Sách quý với hơn 200 tài liệu về quan hệ Việt Nam - Liên Xô

Dày 900 trang, tập hợp gần 200 tài liệu lưu trữ, sách 'Liên Xô và Việt Nam trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất' mang tới nhiều tư liệu lịch sử quý.

Hiệp định Geneva 1954 (Hiệp định Giơ-ne-vơ) về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương là dấu mốc quan trọng, có ý nghĩa thời đại to lớn. Đó không chỉ là chiến thắng của Việt Nam và các nước Đông Dương trong cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp, mà mở ra thời kỳ mới cho cách mạng Việt Nam, cũng như phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.

Bìa sách Liên Xô và Việt Nam trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất.

Bìa sách Liên Xô và Việt Nam trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất.

Để khẳng định ý nghĩa lịch sử của Hiệp định, năm 2017, cuốn sách Liên Xô và Việt Nam trong cuộc

chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất - Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 được biên soạn và xuất bản tại Nga. Mới đây, cuốn sách được Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bộ Nội vụ tiếp tục biên soạn, xuất bản trên cơ sở biên dịch, chọn lọc nội dung từ bản tiếng Nga.

Chiều 28/8, bản tiếng Việt cuốn sách Liên Xô và Việt Nam trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất - Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 ra mắt bạn đọc tại trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga, Hà Nội.

Đây là công trình công phu dày 900 trang giới thiệu gần 200 tài liệu, hình ảnh được tập hợp từ các cơ quan lưu trữ quốc gia của Liên bang Nga và Việt Nam. Đó là những văn kiện, văn bản, thư từ, thông báo, biên bản, nội dung các cuộc điện đàm… liên quan tới Hội nghị Geneva 1954. Các tài liệu trong sách phần nào tái hiện về Hội nghị ngoại giao lịch sử trong thập niên 1950.

Bà Natalia Shafinskaya - Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội phát biểu trong lễ ra mắt sách. Ảnh: Minh Châu.

Tại lễ ra mắt bản tiếng Việt cuốn sách, ông A. K. Sorokin - Giám đốc Cơ quan Lưu trữ Lịch sử Chính trị - Xã hội Quốc gia Nga - nói tuyển tập ra đời mở đầu cho việc làm sáng tỏ các vấn đề lịch sử của cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (cuộc kháng chiến chống Pháp) qua các tài liệu văn kiện. "Tính chất phức tạp của chủ đề đã định ra trước sự cần thiết phải có cách tiếp cận tổng hợp khi làm sáng tỏ các sự kiện không chỉ qua diễn biến Hội nghị mà còn cả quá trình lịch sử trước đó. Đó là lý do mà phạm vi cuốn sách đề cập từ năm 1950 (thời điểm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Liên Xô) cho tới năm 1956", đại diện trung tâm lưu trữ quốc gia của Nga nói.

Ông Sorokin cũng cho biết thêm các tài liệu trong sách được bảo quản tại Viện lưu trữ Chính sách đối ngoại Liên bang Nga, Viện lưu trữ Lịch sử Chính trị - Xã hội Nhà nước Nga, Viện lưu trữ tài liệu phim ảnh Nhà nước Nga…

“Những tài liệu lấy từ kho lưu trữ của Việt Nam có ý nghĩa quan trọng. Trong số đó, các báo cáo phân tích của đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và cá nhân trưởng đoàn Phạm Văn Đồng có một giá trị đặc biệt. Ngoài các tài liệu văn bản, phía Việt Nam còn cung cấp nhiều tài liệu ảnh quý hiếm”, ông Sorokin nói.

Bạn đọc xem sách tại chương trình. Ảnh: Minh Châu

Ông Đặng Thanh Tùng - Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước - cho rằng cuốn sách cung cấp những thông tin, tài liệu có giá trị không chỉ đối với các nhà nghiên cứu về Hội nghị Geneva năm 1954, về lịch sử quan hệ quốc tế mà còn với tất cả những ai quan tâm đến lịch sử quan hệ hai nước Việt Nam và Liên bang Nga.

Tần Tần

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/sach-quy-voi-hon-200-tai-lieu-ve-quan-he-viet-nam-lien-xo-post983877.html