Sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2018 và văn hóa sáng tạo của dân tộc

Sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2018 do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, các bộ, ban, ngành, một số tổ chức thành viên của Mặt trận công bố vừa được tổ chức sáng 30/8, tại Hà Nội.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn kéo băng khai trương công bố phát hành Sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2018. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn kéo băng khai trương công bố phát hành Sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2018. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN

Kế thừa, phát huy kết quả từ 2 lần công bố Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2016 và 2017, năm nay, Sách vàng Sáng tạo Việt Nam giới thiệu 73 công trình, giải pháp sáng tạo khoa học, công nghệ.

Ra đời từ năm 2016, Sách vàng Sáng tạo Việt Nam được công bố nhằm tuyên truyền, biểu dương các sáng tạo trên lĩnh vực khoa học và công nghệ; khẳng định năng lực sáng tạo của người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài trong phát triển kinh tế, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc… Mỗi năm, số lượng công trình, giải pháp sáng tạo được chọn bằng số năm kỷ niệm Quốc khánh 2/9.

Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Trần Thanh Mẫn: 73 công trình, giải pháp sáng tạo khoa học và công nghệ được tuyển chọn đưa vào Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2018 là công trình đoạt giải tại các cuộc thi do bộ, ngành, một số tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành tổ chức từ 1/1/2016 đến 30/6/2018; các cá nhân/tập thể đoạt các giải thưởng quốc tế năm 2017 do các bộ, ngành giới thiệu.

Đó là những công trình tiêu biểu, có giá trị hỗ trợ cộng đồng nâng cao đời sống, phát triển kinh tế, đảm bảo môi trường… các lĩnh vực hóa học, vật lý, sinh học… được ứng dụng trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, khai khoáng, quốc phòng được Hội đồng Tuyển chọn lựa chọn từ 147 công trình do các bộ, ban, ngành, các tổ chức thành viên của Mặt trận ở Trung ương; các tỉnh, thành phố giới thiệu.

Trong cuốn sách, có những sáng tạo khởi nguồn từ quá trình lao động của bà con nông dân và trở lại phục vụ sản xuất nhưng năng suất, hiệu quả tăng thêm nhiều lần; có nhiều giải pháp ứng dụng trong sản xuất, chế biến; tiết kiệm năng lượng, thực sự góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu suất của nền kinh tế. Có thể kể đến một số công trình, như: "Nghiên cứu ứng dụng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) trong điều trị vô sinh tại Quảng Ninh" do bác sỹ chuyên khoa II Trần Thị Minh Lý, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh làm chủ đề tài.

Đây là phương pháp hỗ trợ sinh sản có cải tiến lớn về mặt kỹ thuật, cho tỷ lệ có thai cao. Tỷ lệ có thai trung bình sau một lần chuyển phôi tại Khoa Hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh là 40 - 50%, tương đương tỷ lệ thành công của các trung tâm hỗ trợ sinh sản lớn trên cả nước với chi phí điều trị 70-90 triệu đồng/ca, ngang bằng hoặc thấp hơn tại trung tâm hỗ trợ sinh sản khác ở trong nước. Công trình có thể triển khai tại các bệnh viện tuyến tỉnh đủ điều kiện.

Công trình "Nghiên cứu, chọn tạo giống lúa thuần mới TBR225 phục vụ cho các tỉnh miền Bắc và miền Trung" của Kỹ sư Trần Mạnh Bảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình. TBR225 là giống lúa thuần có thời gian sinh trưởng ngắn, chống chịu tốt với sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh bất thuận tốt, năng suất cao, chất lượng gạo ngon, hiện đã được phát triển rộng rãi ở các tỉnh từ miền Bắc đến miền Trung. Giống có khả năng thích ứng rộng hầu hết các tỉnh, miền trên cả nước.

Công trình "Máy tính NCalc+" của tác giả Trần Lê Duy, sinh năm 2000, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm, Châu Thành, An Giang. Đây là phần mềm mô phỏng một máy tính cầm tay chạy trên nền hệ điều hành Android nhằm hỗ trợ việc học Toán và các môn khoa học tự nhiên. NCalc+ khắc phục được các điểm yếu của máy tính cầm tay như tốc độ chậm, giới hạn độ chính xác, bộ nhớ thấp, màn hình hiển thị kém, không lưu được nhiều lịch sử tính toán, nhập dữ liệu đơn điệu và khó khăn...

Việc công bố Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm nay là hoạt động thiết thực Kỷ niệm 73 năm Quốc khánh 2/9 (2/9/1945 - 2/9/2018), 70 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2018), đẩy mạnh phong trào thi đua "Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế"; tiếp tục cổ vũ, tôn vinh, khẳng định sự trân trọng đối với các tổ chức, cá nhân tiêu biểu, có đóng góp hiệu quả trong hoạt động khoa học, công nghệ.

Đây cũng là dịp tuyên truyền, phổ biến tri thức khoa học, đặc biệt là khơi dậy niềm tự hào về trí tuệ Việt Nam, tinh thần đam mê lao động sáng tạo; nâng cao chất lượng cuộc sống của các tầng lớp nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đóng góp tích cực vào xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.

Đất nước ta đang từng bước hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, để có nhiều cơ hội phát triển nhanh, bền vững, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và trình độ khoa học công nghệ là một trong những yếu tố hết sức quan trọng. Điều đó đặt ra yêu cầu đối với những công trình giới thiệu trong Sách vàng sáng tạo Việt Nam cần không ngừng nâng cao uy tín, chất lượng, ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn - Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Phúc Hằng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/thoi-su/sach-vang-sang-tao-viet-nam-nam-2018-va-van-hoa-sang-tao-cua-dan-toc-20180901115347339.htm