Sách xưa hay thế, nuôi dưỡng bồi đắp nhân cách thế, sao lại thay đổi?

Bao nhiêu chuyện đậm chất văn học, đầy chất liệu nuôi dưỡng tâm hồn ở sách xưa dường như bị các tác giả ngày nay bỏ quên.

Giữa lúc lùm xùm sách giáo khoa mới, tôi lại nhớ lại những trang sách cũ của môn Tiếng Việt đã gắn liền với các thế hệ sinh sau năm 1975 như: “Con cáo và tổ ong, Hòn đá to hòn đá nặng, Cái trống trường em, Dừa ơi, Lượm, Làm việc thật là vui, Không sống riêng lẻ, Làm anh, Câu chuyện bó đũa, Đẹp mà không đẹp, Ông Ké, Thương ông…” của các tác giả như: Bác Hồ, Tố Hữu, Tô Hoài, Phạm Hổ, Phan Thị Thanh Nhàn, Đoàn Giỏi… cùng các bài tục ngữ, ca dao.

Ngay khi tôi đăng tải hình ảnh về trang sách đó trên trang cá nhân, một cô giáo thuộc thế hệ 7X bình luận: “Như người thân yêu đi xa bao ngày nay bỗng trở về, chỉ cần hé mở một hình ảnh thôi là đọc thuộc được cả trang”.

Không chỉ với cô giáo 7x đó, mà với thế hệ 8X chúng tôi, những câu thơ, lời văn cùng các hình ảnh minh họa trở thành khoảng ký ức đẹp nhất của một tuổi thơ hồn nhiên, vô tư, trong sáng bên những trang sách “vỡ lòng”.

Tôi nhớ khi còn học tiểu học, mỗi lần đăng ký mua và được nhận sách giáo khoa để chuẩn bị lên lớp mới, bao giờ tôi cũng chọn lật giở, ngắm nghía cuốn Tiếng Việt đầu tiên.

Đó không chỉ là quyển dày nhất, mà nó còn có những hình minh họa đơn giản, sinh động. Cùng với đó là những câu chuyện, bài thơ dễ hiểu, dễ nhớ thôi thúc học sinh lật giở, tò mò khám phá xem năm học này mình sẽ được học những bài bài học thú vị nào.

Sách Tiếng Việt 1, xuất bản năm 1990. (Ảnh: Hà Cường)

Sách Tiếng Việt 1, xuất bản năm 1990. (Ảnh: Hà Cường)

Lướt qua những trang sách thật nhanh, cả lớp chẳng ai bảo nhau, bạn nào cũng đưa sách lên mũi ngửi, hít hà mùi giấy mới thơm tho. Về nhà thì nâng niu kiếm tờ báo nào đó bọc lại và dán nhãn vở cẩn thận.

Niềm vui bình dị sau lũy tre xanh của những ngày thơ bé giản đơn chỉ vậy, hạnh phúc với những trang sách mới. Chưa có điện thoại, máy tính bảng, internet… sách Tiếng Việt thành người bạn tinh thần lớn lao, ươm mầm cho sự khám phá cuộc sống và thật nhiều mơ ước thiện lành.

Sách Tiếng Việt xưa có giá trị không chỉ bởi nội dung nuôi dưỡng tâm hồn, dạy tuổi thơ những bài học làm người nhẹ nhàng mà ngấm sâu, nhớ lâu, mà còn bởi một quyển sách được chuyền tay nhau cho mấy thế hệ.

Tôi nhớ những năm 1990 - 1995, thời kinh tế các gia đình nông thôn còn nhiều khó khăn. Hồi đó biết tôi được bố mẹ mua sách mới cho, kiểu gì các cô bác trong họ cũng đến…đăng ký, dặn dò: Sách con nhớ giữ gìn cẩn thận nhé, có gì năm sau, năm sau nữa… để lại cho cái A, thằng B cùng học.

Và thế là những cuốn sách của tôi không chỉ chuyền cho cậu em ruột học tiếp, mà còn cho cả thế hệ các em, các cháu trong họ, đến nỗi trang bìa và nhiều trang nhàu nhĩ được dán đi dán lại bằng băng dính. Thế nhưng sách vẫn vẹn nguyên những giá trị nền móng đầu tiên dẫn lối nhân cách, để ngày nay chúng tôi có thể khẳng định giá trị của bản thân, làm người tử tế và lan tỏa lối sống tích cực tới những người xung quanh.

Gần đây, theo dõi những tranh luận về sách Tiếng Việt lớp 1 chương trình mới, đặc biệt là bộ Cánh Diều, tôi giật mình với những bài học chứa câu văn, lời thơ trúc trắc; thậm chí có những câu chuyện dạy trẻ con cách khôn lỏi, phản giáo dục như bài đọc: “Hai con ngựa” (phỏng theo truyện ngụ ngôn của Lev Tolstoy), “Cua, cò và đàn cá”…

Bao nhiêu truyện thiếu nhi của nhà văn Tô Hoài, thơ thiếu nhi của nhà thơ Phạm Hổ, cùng rất nhiều tác phẩm thiếu nhi đặc sắc khác vừa mang đậm chất văn học, vừa đầy chất liệu nuôi dưỡng tâm hồn, bồi đắp cho nhân cách đã bị bỏ quên ở đâu rồi, mà những người viết sách không tìm ra. Để rồi họ tạo ra những câu chuyện ngây ngô khó hiểu, phản giáo dục, tạo cơ hội len lỏi vào tâm hồn đẹp như trang giấy trắng của các con.

Gần đây, một người bạn của tôi chụp lại bài thơ “Thương ông” của nhà thơ Tú Mỡ trong sách Tiếng Việt lớp 2 và chia sẻ lên một diễn đàn về giáo dục với giọng điệu thảng thốt. Anh ấy không tin đó là bài thơ mà bạn và bao học sinh thế hệ 7x-8x đã học, đã yêu và đến tận bây giờ vẫn nhớ, vẫn thuộc nằm lòng.

Qua tìm hiểu tôi được biết trong bài thơ gốc của nhà thơ Tú Mỡ gồm 2 phần. Phần đầu khá hay (từ đầu bài thơ cho đến câu “Vì nó thương ông”). Phần còn lại hơi trúc trắc.

Sách Tiếng Việt cũ đã lược trích, lấy đầy đủ toàn bộ phần đầu bài thơ (phần hay), đủ để chuyển tải thông điệp về yêu thương, và bỏ đi phần sau (phần không hay). Đó là sự tinh tế của người làm sách.

Sách Tiếng Việt 1, xuất bản năm 1990 (Ảnh: Hà Cường)

Còn ở sách Tiếng Việt hiện nay, bài thơ không đưa vào nguyên bản, vẫn để “trích”, nhưng lại cắt bỏ đi (và cắt bỏ không hợp lý) tới 50% những câu thơ hay ở phần đầu, như các câu miêu tả: “Khập khiễng khập khà/ Bước lên thềm nhà/ Nhấc chân quá khó” hay phần cao trào vì hạnh phúc của người ông: “Quẳng gậy cúi xuống/ Quên cả đớn đau/ Ôm cháu xoa đầu”.

Với tôi, sách nói chung và sách văn học trong đời sống nói riêng tựa như nước mát lành, làm cho tâm hồn mỗi người trở nên thanh khiết, trong veo và yêu thương nhiều hơn. Đặc biệt với thể loại sách Tiếng Việt trong trường học, là cánh cửa quan trọng để mỗi em nhỏ bước dần ra với thế giới, tiếp xúc với cuộc sống quanh mình qua những bài học, thông điệp về nhân cách của các tác giả để tâm hồn được tưới tắm những vẻ đẹp của chân – thiện – mỹ, biết yêu thương nhiều hơn.

Vậy nên vai trò biên soạn, biên tập, thẩm duyệt đối với sách Tiếng Việt vô cùng quan trọng. Cần người làm sách đặt tâm, dành trọn trái tim và sự thấu hiểu nhiều hơn với từng độ tuổi của học sinh.

Đọc những bình luận của bạn bè khi bắt gặp lại những trang sách Tiếng Việt xưa bên dưới album ảnh tôi đã đăng, tôi thấy ai cũng thích thú, rạo rực, hạnh phúc như gặp lại cố nhân. Họ cũng đầy nuối tiếc khi thế hệ tuổi thơ bây giờ không có cơ hội được lớn lên và sống cùng những trang sách, những bài học tuyệt vời như xưa.

Lương Đình Khoa

Nguồn VTC: https://vtc.vn/sach-xua-hay-the-nuoi-duong-boi-dap-nhan-cach-the-sao-lai-thay-doi-ar575365.html