kể và còn ngửi cả cái mùi mặn mòi Sài Gòn bình dị, xương xương trong giọng nói của chú xe ôm tên Ba.

Tại sao, một người Hà Nội gốc như cô bạn tôi lại thương mến, mến thương cái xứ sở kỳ lạ này nhiều vậy? Cô đáp: Vì Sài Gòn dễ thương. Không phải là đẹp, không phải là vui, mà là dễ thương đó nhé!

Ở Sài Gòn, người ta cứ bận tử tế với nhau cả một đời.

Sài Gòn dễ thương từ những điều nhỏ xíu

Chắc chắn rằng, người ở Sài Gòn dù 1 ngày hay dăm chục năm thì đã từng có lần tức điên vì mấy chuyện thế này, tôi liệt kê: Vì nắng nóng, vì khói bụi, vì đã đông đường chen chân mệt lối trên Võ Văn Kiệt, lại còn inh tai bởi tiếng còi xe te te, hay vì một hôm đen đủi, đi qua Điện Biên Phủ giữa trưa nắng lại dính luôn 18 cái đèn đỏ muốn té ngửa.

Sài Gòn vội, Sài Gòn đất chật người đông, Sài Gòn ô nhiễm,… những cụm từ cũng từ đó mà ra. Nhưng rồi, bữa hổm, quẹo vô con hẻm tắt, chợt thấy tấm biển chữ viết nghệch ngoạch: “Hẻm cục”. Người ta lại ôm bụng cười thầm: À! Sài Gòn còn dễ thương nữa đấy.

“Nghĩ tới tương lai, buồn rơi nước mắt. Nghĩ tới nợ nần, lạnh toát mồ hôi…!” - châm ngôn sống của một bác sửa xe trên đường.

Ở Sài Gòn không khó để bắt gặp một cái biển chỉ đường như vậy. Như trên đường Cao Thắng, lúc nào bác xe ôm cũng dựng cái biển xanh: “Bệnh viện Từ Dũ nhìn theo hướng mũi tên sang phải thấy nhà lầu cao màu vàng nhìn lên trên thấy hình mẹ bồng con”, người ta lại thở phào nhẹ nhõm vì khỏi sợ lạc đường.

Người ta quen ở góc đường Cao Thắng luôn có cái biển hiệu ““Bệnh viện Từ Dũ nhìn theo hướng mũi tên sang phải thấy nhà lầu cao màu vàng nhìn lên trên thấy hình mẹ bồng con”.

Chưa kể đâu xa, quanh Sài Gòn đâu đâu cũng gặp tấm biển viết tay nhìn mê mệt, nhất là của dân hàng rong: “Xoài, cam, quýt, ồi 15 nghìn/ký”, chữ “ký” viết bự ngang cái bảng. Thấy rẻ, vài bà nội trợ, quẹo lựa ngon ơ, cân xong thì bảo 30 nghìn một ký mới té ngửa. À, gần chữ ký có chữ “nửa”, 15 nghìn/nửa ký, mà mắt thường có nhìn nổ đom đóm cũng kỳ công thấy được. Rồi thì “Cút lộn, vịt lộn xào me”, “mận Hà Nội”, “nhót đầu mùa”,… được ghi bằng màu sơn trên bìa cát-tông ngả vàng đã dùng bao mùa quả rồi, người bán vẫn giữ nguyên.

Những biển hàng rong được ghi bằng tay thấy mà thương của người Sài Gòn.

Hay chiếc xe hàng rong có gắn wifi như thế này nữa!

Sài Gòn mình hoài cổ lắm! Có những thứ xưa ơi là xưa mà người thành phố có chịu đổi đâu. Như chợ Bến Thành 300 năm, gánh xôi nửa thế kỷ ở lề đường, hay đơn giản chỉ là những tấm biển hiệu màu sơn dầu, gần chục năm người ta vẫn trân trọng treo ngay trước hiên nhà.

Không màu mè, đèn đúa như áp-phích thời kỳ mới, chiếc biển hiệu vẽ tay bằng sơn dầu đơn thuần: vàng, xanh, đỏ, in chữ tiếng Hán trông rất oai… Và dù theo thời gian, nó đã đổi màu cháo lòng già nua, họ cũng khó nỡ bỏ đi được. Chẳng ai lý giải nổi lý do tại sao, cũng như cái tên Sài Gòn vậy, bao nhiêu năm người ta còn thắc mắc nghĩa là gì?

Những tấm biển hiệu sơn dầu, được người Sài Gòn trân trọng treo ngay trước hiên nhà đã hơn nửa thế kỷ như thế này đây!

Người ta không lý giải được tại sao lại yêu thích nó, cũng như không cắt nghĩa nổi cái tên gọi Sài Gòn cổ đến nhường nào!

Sài Gòn mình, người ta cứ bận sống tử tế với nhau thôi!

Thế mà, cũng từ những thứ nhỏ xíu xìu xiu ấy, người ta gật đầu bảo: Sài Gòn cứ bận sống tử tế cho nhau. Đúng thế chớ còn gì…

Nhớ, ngày nắng ong ong, chạy rịch ràng trên đường, lại được câu nhắc: Gạt chân chống kìa con, bằng chất giọng ồm ồm của bác xe ôm như nạt mà mủi lòng da diết. Chưa kịp cảm ơn, xe chú phóng mất hút.

Ra đường, nghe câu: Gạc chân chống kìa con, chưa kịp cảm ơn, xe chú phóng mất hút.

Rồi hôm đầu tiên lên Sài Gòn, chân ướt chân ráo, ngó nghiêng hỏi đường: Đại học Tôn Đức Thắng ở đâu ạ? Bác xe ôm tỉ mỉ cầm tay chỉ tới chỉ lui mà mặt còn nghệch ra. Bác lại cất công đèo đến tận cổng, bảo: Tao chở đi cho lẹ, tìm thì có tận mai. Lúc đưa tiền, bác lắc đầu hùi hụi: Sinh viên tiền đâu đưa, giữ mà sinh sống, học cho thành tài giúp đỡ ba má nghe chưa?

Hay những thứ miễn phí có 1-0-2 trên đường phố như thế này.

Bữa đi ăn quên đem tiền, cô chủ quán cười: Cho thiếu đó, hôm khác ghé đưa dì nghen. Hay chiều tan ca, người ta tranh nhau nhích từng chút một để về nhà sớm. Vậy mà, qua ngã tư đèn đỏ, thấy bà cụ ngồi co ro, đôi mắt lòa chia chiếc nón lá rách trống trơn, người Sài Gòn lại dừng xe, bỏ vào đó những đồng bạc phẳng phiu, mặc cái nắng, người sau bấm còi inh ỏi khi đèn xanh đã nhấp nháy.

Và, Sài Gòn còn nổi tiếng Sài Gòn miễn phí: bánh mỳ miễn phí, cơm 0 đồng miễn phí, trà đá miễn phí, tủ quần áo miễn phí, hớt tóc miễn phí…

Người giàu san sẻ cho người nghèo một ít vật chất, tình cảm lại mặn mòi hơn chút chút. Bởi ở nơi này, mọi người từ trăm miền đổ về lập nghiệp nên hiểu nhau, quyện vào nhau sống và gầy dựng cho nhau những tánh tốt lành từ miền quê của riêng mình. Cuối cùng, Sài Gòn lại là đất dung hợp tất cả cái tình, cái nghĩa ấy mà nên.

Sài Gòn miễn phí cho nhau tất cả, kể cả tấm lòng.

Bánh mỳ miễn phí, thuốc miễn phí, trà đá miễn phí, tủ quần áo miễn phí, hớt tóc miễn phí…

Sài Gòn dễ sống, chỉ cần chịu khó là được. Người Sài Gòn dễ chơi, chỉ cần cái tình, cái nghĩa là được. Và Sài Gòn dễ thương, bởi người ta cứ bận sống tử tế với nhau cả một đời vậy thôi!

Thế mới thấy: Sài Gòn dễ sống, chỉ cần chịu khó là được. Người Sài Gòn dễ chơi, chỉ cần cái tình, cái nghĩa là được. Và Sài Gòn dễ thương, bởi người ta cứ bận sống tử tế với nhau cả một đời vậy thôi!

“Sài Gòn sống riết tánh kỳ

Người dưng về trễ mắc gì trông lo…” - Lai Thượng Hưng.

Huy Hậu

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/xa-hoi/hat-giong-tam-hon/sai-gon-de-thuong-vi-nguoi-ta-cu-ban-song-tu-te-voi-nhau-thoi-2586364.html