Sách Tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều nhiều 'sạn': Nên dừng sử dụng để thẩm định thay vì chỉnh sửa?

Hội đồng Quốc gia thẩm định SGK môn Tiếng Việt lớp 1 bộ sách Cánh Diều sẽ chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung chưa phù hợp với học sinh. Tuy nhiên, đã có ý kiến đề xuất nên dừng sử dụng để đánh giá, thẩm định lại trước khi sử dụng.

SGK lớp 1 của bộ sách Cánh Diều được sử dụng từ năm học 2020 - 2021. Ảnh: TL

SGK lớp 1 của bộ sách Cánh Diều được sử dụng từ năm học 2020 - 2021. Ảnh: TL

Chỉnh sửa, bổ sung nhiều nội dung

Liên quan đến những chi tiết, nội dung được cho là "sạn" trong sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều. Ngày 15/10, Bộ GD&ĐT đã có thông tin về việc rà soát sách Tiếng Việt lớp 1. Cụ thể, trước phản ánh về việc SGK môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều (sách do GS Nguyễn Minh Thuyết chủ biên, Nhà xuất bản ĐH Sư phạm TPHCM phát hành) có một số nội dung chưa phù hợp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã yêu cầu Hội đồng Quốc gia thẩm định SGK môn Tiếng Việt lớp 1 (Hội đồng thẩm định) rà soát, báo cáo trước ngày 17/10/2020.

Hội đồng Thẩm định đã tổ chức rà soát, làm việc với tác giả SGK môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều. Trên tinh thần cầu thị, trách nhiệm, Hội đồng Thẩm định và tác giả đã thống nhất tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý để chỉnh sửa SGK cho phù hợp hơn. Cụ thể, chỉnh sửa, bổ sung ngữ liệu để giáo viên có thể thay thế một số đoạn/bài đọc cho phù hợp hơn với học sinh lớp 1 như bài "Cua, cò và đàn cá" trang 115, bài "Hai con ngựa" trang 157, bài "Lừa, thỏ và cọp" trang 163…; thay thế một số từ ngữ khó hiểu, ít dùng như từ "nhá", "nom", "quà… quà", "chén"…

Hội đồng Thẩm định cũng đề nghị tác giả khi chọn văn bản thay thế không sử dụng truyện ngụ ngôn hoặc các đoạn/bài "đa nghĩa", nên lựa chọn đoạn/bài trong kho tàng Văn học Việt Nam. Bộ GD&ĐT yêu cầu Nhà xuất bản và tác giả xây dựng phương án chỉnh sửa, hiệu đính, gửi Hội đồng Thẩm định để thẩm định, báo cáo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT xem xét phê duyệt nội dung chỉnh sửa trước ngày 15/11/2020.

Bộ GD&ĐT cũng cho biết, Bộ đã phê duyệt 5 bộ SGK, với tổng số 46 quyển SGK lớp 1 của 9 môn học và hoạt động giáo dục để các địa phương, cơ sở giáo dục lựa chọn, đưa vào giảng dạy. Các bộ SGK được phê duyệt theo đúng quy định, dựa trên kết quả thẩm định của Hội đồng Quốc gia thẩm định SGK gồm các nhà khoa học, nhà giáo dục với 1/3 thành viên là nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy môn học này ở cấp học tương ứng. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức biên soạn, phát hành SGK theo hình thức xã hội hóa.

Sửa chữa cũng chỉ là chắp vá?

Sau khi Bộ GD&ĐT thông báo vê việc điều chỉnh, bổ sung nhiều chi tiết, nội sung trong SGK Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều, nhiều ý kiến cho rằng điều này là thực sự cần thiết. Song điều chỉnh thế nào để bộ sách không bị manh mún, từ ngữ thay thế nêu bật ý nghĩa hay chỉ là sắp xếp lại câu từ để cốt loại bỏ những từ được cho là vô nghĩa? Đồng thời đặt ra trách nhiệm của những người liên quan trong công tác thẩm định SGK có nhiều "sạn".

Dành sự đặc biệt quan tâm đến bộ sách Tiếng Việt 1 của bộ sách Cánh Diều, bởi hiện nay sách được áp dụng tại nhiều tỉnh, thành trên phạm vi cả nước và có thể là hàng triệu học sinh đang theo học. TS Nguyễn Sóng Hiền - Nhà nghiên cứu giáo dục tại Úc cho rằng, với những gì đang diễn ra đối với chương trình SGK Tiếng Việt lớp 1, cần có một lời xin lỗi từ Hội đồng Thẩm định về sự tắc trách nghiêm trọng này. Điều đó mới thể hiện thái độ cầu thị của những nhà khoa học chân chính. Phụ huynh đã bỏ tiền ra mua sách, nhưng nguy hại hơn nó tác động tới nhận thức của thế hệ học sinh đầu tiên được đón nhận Chương trình Giáo dục phổ thông mới.

Cũng theo TS Sóng Hiền, chúng ta cần đặt ra ba việc phải làm đó là: Dừng toàn bộ SGK Tiếng Việt lớp 1 (bộ Cánh Diều); xây dựng bộ tiêu chí đánh giá mới; thành lập Hội đồng Thẩm định mới. Nếu dừng lại thì dạy như thế nào? Ở đây chúng ta vẫn đang tồn tại một tư duy có tính cố hữu là luôn xem SGK là kim chỉ nam cho quá trình dạy học, vì vậy nếu không có SGK thì giáo viên mất phương hướng để dạy. Nếu chúng ta mạnh dạn, đây sẽ là cơ hội tốt để tạo cơ hội cho các giáo viên phát huy tính chủ động và sáng tạo trong quá trình dạy học của mình.

"Phải đánh giá lại toàn bộ với Hội đồng Thẩm định mới vì hội đồng hiện nay thể hiện thái độ làm việc thiếu chuyên nghiệp và thiếu trách nhiệm. Một bộ sách khá nhiều lỗi vẫn cho Đạt. Phải xem xét và xây dựng lại bộ tiêu chí đánh giá mới phù hợp với mục tiêu giáo dục của từng lớp, từng cấp học, môn học. Đối với việc thẩm định các SGK còn lại, phải thành lập một Hội đồng Thẩm định mới với những nhà giáo thật sự am hiểu về giáo dục và tâm lý giáo dục thuộc lĩnh vực của ngành mình. Cần công khai các tiêu chí đánh giá đối với mỗi loại chương trình, mỗi môn học, bài học để xã hội cùng tham gia góp ý và phản biện, có như vậy chúng ta mới có thể cho ra đời những sản phẩm đạt được kỳ vọng của xã hội", TS Nguyễn Sóng Hiền chia sẻ thêm.

Thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT đã phê duyệt 5 bộ SGK (trong đó có bộ sách Cánh Diều), với tổng số 46 quyển SGK lớp 1 của 9 môn học và hoạt động giáo dục để các địa phương, cơ sở giáo dục lựa chọn, đưa vào giảng dạy (SGK môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều là 1 trong số 46 quyển SGK lớp 1 được phê duyệt vừa qua).

Quang Anh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/sach-tieng-viet-lop-1-canh-dieu-nhieu-san-nen-dung-su-dung-de-tham-dinh-thay-vi-chinh-sua-20201016162240529.htm