Sagri làm ăn ra sao trong những năm gần đây?

Kết quả kinh doanh thất thường cùng hàng loạt ý kiến ngoại trừ và nhấn mạnh cũng được kiểm toán liên quan đến những khoản đầu tư là thực trạng tại Sagri.

Ảnh minh họa.

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM. Đồng thời Cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can ông Trần Trọng Tuấn, Phó chánh văn phòng thành ủy, nguyên bí thư quận ủy Quận 3 và một số bị can khác.

Ông Tuyến, ông Tuấn cùng bị khởi tố điều tra về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", quy định Điều 219 Bộ luật hình sự năm 2015. Những bị can này bị điều tra vì những sai phạm liên quan đến vụ án xảy ra tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH Một thành viên (Sagri).

Báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh của Sagri những năm gần đây cho thấy sự trồi sụt thất thường, thậm chí có năm doanh nghiệp này lỗ đến 36 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước vẫn lãi hơn 270 tỷ đồng.

Cụ thể, năm 2019, Sagri ghi nhận 2.666 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn giảm mạnh hơn khiến biên lãi gộp được cải thiện rõ rệt từ 12,8% lên 18,3% tương ứng lợi nhuận gộp 487 tỷ đồng, tăng 12,8% so với cùng kỳ.

Chi phí bán hàng tăng gần 15% so với cùng kỳ lên mức 232,7 tỷ đồng trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp gần như đi ngang. Cả 2 chi phí này đều ở mức cao lần lượt chiếm 8,7% và 6,5% doanh thu. Kết quả, Sagri thu về gần 85 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt hơn 69 tỷ đồng.

Tính đến hết ngày 31/12/2019, tổng tài sản của Sagri vào khoảng 3.047 tỷ đồng, giảm không đáng kể so với đầu kỳ. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm 61% chủ yếu là các khoản tiền gửi có kỳ hạn dưới 3 tháng (740 tỷ đồng), các khoản phải thu ngắn hạn (319 tỷ đồng) và tồn kho (572 tỷ đồng). Ngoài ra, Sagri còn có 317 tỷ đồng đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết và 86 tỷ đồng góp vốn vào đơn vị khác.

Bên cạnh kết quả kinh doanh thất thường, hàng loạt ý kiến ngoại trừ và nhấn mạnh cũng được kiểm toán nêu ra trên báo cáo tài chính các năm liên quan đến những khoản đầu tư.

Cụ thể, Sagri và Công ty TNHH Một thành viên Xuất nhập khẩu Nông lâm hải sản (100% vốn của Sagri) đã ký 10 hợp đồng góp vốn thành lập pháp nhân mới để hợp tác đầu tư trên 24 khu đất rộng 1.900 ha.

Trong đó, Sagri đã bàn giao 140 ha của Công ty TNHH MTV Bò sữa TP HCM cho Công ty TNHH Nông nghiệp Trung Thủy Sagri... Theo Kiểm toán Nhà nước, số đất này được giao khi chưa có văn bản chấp thuận của UBND TP.HCM, chưa có quyết định thu hồi và giao đất của cơ quan có thẩm quyền.

Theo kiểm toán, Sagri cũng ký 6 hợp đồng hợp tác theo phương thức, việc tổ chức kinh doanh trên khu đất do đối tác toàn quyền quyết định, Sagri được hưởng khoản lợi nhuận cố định không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh trên đó. Do đó, cơ quan kiểm toán cho rằng, thực chất của hợp đồng hợp tác là tổng công ty này cho thuê lại đất, không đúng quy định của thành phố đã phê duyệt.

Tổng công ty cũng ký 7 hợp đồng với 4 đơn vị để hợp tác kinh doanh trên 7 cơ sở nhà đất có tổng diện tích 114 ha. Sagri cũng ký 8 hợp đồng hợp tác có ngành nghề kinh doanh bất động sản - là lĩnh vực thuộc ngành nghề phải thoái vốn theo quy định của Chính phủ.

Đầu tư và sai phạm tại dự án này là một trong những nguyên nhân khiến nhiều lãnh đạo của Sagri như Chủ tịch Hội đồng thành viên Vân Trọng Dũng, Tổng giám đốc Lê Tấn Hùng, Kế toán trưởng Nguyễn Thị Thúy bị tạm giam để điều tra tội danh tương tự ông Trần Vĩnh Tuyến.

THANH HÀ

Nguồn BizLIVE: https://bizlive.vn//kinh-doanh/sagri-lam-an-ra-sao-trong-nhung-nam-gan-day-3548250.html