Sạch quá cũng dễ mắc bệnh

Sống trong môi trường sạch sẽ quá lâu có thể khiến hệ miễn dịch yếu đi. Bởi cơ thể không được tiếp xúc, làm quen với các yếu tố khác nhau của môi trường xung quanh.

Cơ thể ta đã hai triệu năm - Giải mã các căn bệnh thời hiện đại là tác phẩm của tác giả Yongchul Kwon, được Phạm Hồng Nhung dịch. Qua cuốn sách, người đọc có thể nhận biết sâu sắc hơn về những cơ chế thích nghi nguyên thủy của con người. Từ đó, họ có thể đưa ra những quyết định sáng suốt trong cách sinh hoạt, ăn uống và nghỉ ngơi để có được một cơ thể khỏe mạnh nhất.

Được sự đồng ý của Thái Hà Books, Zing trích đăng một phần cuốn sách.

Hệ miễn dịch của cơ thể có thể chia làm hai dạng chính. Một là hệ miễn dịch ôn hòa, còn lại là hệ miễn dịch mạnh. Trong đó, hệ miễn dịch ôn hòa là hệ thống được khởi động khi có những loại độc tính nhẹ xâm nhập cơ thể.

Đối với những vi khuẩn có độc tính cao thì hệ miễn dịch ôn hòa là không đủ, hệ miễn dịch mạnh cần phải ra mặt để tấn công và chiến đấu. Đây là một cuộc chiến sinh tử. Nhưng hệ miễn dịch mạnh lại không chỉ tấn công mỗi kẻ thù mà còn tấn công cả các vi khuẩn đường ruột có ích. Đó là tác dụng phụ không mong muốn.

Trước đây, vào thời kỳ cái ăn còn khó khăn thì chuyện vệ sinh sạch sẽ quả là điều xa xỉ, đồ ăn có nhiễm ký sinh trùng cũng là bình thường. Nhưng ngày nay, việc giữ gìn vệ sinh trong mỗi gia đình là nguyên tắc cơ bản. Dẫu vậy không phải cứ sạch là tốt.

Việc sạch sẽ có thể giảm thiểu khả năng gây bệnh nhưng cũng dẫn đến những tác dụng phụ khác. Ngày nay, trẻ em hay bị mắc những chứng bệnh như hen suyễn, viêm mũi dị ứng, viêm da dị ứng. Đó là những triệu chứng của rối loạn hệ miễn dịch do môi trường sống quá sạch.

Trẻ không có cơ hội được tiếp xúc với vi khuẩn nên hệ miễn dịch bị yếu đi. Trước đây, trong một nghiên cứu với đối tượng là trẻ em ở Đông Đức và Tây Đức, trẻ ở Tây Đức vốn sẵn có môi trường sống và điều kiện kinh tế tốt hơn lại có nguy cơ cao hơn bị mắc những bệnh như hen suyễn, viêm mũi dị ứng và viêm da dị ứng.

Trẻ em nên được trải nghiệm nhiều để tăng sức đề kháng

Trong một số gia đình ở Mỹ, người ta chủ động cho trẻ tiếp xúc với chuồng chăn nuôi gia súc nhằm tăng cường sức đề kháng của chúng. Bên cạnh đó, có báo cáo chỉ ra rằng con cái của những gia đình làm nghề chăn nuôi thường có sức đề kháng tốt.

 Trẻ em được tiếp xúc với môi trường chăn nuôi sẽ có hệ miễn dịch tốt. Ảnh: Dreamstime.

Trẻ em được tiếp xúc với môi trường chăn nuôi sẽ có hệ miễn dịch tốt. Ảnh: Dreamstime.

Ngày nay, tuy chất lượng vệ sinh được cải thiện nhưng những vi khuẩn mạnh vẫn còn sống sót. Những vi khuẩn yếu hầu như không còn nữa, vai trò của hệ miễn dịch ôn hòa cũng bị mất đi.

Ngày xưa, khi bọn trẻ con nô đùa nghịch đất ở các vùng quê, những vi sinh vật yếu từ đất xâm nhập cơ thể. Nhưng những vi sinh vật này không thể gây nên những bệnh nghiêm trọng. Hầu hết chúng chỉ gây nên những triệu chứng nhẹ xảy ra và biến mất trong vòng vài ngày.

Trong trường hợp này, hệ miễn dịch ôn hòa đảm nhiệm vai trò chữa lành. Nếu không có những triệu chứng thái quá thì chúng ta không cần phải chữa trị gì cả. Nhưng giờ đây, ngay cả khi thứ không gây hại như bụi phấn hoa xâm nhập cơ thể chúng ta thì hệ miễn dịch mạnh cũng ra mặt.

Trong cơ thể xảy ra hiện tượng như dùng bom hạt nhân để xử lý một tên trộm vặt. Hệ miễn dịch mạnh không chỉ tấn công bụi phấn hoa mà còn gây ra nhiều vấn đề về đường ruột. Đây chính là bệnh tự miễn. Khi một trong hai hệ miễn dịch bị sụp đổ, còn lại duy nhất một hệ miễn dịch mạnh, thì những vấn đề về mất cân bằng hệ miễn dịch sẽ không ngừng nảy sinh.

Trích: "Cơ thể ta đã hai triệu năm"

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/sach-qua-cung-de-mac-benh-post1181990.html