Sách thư viện bị bán theo cân gây thất thoát cả tài sản và tri thức

Sáng 13-3, tiếp tục chương trình làm việc tại Phiên họp 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật Thư viện.

Một số đại biểu lưu ý tới tình trạng sách thư viện bị bán theo cân, gây thất thoát lớn về tài sản nhà nước và nguồn tri thức quý. Từ đó, các đại biểu cho rằng, cần thiết ban hành Luật Thư viện để quản lý thư viện, hoạt động thư viện tốt hơn.

 Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng chủ trì phiên họp. Ảnh: TTXVN.

Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng chủ trì phiên họp. Ảnh: TTXVN.

Nội dung làm việc sáng 13-3 được tiến hành với sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; sự điều hành của đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội.

Ban hành Luật Thư viện để phát triển văn hóa đọc

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình Dự án Luật Thư viện, đồng chí Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nêu rõ: Luật Thư viện được ban hành sẽ góp phần tạo hành lang pháp lý phát triển sự nghiệp thư viện; phát triển văn hóa đọc; khuyến khích cộng đồng, xã hội tham gia và thiết lập cơ chế bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trong hoạt động thư viện; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; tạo cơ sở pháp lý nâng cao năng lực để thư viện thực hiện tốt vai trò là trung tâm thông tin, văn hóa, giáo dục hữu ích, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, lợi ích hưởng thụ văn hóa và học tập suốt đời của nhân dân, góp phần truyền bá tri thức nhân loại, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, xây dựng xã hội học tập và phát triển con người Việt Nam toàn diện.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trình bày Tờ trình dự án Luật Thư viện. Ảnh: TTXVN.

Đọc Báo cáo Thẩm tra Dự án Luật Thư viện, đồng chí Phan Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho biết: Sau 18 năm thi hành, Pháp lệnh Thư viện đã bộc lộ nhiều bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn và hệ thống pháp luật liên quan. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ đã tạo ra bước tiến vượt bậc của ngành khoa học thư viện, làm thay đổi cả về cách tiếp cận thông tin của người dân và tổ chức, quy trình, phương thức hoạt động của thư viện.

Ở nước ta, hệ thống thư viện nhất là thư viện công cộng hoạt động kém hiệu quả, chưa đáp ứng được nhu cầu đọc và khai thác thông tin của người dân; thư viện trường học chưa được quan tâm đúng mức; văn hóa đọc đã và đang bị lấn át bởi những hình thức tiếp cận thông tin mới.

Lãng phí không nhỏ từ thư viện

Phát biểu tại phiên họp, các đại biểu đều nhất trí cần thiết ban hành Luật Thư viện để quản lý và phát triển hoạt động thư viện hiệu quả hơn; phát triển văn hóa đọc và phục vụ nhu cầu học tập của người dân.

Đồng chí Phùng Quốc Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sự cố gắng của cơ quan soạn thảo và cho rằng, đây là dự án luật rất cần thiết trong bối cảnh tình hình hiện nay và sau này. Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, hệ thống thư viện và hoạt động thư viện đã có thời kỳ phát triển rất mạnh, gắn với phong trào đọc sách của xã hội. Tuy nhiên, gần đây, thư viện dường như bị lãng quên, nhiều thư viện xuống cấp.

Dẫn ví dụ thực tế đang diễn ra, đồng chí Phùng Quốc Hiển cho hay, khi ra hiệu sách cũ thấy rất nhiều sách của các thư viện được bày bán. Khi các thư viện bị giải thể, sách bị bán ra ngoài theo cân. Tuy nhiên, các tổ chức, cá nhân sau khi mua được sách này đã bán lại với giá rất đắt, thậm chí có cuốn sách được bán với giá hàng triệu đồng. Như vậy, một lượng tài sản Nhà nước rất lớn đã bị thất thoát, gây lãng phí rất nghiêm trọng, đồng thời gây thất thoát nhiều nguồn tri thức quý, giờ muốn tập hợp lại những cuốn sách quý ấy không phải là việc đơn giản. Vì vậy, việc xây dựng và ban hành Luật Thư viện là cần thiết để tránh buông lỏng quản lý thư viện và hoạt động thư viện.

Liên quan tới việc gây lãng phí trong cách đầu tư và quản lý thư viện hiện nay, đồng chí Trần Văn Túy, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Công tác đại biểu, nêu thực tế: Ở một số nơi, sách thư viện được đưa vào trụ sở UBND xã, cửa thường xuyên bị khóa. Nhiều loại sách thư viện vẫn còn bị giữ nguyên trong bọc giấy suốt thời gian dài kể từ khi được cấp.

Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân nguyện, bày tỏ kỳ vọng về việc sau khi ra đời, Luật Thư viện sẽ góp phần làm tăng tỷ lệ người sử dụng dịch vụ thư viện. Cũng như một số đại biểu đã phát biểu, Trưởng ban Dân nguyện nêu ra nhiều khó khăn mà hệ thống thư viện trên thế giới đang gặp phải trong thời kỳ kỹ thuật số phát triển như hiện nay. Rất nhiều thông tin được tìm một cách dễ dàng qua mạng internet. Do vậy, bản thân các thư viện phải có giải pháp để thu hút được người dân tới thư viện, trong đó có sự phối hợp giữa thư viện truyền thống và thư viện điện tử, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tham khảo kinh nghiệm hoạt động thư viện ở các nước.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đi sâu phân tích nhiều nội dung khác, như vấn đề định hướng văn hóa đọc cho cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ; phân loại thư viện; thẩm quyền thành lập thư viện; đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống thư viện; một số vấn đề mang tính kỹ thuật và nội dung của từng điều, khoản cụ thể.

CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/sach-thu-vien-bi-ban-theo-can-gay-that-thoat-ca-tai-san-va-tri-thuc-568510