Sai - đúng khi phạt học trò quỳ gối?

Dư luận vẫn đang rất quan tâm tới vụ một nữ giáo viên có 25 năm tuổi nghề ở Hà Nội vừa bị đình chỉ công tác do phạt học sinh quỳ trước lớp. Liên quan tới chuyện quỳ gối, vào năm 2018 cũng đã từng xảy ra sự việc xôn xao khi một giáo viên tiểu học ở Long An phạt học sinh quỳ đã bị phụ huynh bắt quỳ gối lại xin lỗi.

Nhiệm vụ “trồng người” của ngành Giáo dục là một sứ mệnh quan trọng. Vì vậy, các vụ việc tác động lớn tới xã hội như trên được nhìn nhận sai - đúng thế nào?

Lấy học trò làm trung tâm

Trong vụ việc xảy ra vào ngày 10-5 vừa qua được đưa lên mạng xã hội, do một trong 2 nam sinh của lớp này bị cô giáo bắt phạt quỳ nhưng đã phản đối, không thực hiện (vì cho rằng đó là hình phạt mang tính chất lăng nhục) nên bị giáo viên đuổi ra khỏi lớp; còn một nam sinh quỳ gối theo yêu cầu của cô giáo. Sau khi cô giáo trên bị đình chỉ một tuần công tác, cũng có nhiều ý kiến đưa ra tỏ ý thông cảm với giáo viên trong chuyện này. Có ý kiến cũng cho rằng, đình chỉ cô giáo thì mai sau học trò nhìn vào đó sẽ coi thường cô giáo, tiếp tục vi phạm, không sợ gì...

Anh Nguyễn Thái Nam (ngụ tại TP Hồ Chí Minh), thuộc hệ 8X cho rằng, thời điểm cách nay 10-15 năm, việc giáo viên phạt học sinh cá biệt quỳ hay thậm chí bị cho vài “bạt tai” là bình thường nhưng hiện nay hình thức phạt này xem ra không còn phù hợp. Anh Nam kể năm anh học lớp 6, trong một tiết Văn, anh bị cô giáo đánh vào tay rất đau do không học bài.

Cô đánh đau đến nỗi về nhà, tôi không cầm nổi chén ăn cơm nhưng trong bữa cơm, tôi không dám nói với bố mẹ vì sợ sẽ bị đánh thêm. Cha mẹ tôi từng nói với cô giáo tôi rằng cô muốn dạy dỗ theo phương pháp ra sao là tùy, ba mẹ tôi không bao giờ có ý kiến. Giờ mỗi khi nhớ lại, tôi luôn cảm thấy biết ơn cô vì sự nghiêm khắc đó. Nếu không bị cô đánh chắc chắn tôi sẽ chểnh mảng và mãi không học”, anh Nam nói.

Anh Đặng Quang Ngọc, hiện là một sĩ quan quân đội cũng kể: “Tôi vẫn nhớ như in cô giáo dạy toán của chúng tôi dạo đó mỗi khi lên lớp thường thủ sẵn một chiếc roi tre nhỏ, dài được mài nhẵn bóng. Học sinh nào nói chuyện hay không thuộc bài sẽ bị cô cầm roi quất vào chân và mông. Nhưng đánh xong cô vẫn ân cần giảng giải, bày vẽ nên cả lớp đều rất thấm thía. Ấn tượng trong tôi tới tận bây giờ đó là cứ tới giờ học của cô dạy Toán là cả lớp im phăng phắc”.

Anh Ngọc kể có lần anh đánh nhau với bạn, anh và bạn đều bị thầy giáo phạt quỳ trên sỏi. Thầy nói quỳ như vậy sẽ đau nhưng có đau thì mới nhớ để không vi phạm. Về nhà mẹ anh phát hiện hai gối anh bầm tím. Khi kể lại, bố mẹ anh định cho anh thêm vài roi nữa. “Thú thật lúc đó bị thầy cô phạt đau nhưng không sợ bằng bị thầy cô mời cha mẹ lên làm việc. Vì vừa xấu hổ với chúng bạn vừa biết chắc rằng về nhà sẽ bị đánh đòn thêm”, anh Ngọc nhớ lại, chia sẻ.

Ảnh minh họa: Để việc giáo dục học sinh có kết quả, phụ huynh học sinh rất cần phối hợp tốt với nhà trường.

Ảnh minh họa: Để việc giáo dục học sinh có kết quả, phụ huynh học sinh rất cần phối hợp tốt với nhà trường.

Đứng trên bục giảng nhiều năm nay, thầy Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An, quận 5, TP Hồ Chí Minh khẳng định: "Chưa thầy cô giáo nào không phạt học sinh, vấn đề là phạt các em bằng cách nào để có hiệu quả của biện pháp giáo dục. Tôi đã từng đặt ra quy định với lớp mình dạy, nếu học sinh không thuộc bài lần một sẽ du di cho qua nhưng nếu lần 2 thì phải phạt. Cụ thể, nếu không học bài lần 2 sẽ bị phạt bằng cách cho 0 điểm, nhưng nếu sau đó học sinh xung phong 2 lần liên tiếp thì được xóa điểm 0 này. Với các vi phạm khác như nói chuyện, mất trật tự, làm việc riêng... tùy mức độ tái phạm có thể lựa chọn cho học sinh lau bảng 1 tuần hoặc ghi sổ đầu bài”.

Thầy Hoàng cũng chia sẻ, có lần thầy phải “giả câm, giả điếc” để tránh mất thời gian và "mất mạch" bài giảng vì một học sinh trong lớp rất hỗn và vô lễ. Ông đã nhịn cơn bực bội lại cho tới hết giờ mới nhắc nhở học sinh này. “Nhà giáo hiện nay rất áp lực, đặc biệt nếu lớp học là những học sinh cá biệt, nhưng dù phụ huynh có đề nghị thì việc bắt học sinh quỳ gối là hình thức phạt không phù hợp. Trong đó nên cân nhắc. Khi áp dụng hình thức phạt bắt học sinh quỳ và sau đó học sinh này có hết vi phạm hay không. Chưa kể sẽ hình thành, gieo vào trong đầu óc của học sinh bị quỳ trước cả lớp một tâm lý không ổn, nhất là sẽ xấu hổ với bạn. Như vậy, việc phạt học sinh như vậy chưa thuyết phục”, thầy Hoàng bộc bạch.

Không thể phó mặc cho nhà trường

Nói về hình thức kỷ luật của nhà trường với giáo viên Trường THCS Tô Hiệu (Hà Nội) là đình chỉ công tác 1 tuần, thầy Hoàng tỏ ý không đồng ý và phân tích: “Với giáo viên, nếu bị đình chỉ là khoảng thời gian tăm tối. Việc đình chỉ cô giáo thể hiện việc đổ hết lỗi cho giáo viên".

Thầy Phan Quang Vinh, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh (Đồng Nai) cho rằng, phạt học sinh là câu chuyện thay đổi theo sự phát triển của xã hội. Những trường hợp "phạt" học sinh như “quỳ” chủ yếu là cấp tiểu học, học sinh càng lớn nhất là bậc THPT đã có nhận thức, hình phạt này không có tác dụng và không mang tính giáo dục. Việc này sẽ làm cho học sinh tổn thương về mặt tâm lý, dễ nảy sinh các phản ứng tiêu cực.

Ngày nay, khi giáo dục đã "lấy học sinh làm trung tâm" thì những hình phạt gây tổn thương đến thể xác và tinh thần của học sinh đều không còn phù hợp. Sự phát triển của mạng xã hội hiện đang rất mạnh mẽ, do đó càng cần có sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Phụ huynh cần nhận thức vai trò của mình trong việc giáo dục con cái. Nhà trường có thêm các chương trình giao lưu phụ huynh với các chuyên đề về phương pháp giáo dục con em… Xã hội cần có môi trường có tính giáo dục và nhân văn hơn. Cần rõ ràng ở đây rằng cái sai của học sinh cần được giáo dục và xử phạt, cái sai của cô giáo cũng cần như thế.

Cô Trần Ngọc Lan, giáo viên ở một trường THCS ở quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh bày tỏ, để việc giáo dục học sinh có kết quả, phụ huynh học sinh cần phối hợp rất tốt với nhà trường trong việc giáo dục con em mình. “Nhà trường không chỉ là nơi để học sinh đến và sau đó phó mặc cho các thầy cô trực tiếp đứng lớp. Áp lực của các thầy cô rất lớn nhưng khi có sự việc xảy ra, giáo viên khi bị đình chỉ tôi thấy mất niềm tin lắm”, cô Lan nói.

Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh nhìn nhận, việc phạt học sinh quỳ là không nên và không có hiệu quả lâu dài trong giáo dục học sinh. Ông Ngai mong muốn, trước bất cứ sự việc nào trong nhà trường, hiệu trưởng cần phải có bản lĩnh, thật bình tĩnh, nhanh chóng tìm hiểu nguyên nhân để có biện pháp xử lý thích hợp, phải giúp cho giáo viên thấy cái sai để sửa chữa, khắc phục hoặc báo cáo xin ý kiến cấp trên nếu ngoài thẩm quyền của mình.

Vì nếu xử lý không đúng, thấu tình, đạt lý thì sẽ tạo tâm lý cho giáo viên là “sợ đụng chạm” đến học sinh và phụ huynh học sinh”. Từ đó có tư tưởng buông xuôi sai phạm của học sinh cần được giáo dục, uốn nắn. Việc này là rất nguy hiểm trong công tác giáo dục học sinh.

Huyền Nga

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-duc/sai-dung-khi-phat-hoc-tro-quy-goi-546577/