Sacombank: Khi ông Minh không gắn chữ Him Lam

Tại lễ kỷ niệm 28 năm thành lập, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank đã gây chú ý khi phát biểu rằng, ông Thành (Đặng Văn Thành) mới là 'Thành Sacombank', còn ông chỉ là 'Minh Him Lam'...

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của Sacombank đã giảm từ 7,25% năm 2015 xuống 1,75% như hiện tại.

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của Sacombank đã giảm từ 7,25% năm 2015 xuống 1,75% như hiện tại.

Xử lý được hơn 39.000 tỷ đồng nợ xấu

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) được xem là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất từ những năm 2012 trở về trước, thời điểm chưa bị thâu tóm bởi nhóm cổ đông bao gồm ông Lê Hùng Dũng, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), ông Trầm Bê - cựu Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Phương Nam (SouthernBank)…

Thế nhưng, với các biến cố xảy ra và được chuyển giao qua nhiều “đế chế”, hoạt động của Sacombank đã rơi vào khó khăn với khối nợ xấu lớn, nhất là những khoản nợ xấu để lại kể từ khi sáp nhập SouthernBank vào tháng 10/2015.

Trước sáp nhập, Sacombank thường nằm trong nhóm 5 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất hệ thống, nhưng sau sáp nhập, lợi nhuận sụt giảm mạnh vì nợ xấu cao.

Nợ xấu của Sacombank trở nên nổi cộm khi ông Trầm Bê - cựu Phó chủ tịch thường trực HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank bị xử lý vì tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Tại thời điểm tháng 8/2017, ông Trầm Bê để lại 2 khoản nợ rất lớn tại Sacombank, một liên quan tới bất động sản giá trị khoảng 33.000 tỷ đồng và một liên quan tới cổ phiếu giá trị khoảng 10.000 tỷ đồng.

Tất cả khoản nợ này được cho rằng có tài sản bảo đảm, nhưng cần khoảng 3 năm để xử lý. Tại thời điểm này, Sacombank có tổng cộng khoảng 60.000 tỷ đồng nợ xấu.

Để xử lý khối nợ xấu trên, sau khi Sacombank bầu ra HĐQT nhiệm kỳ mới (2017-2021) với người ngồi “ghế nóng” Chủ tịch HĐQT là ông Dương Công Minh - nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Him Lam, một trong những tổ chức tham gia tái cơ cấu Sacombank, nhiều hoạt động liên quan đến việc xử lý nợ xấu đã được triển khai.

Bản thân ông Minh, ngay khi nhậm chức đã khẳng định sẽ quyết liệt xử lý nợ xấu và sau 3-5 năm nếu không xử lý được nợ xấu sẽ từ nhiệm.

Theo đó, kế hoạch xử lý nợ xấu được vạch ra, cụ thể: Năm 2017 xử lý được 20.000 tỷ đồng; năm 2018 là 13.000 tỷ đồng và năm 2019 khoảng 10.000-15.000 tỷ đồng năm nay.

Chia sẻ kết quả xử lý nợ xấu trong hơn 2 năm qua, ông Minh cho biết, Sacombank đã xử lý được 39.400 tỷ đồng nợ xấu, thu hồi được 13.000 tỷ đồng tài sản không sinh lời, qua đó giúp tài sản thu nợ trên tổng tài sản giảm từ 29,3% xuống 13,3%, đồng thời giảm tỷ lệ nợ xấu nội bảng từ 7,25% năm 2015 xuống 1,75% như hiện tại.

Tổng tài sản của Sacombank tại thời điểm 1/7/2017 là 355.000 tỷ đồng, đến 31/12/2019 là 457.000 tỷ đồng, tăng 28%; tổng dư nợ cho vay huy động và cho vay tăng trưởng 30%, trong đó huy động vốn từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 413.000 tỷ đồng, cho vay đạt hơn 296.000 tỷ đồng.

“Lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2019 của Sacombank ước đạt gần 3.200 tỷ đồng, vượt 20% so với kế hoạch đã đề ra”, ông Minh thông tin thêm.

Có thể thấy, lợi nhuận của Sacombank đã tăng trở lại sau những năm đầu tái cơ cấu.

Cụ thể, ngay năm đầu tiên sáp nhập 2015, chi phí trích lập dự phòng đã “bào mòn” 72% lợi nhuận năm.

Đến 2016, mặc dù lợi nhuận thuần ghi nhận chỉ 852 tỷ đồng, nhưng con số trích lập dự phòng đã chiếm 82%, ghi nhận 696 tỷ đồng.

Sang năm 2017 và 2018, lợi nhuận trước thuế đạt lần lượt 1.492 tỷ đồng và 2.247 tỷ đồng, xử lý được một phần nợ xấu, trích dự phòng rủi ro cũng giảm xuống lần lượt 35% và 41% lợi nhuận thuần.

Năm 2019 đặt mục tiêu tăng trưởng ổn định và đến năm 2020 sẽ tăng tốc, bởi hiện tại, Sacombank vẫn đang phải nỗ lực để tiếp tục xử lý nợ xấu.

Ông Đặng Văn Thành sẽ trở lại Sacombank?

Tại buổi lễ kỷ niệm 28 năm của Sacombank ngày 20/12 vừa qua, ông Dương Công Minh chia sẻ, việc sáp nhập thêm SouthernBank vào năm 2015 đã mở rộng quy mô, nhưng cũng khiến Sacombank trở thành ngân hàng yếu kém, phải tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu.

Theo ông Minh, khi mới tham gia vào HĐQT Sacombank, nhiều người nghĩ rằng, ông tham gia vào Ngân hàng là để trông chờ vào khối bất động sản của Sacombank.

Tuy nhiên, bản thân ông cũng như Tập đoàn Him Lam không mua bất cứ một tài sản nào của Sacombank và cũng không sử dụng vốn của Sacombank.

Chủ tịch Sacombank cho rằng, chỉ khi bản thân ông tuân thủ các quy định của pháp luật thì hệ thống mới đảm bảo được điều hành hoạt động một cách công khai, minh bạch.

“Những năm qua, Sacombank đã không ngừng nỗ lực tái cơ cấu, xử lý nợ xấu để có thể hoàn thiện việc tái cơ cấu trong thời gian nhanh nhất, đưa Ngân hàng phát triển trở lại như vị thế trước đây”, ông Minh nói.

Nhắc đến “thời vàng son một thuở” của Sacombank, ông Minh đánh giá cao những đóng góp của ông Đặng Văn Thành - người sáng lập Sacombank và đã điều hành ngân hàng này trong một thời gian dài kể trừ trước năm 2012 - thời điểm ông buộc phải rời Sacombank sau khi rơi vào tay nhóm cổ đông mới.

“Vào điều hành Sacombank đã gần 3 năm, nhưng thương hiệu Sacombank vẫn luôn gắn chặt tên tuổi ông Đặng Văn Thành và vẫn là ‘Thành Sacombank’, còn tôi chỉ là ‘Minh Him Lam’.

Vì thế, với mong muốn giữ được thương hiệu ‘Thành Sacombank’, tôi kỳ vọng ông Thành và vợ là bà Huỳnh Bích Ngọc, con trai Đặng Hồng Anh cùng sát cánh, tạo điều kiện tư vấn để phát triển Sacombank ngày càng tốt hơn.

Tiến tới xây dựng Sacombank là ngân hàng hạnh phúc”, ông Minh nói.

Về phía ông Đặng Văn Thành, sự xuất hiện của ông tại buổi lễ kỷ niệm 28 năm của Sacombank sau gần 9 năm “vắng bóng” gây nhiều chú ý.

Ông Thành cho hay, ông Dương Công Minh và bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank đã mời tham dự lễ kỷ niệm Sacombank cách đây 3 năm, song ông từ chối vì chưa phải là lúc thích hợp.

Đáp lại nhã ý mong muốn mình quay trở lại Sacombank, ông Thành cho biết, sẽ chỉ trở lại vào thời điểm mà ông cảm thấy hưng phấn nhất.

Thực tế, trước khi ông Minh nhận chức Chủ tịch Sacombank, một nhóm nhà đầu tư trong và ngoài nước bao gồm Evercore Group, Redsun Capital Limited và ông Đặng Văn Thành (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Thành Công) đã có văn bản đề xuất tái cơ cấu Sacombank gửi đến Ngân hàng Nhà nước, nhưng không được chấp thuận.

“Nói gì thì nói, nghề ngân hàng vẫn còn nằm trong máu và tôi vẫn dành hết tình yêu cho lĩnh vực này. Khi thấy thích hợp, tôi sẵn sàng tham gia thị trường ngân hàng bởi tôi luôn quan niệm rằng, đã là doanh nhân, khi có điều kiện và có thể đóng góp được gì cho đất nước, cho xã hội thì sẵn sàng làm.

Có người hỏi tôi có trở lại ngành ngân hàng không? Tôi sẵn sàng trở lại, nhưng có thể không làm Sacombank, mà làm nơi khác”, ông Thành chia sẻ .

Vân Linh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/doanh-nhan/sacombank-khi-ong-minh-khong-gan-chu-him-lam-308597.html