Sách quý về hoạt động thương hồ

Sách 'Hoạt động thương hồ ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Truyền thống và biến đổi', NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, chủ biên Ngô Văn Lệ, Ngô Thị Phương Lan và Huỳnh Ngọc Thu, sẽ giúp độc giả hiểu rõ hơn về nghề này cùng những nét văn hóa đặc trưng của miền Tây sông nước.

Ðây là một công trình nghiên cứu công phu, chi tiết, như một bức tranh khá toàn diện và có tính hệ thống về hoạt động thương hồ. Mở đầu, các tác giả giới thiệu tổng quan về ÐBSCL - vùng sông nước với đa tộc người và đa văn hóa, cùng những đặc trưng sinh thái tạo nên nền tảng của hoạt động thương hồ. Với mạng lưới sông ngòi, kênh rạch phân bố dày đặc, thuận lợi cho các hoạt động giao thương đường thủy, nghề thương hồ ở ÐBSCL hình thành và phát triển từ rất sớm, trở thành thương hiệu của vùng đất này.

Ðây là một công trình nghiên cứu công phu, chi tiết, như một bức tranh khá toàn diện và có tính hệ thống về hoạt động thương hồ. Mở đầu, các tác giả giới thiệu tổng quan về ÐBSCL - vùng sông nước với đa tộc người và đa văn hóa, cùng những đặc trưng sinh thái tạo nên nền tảng của hoạt động thương hồ. Với mạng lưới sông ngòi, kênh rạch phân bố dày đặc, thuận lợi cho các hoạt động giao thương đường thủy, nghề thương hồ ở ÐBSCL hình thành và phát triển từ rất sớm, trở thành thương hiệu của vùng đất này.

Phần 2 tập trung trình bày các dạng thức hoạt động điểm và tuyến của nghề thương hồ. Hoạt động thương hồ theo điểm, thường xuyên tập trung mua bán tại các chợ nổi - nơi được hình thành do các ghe thuyền chở hàng hóa từ khắp nơi tập trung tại các ngã giao nhau của các dòng sông để trao đổi mua bán. Chợ nổi dưới dạng thức chợ đầu mối phân phối cho những người buôn bán nhỏ hơn, rồi từ đó các ghe thuyền tỏa đi các hướng, len lỏi đến mọi ngóc ngách kênh rạch trong vùng. Thương hồ hoạt động theo tuyến thì đưa hàng hóa đi dọc theo đường thủy khắp vùng để bán trực tiếp cho người dân. Qua từng trang sách, độc giả sẽ chu du khắp các chợ nổi nổi tiếng: Cái Răng, Phong Ðiền (Cần Thơ), Cái Bè (Tiền Giang), Trà Ôn (Vĩnh Long), Ngã Bảy - Phụng Hiệp (Hậu Giang), Ngã Năm (Sóc Trăng)… để tìm hiểu về lịch sử hình thành, mạng lưới mua bán, đặc trưng văn hóa… Ðặc biệt, nghề đi ghe của người Việt ở Cần Ðước, của người Chăm Islam ở An Giang được tái hiện theo chiều dài lịch sử và những lời kể, chia sẻ của những người mà gia đình có nhiều đời đi ghe, sống lênh đênh trên sông nước qua nhiều năm tháng. Qua đó, thấy rõ sự biến đổi để thích nghi với cuộc sống của hoạt động thương hồ. Từ chèo bằng sức người đến chạy bằng máy móc; từ làm tư nhân đến gia nhập hợp tác xã, từ những mặt hàng nông sản đến đồ gia dụng, công nghiệp; từ cộng đồng hoạt động đông đảo đến sự giảm sút và còn ít người theo nghề do hệ thống giao thông đường bộ phát triển, chợ, siêu thị ngày càng nhiều…

Ở phần cuối cùng, độc giả được tìm hiểu những đặc trưng kinh tế - văn hóa và xã hội của cộng đồng làm nghề thương hồ. Từ việc kết hôn, học hành, làm ăn, hay những kiêng kỵ trên ghe, tôn giáo tín ngưỡng, văn hóa văn nghệ… Ðặc biệt, những hình thức sinh hoạt văn nghệ dân gian của cộng đồng thương hồ rất phong phú, đa dạng như: hò, vè, nói thơ, những làn điệu dân ca, hát ru, đờn ca tài tử, cải lương… Trong đó, chỉ riêng hò đã có nhiều sáng tạo với các hình thức: hò chèo ghe, hò mái đoản, hò mái trường, hò khoan, hò mái ố… Riêng hò đối đáp đã trở thành cầu nối lương duyên cho những đôi trai gái trên miền sông nước mênh mông.

Ngày nay, tuy không còn nhộn nhịp và phát triển như trước, nhưng chợ nổi và hoạt động thương hồ vẫn là một hoạt động kinh tế không thể thiếu trong cơ cấu kinh tế của ÐBSCL. Nhiều địa phương đã có những chính sách bảo tồn và phát huy chợ nổi thành những điểm đến thú vị trong tour du lịch. Người làm nghề thương hồ cũng dần nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng buôn bán, giao tiếp để đáp ứng với những yêu cầu mới trong bối cảnh hiện nay.

CÁT ĐẰNG

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/sach-quy-ve-hoat-dong-thuong-ho-a127640.html