Sacombank muốn chia gần 6.500 tỷ đồng cổ tức

Với nguồn lợi nhuận giữ lại gần 6.500 tỷ đồng, Sacombank dự kiến dùng toàn bộ số tiền này để chia cổ tức bằng cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ cũng như đáp ứng kỳ vọng của cổ đông.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank (STB) vừa công bố tài liệu họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, trong đó trình bày các kế hoạch tài chính trong năm nay.

Đáng chú ý, ban lãnh đạo nhà băng dự kiến trình cổ đông kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2020 và toàn bộ phần lợi nhuận để lại từ các năm trước theo hướng chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Trong đó, khoản lợi nhuận hợp nhất lũy kế đến cuối năm 2020 của ngân hàng này vào khoảng 6.496 tỷ đồng (sau khi trích đầy đủ các quỹ dự phòng bổ sung vốn điều lệ, dự phòng tài chính, quỹ khen thưởng, phúc lợi…).

HĐQT Sacombank cho biết theo đề án tái cơ cấu ngân hàng sau sáp nhập (Ngân hàng Phương Nam) lộ trình đến năm 2025, Sacombank chỉ được thực hiện chi trả cổ tức cho cổ đông sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

 Sacombank đã không chia cổ tức từ năm 2015 để thực hiện Đề án tái cơ cấu sau sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam. Ảnh: STB.

Sacombank đã không chia cổ tức từ năm 2015 để thực hiện Đề án tái cơ cấu sau sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam. Ảnh: STB.

Từ năm 2019, HĐQT ngân hàng đã liên tục đề xuất, kiến nghị NHNN cho phép trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận giữ lại này, đảm bảo trích lập dự phòng theo Đề án tái cơ cấu và các chỉ số an toàn hoạt động. Tuy nhiên, đến nay Sacombank vẫn đang chờ sự phê duyệt của NHNN để thực hiện.

Theo đánh giá của Ban điều hành, nguồn lợi nhuận giữ lại các năm đã ở mức cao, hơn 6.000 tỷ đồng nên Sacombank có thể sử dụng toàn bộ số tiền này để chia cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Điều này vừa giúp ngân hàng tăng vốn điều lệ, vừa đáp ứng kỳ vọng của cổ đồng. Hiện ngân hàng đã đề xuất và đang chờ NHNN phê duyệt.

Cũng theo tài liệu cổ đông kể trên, Sacombank dự kiến tổng tài sản năm nay sẽ tăng khoảng 8%, đạt 533.300 tỷ đồng đến cuối năm. Trong đó, tổng nguồn vốn huy động đạt 485.500 tỷ và dư nợ tín dụng đạt 372.000 tỷ đồng, cùng tăng 9% so với năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2% tổng dư nợ.

Với các chỉ số tài chính như trên, Sacombank kỳ vọng lợi nhuận trước thuế đạt 4.000 tỷ đồng cả năm, tăng 20% so với năm 2020. Nếu thực hiện thành công kế hoạch này, đây sẽ là mức lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay của Sacombank.

Về quá trình thực hiện Đề án tái cơ cấu đến năm 2025, Sacombank cho biết do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường bất động sản kém linh hoạt khiến công tác thu hồi nợ xấu gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhà băng này vẫn thực hiện trích 5.633 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro và xử lý tài sản tồn đọng thuộc Đề án, nâng mức trích lập lũy kế lên 12.027 tỷ đồng, tương đương 52% tổng Đề án đến năm 2025.

Trong năm 2020, nhà băng này đã thu hồi 15.200 tỷ đồng nợ xấu, bao gồm 8.200 tỷ thuộc Đề án, nâng mức thu hồi lũy kế từ khi triển khai Đề án tái cơ cấu đến nay lên 46.547 tỷ đồng, đạt 54% kế hoạch.

Tính đến cuối năm 2020, tài sản tồn đọng thuộc Đề án tại Sacombank đã giảm 48,2% so với cuối năm 2016, hiện chiếm 9,8% tổng tài sản, và góp phần tăng tỷ trọng tài sản có sinh lời từ 67,9% lên 85,2%.

Theo Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), Sacombank có thể xử lý thêm 16.100 tỷ đồng tài sản tồn đọng trong năm nay. Kỳ vọng được đưa ra trên quan điểm ngân hàng này có thể giải quyết vướng mắc quỹ đất tại Khu công nghiệp Phong Phú.

Trường hợp không thể hoàn tất xử lý quỹ đất tại dự án này trong năm nay, VCSC cho rằng Sacombank vẫn có thể xử lý 12.000 tỷ đồng tài sản tồn đọng năm 2021.

Trên thị trường chứng khoán, cùng với nhóm cổ phiếu ngân hàng, cổ phiếu STB của Sacombank đang sở hữu đà tăng giá ấn tượng. Tính từ đầu năm 2021 đến nay, thị giá của STB đã tăng gần 30%, hiện ở mức 21.600 đồng/cổ phiếu (cuối ngày 1/4). Nếu so với 1 năm trước đó, thị giá của STB đã tăng gấp gần 3 lần từ vùng trên 7.000 đồng/cổ phiếu.

Quang Thắng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/sacombank-muon-chia-gan-6500-ty-dong-co-tuc-post1199707.html