'Sài Gòn còn thương thì về' - chữ 'thương' trên từng trang viết của nhà văn trẻ

Nhà văn trẻ Tống Phước Bảo như một luồng gió mới trên văn đàn trẻ Việt Nam và giới văn chương TP.HCM, với văn phong Nam Bộ mang chút gì xa ngái bàng bạc như giai điệu đờn ca tài tử miền sông nước, vừa đậm chữ 'thương' đến thắt thẻo gan ruột bạn đọc…

“Ở Sài Gòn chẳng có người lạ, chỉ có người quen; chẳng thể ghét, chỉ có thương. Người thương người vì nhau mà sống. Người thương đất này, vì nó mà ở lại đây cho trọn một đời…”. “Sài Gòn còn thương thì về” là cuốn sách thứ 5 của Tống Phước Bảo, gồm 19 tản văn, 8 truyện ngắn viết về mảnh đất đã “ấp yêu” tác giả hơn 30 năm, và được viết ra trong “mùa dịch” Covid-19 năm ngoái đến năm nay.

Sài Gòn – TP.HCM, chữ “thương” như một dòng chảy không cạn kiệt, bởi Sài Gòn “đất lành”, Sài Gòn bao dung, phóng khoáng, rộng lòng chở che, đầy ắp tình người. Nhà văn trẻ Tống Phước Bảo đã “bắt” được dòng chảy đó, để cảm nhận bằng chính trái tim, tâm hồn nhạy cảm của mình, lắng nghe và thấu cảm cuộc sống xung quanh với sự trải lòng ấm áp, chia sẻ, cảm thông, thể hiện chữ “thương” trên từng trang viết.

4 trên 5 đầu sách của Bảo ra mắt bạn đọc đều mang chữ “thương” như một dấu ấn, một đặc điểm nhận dạng văn chương khó lẫn vào ai. “Cả một trời thương” (2018), “Mình gọi nhau là cưng” (2019), “Đừng vội ghét khi chưa kịp thương” (2020), và ở cuốn sách “Sài Gòn còn thương thì về” (2021) thì chữ “thương” nghe chất chứa tràn đầy, quặn thắt từng nhịp thở: “…nghe yêu thương không còn trôi xa giữa dòng đời tấp nập… Nuôi nấng lại tâm hồn xanh tươi lễ nghĩa nhân tình…”.

Giống như một tâm tình, Bảo chia sẻ: “Người ta thường chẳng dễ dàng dùng câu chữ để diễn tả lòng mình với mảnh đất đã ấp yêu mình hơn 30 năm… Vì vậy phải thật chậm, thật kỹ và phải đợi đến lúc lòng mình hứng khởi nhất tôi mới bắt đầu những dòng dành cho Sài Gòn. Bởi tôi thương Sài Gòn như thương một người tình”.

19 tản văn là 19 chữ “thương”, vừa như cái nhìn ngẫu hứng ở một góc nào đó đường phố, hay một con hẻm nhò, một thân phận, một số phận…, để rồi làm cho người đọc cũng thấm chữ “thương” đến da diết, đến quặn thắt trái tim mình.

Làm sao không “thương” cho được khi người Sài Gòn dang tay bảo bọc những phận nghèo, như một cái ôm ấm áp lau đi những giọt lệ buồn tủi trong “Người biết thương người”. Là một Sài Gòn thân thiện, không phân biệt gốc gác, chẳng có người lạ, chỉ có người quen, chẳng thể ghét chỉ có thương trong “Đừng vội ghét khi chưa kịp thương”, “Biết vọng cố hương, biết thương xứ mình”….

Hay cái nhìn tràn đầy thương yêu của một người trưởng thành sau bao trải nghiệm lăn lộn cuộc đời, đến những đứa trẻ còn chưa ý thức giá trị nhân cách của mình trong “Tháng Sáu, chuyện ‘đứa trẻ hư’ và thanh xuân vàng phai trước ngõ”. Cũng như đất gì mà hào sảng, mà phóng khoáng, nghĩa hiệp, sẵn lòng giang tay giúp đỡ, để người xứ khác đến đây phải thốt lên “Xứ gì lắm Lục Vân Tiên”.

Có những nỗi niềm chất chứa theo năm tháng, là vui là buồn, là yêu là nhớ, là những khắc khoải lo âu, là an nhiên tự tại bình lặng, là hoài niệm mênh mang… “Tiếng chim hót sau rào sử quân tử”, “Con thả trôi mùa gió của mình nơi đâu?”, “Lạc một nẻo quê”, “Người còn ở đó đợi tôi ngỏ lời yêu?”, “Có những ngày quay cuồng để tìm quên”…

“Sài Gòn còn thương thì về” của Tống Phước Bảo như là sợi dây “thương” níu kéo bao giá trị xưa, từ ngôi nhà cổ, con phố xưa đến những phong cách ẩm thực tưởng chừng đã đi vào bảo tàng: “Sài Gòn lê la, chè hoa khắp nẻo”,“Báo giấy - tiếc thay một chút nghĩa cũ”, “Cà phê kho - chuyện cũ kỹ của những người trẻ”, “Cà phê lóc cóc, tán dóc mùa dịch”, “Bắp chuối mà gói sầu đâu”…

Tống Phước Bảo như dẫn dắt người đọc, nắm tay người đọc cùng đi những chuyến dọc ngang bốn hướng của thành phố, ngó ngó nghiêng nghiêng, dừng nơi này một chút, sà vào nơi kia vài giờ, để quan sát, lắng nghe, để cảm nhận một Sài Gòn “thương” làm sao. Để ai từng gắn với Sài Gòn nhiều năm như Bảo khám phá ra thêm những mới mẻ sâu đằm của thành phố, để ai chỉ ngang qua vài giờ nhưng đủ nhớ đủ thương mà hò hẹn một lần nữa quay lại… Vâng, “Sài Gòn tận cùng của nỗi nhớ hóa ra nỗi thèm”.

8 truyện ngắn: “Cơm gia đình”, “Tập tầm vông”,”Đại gia”, “Nỗi thương lạc loài”, “Hồn Xuân”, “Thằng Tào lao”, “Về nhà là Tết”, “Vào một mùa hoa đẹp nhất”, được nhà văn trẻ Tống Phước Bảo thể hiện bằng ngôn ngữ rặt Nam bộ, và vì thế, câu chữ giản dị, gần gũi, ấm áp. Mỗi câu chuyện là phác họa một bức tranh hiện thực Sài Gòn, trong đó, những giá trị gia đình, tình làng nghĩa xóm, kế thừa làng nghề truyền thống…, gói trong chữ “thương”, để lấy đó làm nơi bám víu tinh thần mà tồn tại.

Thương từ những bữa “Cơm gia đình”, mà đôi khi trở thành một loại “hàng hóa đặc biệt” nơi thành phố, để có được cảm giác như ở nhà, hương vị cơm má nấu ngày xưa. Thương những nhớ nhớ, quên quên đến khắc khoải ở xứ người của má Năm trong “Tập tầm vông”. Thương cái cảnh những người hàng xóm nghèo tiền mà giàu tình, chăm sóc bà “Đại gia”, khi bị cướp vào nhà mà con thì đi công tác vắng.

Thương sự giằng xé tình cảm dị biệt giữa Lâm và An Nhiên trong “Nỗi thương lạc loài”. Thương sự hy sinh thầm lặng của người chiến sĩ công an phá án ma túy, phải hóa thân thành “Thằng tào lao”. Thương những sẻ chia trong khốn khó mùa dịch bệnh, để cùng nhau lan tỏa yêu thương, lạc quan mà sống “Vào một mùa hoa đẹp nhất”, “Về nhà là Tết”.

Trong nhiều tác phẩm văn chương của Bảo, luôn thấy bóng dáng những ngành nghề thủ công truyền thống, những nét đan thanh văn hóa Việt, đang dần bị mai một. Tác giả cố gắng trong trang viết của mình khuyến dụ mọi người hãy “thương”, đừng để nghề truyền thống bị “nuốt” bởi cuộc sống bộn bề công nghệ đương thời. Vì thế, “Hồn xuân” là một câu chuyện cảm xúc về nghề làm nhang trong “Sài Gòn còn thương thì về”.

“Nếu bạn thương mảnh đất này, sống một cuộc đời tử tế và thiện lành với Sài Gòn, tin tôi đi, Sài Gòn sẽ đền đáp bạn bằng sự bao dung, sự thảo thơm và cả niềm hạnh phúc”. Và nhà văn Tống Phước Bảo gửi gắm chữ “thương” trong cuốn sách “dành cho những ai đã đến, đang ở và có những ước mơ đặt chân đến miền đất lành này. Dẫu chỉ ghé qua nơi này trong chốc lát, hay gá phận mình một đoạn ngắn cuộc đời, cũng có khi gắn chặt quãng dài, bôn ba trăm đường vạn xóm ngàn hẻm ở mảnh đất phù hoa này”./.

CTV Hoài Hương/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/van-hoc/sai-gon-con-thuong-thi-ve-chu-thuong-tren-tung-trang-viet-cua-nha-van-tre-867829.vov