SAFE và 'ngoa dụ' mỡ trong máu

Một nhà sư đi khám sức khỏe ở bệnh viện. Sau khi thăm khám và cho làm các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ kết luận: mọi thứ đều trong giới hạn bình thường trừ huyết áp hơi tăng và rối loạn mỡ trong máu!

Nhà sư kêu lên kinh ngạc: Cả đời tôi đi tu, ăn chay trường, làm sao lại có mỡ trong máu? Nhà chùa biết được chắc tôi bị đuổi khỏi chùa!

Thật ra dầu hay mỡ cũng cùng là loại chất béo, lipid, cũng cung cấp một lượng calo cao gấp đôi các chất đường, bột (glucid) và đạm (protid), chỉ khác một điều mỡ thì có nguồn gốc từ các loại động vật còn dầu từ các loại thực vật. Dầu tốt hơn mỡ nhờ tính chất hóa học riêng. Đúng ra không nên nói “rối loạn mỡ trong máu” mà nên nói “rối loạn lipid máu” sẽ chính xác hơn.

Rối loạn lipid máu nhiều khi còn được các bác sĩ và bệnh nhân “diễn tả” bằng những từ bí hiểm, dễ gây hoang mang thêm như tăng mỡ trong máu, cao mỡ, dư mỡ trong máu hay “máu lộn mỡ”, “mỡ lộn máu”… nghe khá là rùng rợn!

Thực ra thì cơ thể con người không thể thiếu… mỡ! Mỡ cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động (ở những vùng lạnh hoặc trong mùa lạnh rất cần năng lượng để sưởi ấm cơ thể); mỡ còn tham gia trong cấu trúc màng tế bào; chuyển hóa thành các chất thiết yếu như mật ở gan; mỡ còn giúp hấp thu các chất vitamin tan trong chất béo như vitamin A, D, E, K. Đặc biệt ở tuổi mới lớn, trẻ gái còn rất cần mỡ để phát triển giới tính, giúp kinh nguyệt được điều hòa, phát triển tuyến ngực và tạo những đường cong mềm mại cho cơ thể.

Tóm lại, một cơ thể lành mạnh không thể thiếu… mỡ! Vậy không có lý do gì để sợ mỡ! Thường sau một bữa ăn thịnh soạn chừng một tiếng đồng hồ đã thấy có mỡ vàng óng ánh từng hạt nhỏ… lềnh bềnh trong máu! Nói khác đi, có mỡ trong máu là chuyện bình thường, là cần thiết. Cho nên khi thử máu, khi làm xét nghiệm máu, thế nào cũng thấy có… mỡ!

Có điều, có loại mỡ tốt và loại mỡ xấu! Mỡ tốt thì càng tăng cao trong máu càng tốt, như loại HDL (high density lipoprotein) tạo HDL-cholesterol bảo vệ cơ thể, trái lại loại LDL (low density lipoprotein) là loại mỡ xấu, tạo LDL-cholesterol, gây bệnh cho cơ thể. Xấu vì loại mỡ này này dễ đọng lại, vón cục, thành xơ vữa động mạch, gắn vào thành mạch làm cho lòng mạch máu bị bít hẹp lại, khiến máu không “lưu thông phân phối” dễ dàng nữa, sinh ra một số bệnh nguy hiểm như thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, thiếu máu não, tai biến mạch máu não (mạch máu não bị bít nghẹt hoặc bể, vỡ), có khi xơ vữa còn làm tắc nghẽn máu lưu thông ở vùng tay chân làm đau buốt đầu ngón, lạnh tê v.v… Máu huyết mà lưu thông phân phối tốt thì cơ thể khỏe mạnh, máu huyết mà ứ trệ thì cơ thể bị bệnh.

Các loại thức ăn cung cấp chất béo cho cơ thể thì nhiều lắm, nhưng nói chung dầu (thực vật) thì tốt hơn mỡ (động vật). Mỡ động vật thì mỡ cá tốt hơn các loại mỡ khác.

Mỡ cá thì cá ăn… chay (ăn rong rêu, cỏ chẳng hạn) tốt hơn mỡ cá ăn thịt (cá lớn nuốt cá bé!). Gà vịt ngan ngỗng… thì mỡ xấu chứa nhiều nhất ở da, ở gan, lòng đỏ trứng, phao câu… Nhưng trời sanh cái gì hễ… hấp dẫn thì nguy hiểm như các loại nấm độc thường có màu sắc sặc sỡ, đẹp đẽ, ưa nhìn, món ngon thì như da gà, gan ngỗng, “nhứt phao câu nhì đầu cánh” chứa cholesterol xấu rất cao. Du lịch Bắc Kinh thì không thể bỏ qua món gan vịt, dù nghe nói đó là loại vịt được nuôi bằng một thứ thức ăn đặc biệt làm cho gan sưng to lên một cách bất thường!

Ngoài chuyện phải chọn thức ăn còn phải biết vận động thể lực, không hút thuốc lá và giảm stress trong đời sống hằng ngày mới có thể làm giảm nguy cơ “rối loạn lipid máu”, tránh được các bệnh tim mạch, huyết áp, tai biến…

Ngoài chuyện phải chọn thức ăn còn phải biết vận động thể lực, không hút thuốc lá và giảm stress trong đời sống hằng ngày mới có thể làm giảm nguy cơ “rối loạn lipid máu”, tránh được các bệnh tim mạch, huyết áp, tai biến…

Các nghiên cứu cho thấy các chất béo trong cơ thể không chỉ do thức ăn cung cấp mà còn do… lối sống của ta tạo nên. Tập thể dục đều đặn thì lượng HDL tăng cao, trái lại hút thuốc… đều đặn thì HDL giảm rõ rệt. Người bị nhiều stress, lượng LDL tăng cao gây tác hại cho cơ thể. Do vậy, ngoài chuyện phải chọn thức ăn còn phải biết vận động thể lực, không hút thuốc lá và giảm stress trong đời sống hằng ngày mới có thể làm giảm nguy cơ “rối loạn lipid máu”, tránh được các bệnh tim mạch, huyết áp, tai biến… như đã nói trên.

Khi khám bệnh, nghe bác sĩ nói có “rối loạn mỡ trong máu” thì ai cũng sợ. Nói rối loạn thực ra chỉ có nghĩa là không được quân bình, không giữ một tỷ lệ thích hợp giữa lipid tốt và lipid xấu. Thầy thuốc chuyên khoa sẽ tùy mức độ mà có chỉ dẫn thích hợp về cách ăn uống, cách luyện tập, nếu cần lắm thì sẽ phải dùng đến thuốc cho từng trường hợp cụ thể. Khuynh hướng hiện nay của chúng ta là ỷ lại vào thuốc, nghĩ rằng cứ ăn uống béo bổ thả ga, làm biếng vận động trời gầm rồi dùng thuốc tiêu mỡ cho sướng! Không gì vui hơn cho các nhà hàng ăn nhậu và các labo sản xuất thuốc chống… béo! Thực tế, thỉnh thoảng ta nghe quảng cáo thứ thuốc này thuốc nọ làm giảm lipid máu rất tốt nhưng ít lâu sau lại nghe cảnh báo chính thứ thuốc đó gây ra những tác hại ghê gớm khác cho cơ thể!

Một số người bị rối loạn mỡ trong máu lại có khuynh hướng kiêng ăn quá đáng. Có người cứ muốn thử máu hoài coi “mỡ” đã xuống chưa? Không có chuyện một ngày một bữa mà phải có thời gian điều chỉnh lâu dài. Do vậy chỉ xét nghiệm máu, chỉ dùng thuốc khi cần thiết theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa mà thôi.

Một cách sống lành mạnh, tránh được nhiều nguy cơ bệnh tật được Tổ chức Sức khỏe Thế giới khuyến khích là SAFE (an toàn), viết tắt của: Smoking (không hút thuốc lá), Alcohol (hạn chế các thứ uống có cồn như rượu, bia), Food (dinh dưỡng đúng cách) và Exercise (luôn vận động thể lực).

Chỉ có thế và chỉ cần thế.

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/safe-va-ngoa-du-mo-trong-mau-18244.html