Sách Tiếng Việt lớp 1: Viết truyện 'phỏng theo' trong SGK là tùy tiện quá!

Cuốn sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 gây tranh cãi, trong đó có những câu truyện ngụ ngôn được ghi 'phỏng theo' các nhà văn lớn.

Truyện "Ve và gà" gây tranh cãi vì không đúng bản gốc và có từ khó hiểu như "chăm múa"

Truyện "Ve và gà" gây tranh cãi vì không đúng bản gốc và có từ khó hiểu như "chăm múa"

Những ngày qua, sách Tiếng Việt lớp 1 do nhóm Cánh Diều biên soạn đã gây phản ứng dữ dội từ dư luận xã hội, đặc biệt là các phụ huynh. Sách do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TPHCM ấn hành, với Tổng chủ biên là Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết.

Trong cuốn Tiếng Việt lớp 1 có những bài tập đọc được sử dụng truyện ngụ ngôn được chia ra thành các phần, mà theo nhiều người lớn đánh giá, truyện phản giáo dục khi xúi trẻ con lối sống khôn lỏi. Ví dụ như truyện “ Hai con ngựa” (được ghi là phỏng theo Lev Tolstoy), truyện “Ve và gà” (được ghi phỏng theo La Fontaine).

Những điều này được Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết phân bua rằng, bài tập đọc “Hai con ngựa” được viết lại (phỏng theo) truyện “Ngựa đực và ngựa cái” của Lev Tolstoy, do Thúy Toàn dịch, in trong cuốn “Kiến và bồ câu”. Cốt truyện được giữ nguyên. Nhưng truyện dài nên phải chia làm 2 phần, có đánh số 1, 2.

“Về nhân vật, chúng tôi phải sửa “ngựa đực, ngựa cái” thành “ngựa tía, ngựa ô” vì học sinh đến tuần đó chưa học các vần “ưc”, “ai” và cũng vì không muốn nói chuyện “đực, cái”. Trong truyện của Lev Tolstoy, ngựa cái lười biếng xui ngựa đực không đi cày, nếu chủ quật roi thì tung vó đá lại. Ngựa đực làm theo lời ngựa cái. Bác nông dân thấy ngựa đực ương bướng, bèn đóng ngựa cái vào vai cày. Những chi tiết này đã được chúng tôi sửa lại cho nhẹ nhàng nhưng căn bản diễn biến câu chuyện vẫn như truyện của Lev Tolstoy.

Truyện "Hai con ngựa" bị nhiều phụ huynh cho rằng dạy trẻ con lừa lọc, khôn lỏi

Về ý nghĩa, một nhà văn lớn như Lev Tolstoy không bao giờ viết một truyện tầm phào hoặc phản giáo dục. Ý nghĩa của câu chuyện này là: xui người khác làm bậy thì chính mình sẽ chịu hậu quả”, giáo sư Thuyết giải thích.

Về truyện "Ve và gà", ông cho biết ở bản gốc, hai nhân vật là ve và kiến. Do học sinh chưa học vần “iên”, tác giả đổi thành gà, song cốt truyện không thay đổi.Tuy nhiên, lời giải thích này vẫn không nhận được sự đồng tình của dư luận.

Chia sẻ với Báo Giao thông, nhà thơ Nguyễn Đình Chính nghi ngờ, giáo sư Thuyết mới chỉ hiểu những bài viết của các nhà văn lớn thế giới theo một chiều, chưa đầy đủ nên khi viết theo lối phỏng theo, lại ngắt quãng dễ gây ra những liên tưởng khác và sẽ làm người đọc hiểu không đúng.

“Ông soạn thảo giáo trình dạy lớp 1 thì phải theo nguyên tắc riêng chứ không nên thoải mái quá. Dạy trẻ con không nên dạy như thế, cũng phải dạy đạo đức chứ không nên dạy mưu mẹo như thế. Giáo trình này cần phải tu chỉnh lại”, tác giả của tiểu thuyết "Một mùa hè" bất bình.

Trong khi đó, nhà văn Trung Trung Đỉnh – Nguyên Giám đốc NXB Hội nhà văn cho biết ngày xưa trước khi vào lớp 1, học sinh được học lớp vỡ lòng để làm quen với mặt chữ, học đánh vần với những cuốn sách nghiêm túc. Còn học sinh lớp 1 hiện nay mới bắt đầu làm quen với chữ, vần, tiếp xúc với con chữ, chữ số, nên những nhà viết sách phải nghiên cứu xem cần phải dạy gì cho phù hợp. Không thể mang truyện ngụ ngôn vào để giảng dạy, khiến chúng khó hiểu.

Đối với việc một số truyện ngụ ngôn được viết theo lối “phỏng theo” các tác phẩm của Lev Tolstoy hay La Fontanie, nhà văn Trung Đỉnh cho biết, những tác phẩm văn học đã được viết từ quá lâu, quá thời hạn bản quyền thì viết phỏng theo không vi phạm gì về bản quyền tác phẩm. Tuy nhiên, trong Luật xuất bản lại không có quy định rõ ràng viết phỏng theo thì phải viết thế nào.

Nhà văn Trung Trung Đỉnh cho rằng, đưa truyện ngụ ngôn lối phỏng theo vào dạy trẻ lớp 1 là tùy tiện quá

“Ngày xưa, người ta Việt hóa một tác phẩm nước ngoài thì có thể dịch sai, đổi tên tiếng nước ngoài sang tên tiếng Việt. Nhưng điều đó có thể chấp nhận được, chứ viết phỏng theo trong sách giáo khoa thì tùy tiện quá”, ông tâm sự.

Còn nhà văn Di Li cho rằng, truyện ngụ ngôn có đặc tính hình thức là rất kiệm lời, kiệm chữ, số chữ trong truyện rất ít. Sự tối giản số chữ đồng nghĩa rằng thông điệp đưa ra rất tinh tế, thâm sâu và thông minh. Mỗi từ, mỗi câu đều có ý nghĩa. Nếu thay đổi bất cứ điều gì ở truyện ngụ ngôn đều làm thay đổi tính chân thực và thông điệp của câu chuyện.

Có thể với những loại hình truyện khác, người ta có thể thay đổi, cắt ghép nhưng truyện ngụ ngôn thì không nên thay đổi hay phóng tác.

Chị cũng cho rằng, việc phỏng theo truyện ngụ ngôn có thể xúc phạm nguyên tác vì viết truyện ngụ ngôn rất khó. Trên thế giới từ trước tới nay, chỉ đếm trên đầu ngón tay những tác giả viết được truyện ngụ ngôn. Do đó, những tác phẩm ấy rất điển hình và cần phải tôn trọng nguyên tác.

“Nguyên tác rất quý, thậm chí chỉ thay đổi 1 từ cũng đã có một nghĩa khác. Đứng trên phương diện là người sáng tác, tôi không muốn người ta thay đổi cái gì của mình cả. Thế nên, nếu tác giả của truyện ngụ ngôn có sống lại, tôi nghĩ chắc họ cũng không hề vui khi nhận về một bản phóng tác như thế”, nhà văn Di Li chia sẻ.

Hồ An

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/vu-tieng-viet-lop-1-viet-truyen-phong-theo-trong-sgk-la-tuy-tien-qua-d482337.html