Sách lược khôn khéo và 'phá cách' của tân Thủ tướng Đan Mạch

Tuần vừa rồi, bà Mette Frederiksen, lãnh đạo đảng Xã hội dân chủ của Đan Mạch, thông báo sẽ thành lập chính phủ thiểu số sau khi đạt thỏa thuận với 3 đảng khác. Như vậy ở tuổi 42, bà Frederiksen trở thành Thủ tướng trẻ nhất và là nữ Thủ tướng thứ hai của Đan Mạch.

Bà Mette Frederiksen gặp gỡ cử tri ở Aalborg, Đan Mạch trong chiến dịch vận động bầu cử

Bà Mette Frederiksen gặp gỡ cử tri ở Aalborg, Đan Mạch trong chiến dịch vận động bầu cử

Ở lứa tuổi của mình, bà sẽ gia nhập hàng ngũ những nguyên thủ có tuổi đời còn trẻ như Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern (38 tuổi), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (41 tuổi). Với diễn biến mới này, Đan Mạch trở thành quốc gia thứ ba tại vùng Bắc Âu trong năm nay có chính phủ cánh tả (khuynh hướng chính trị chấp nhận sự cào bằng, bình đẳng xã hội), sau Phần Lan và Thụy Điển. Phong trào này ở các nước Bắc Âu dường như ngược lại với làn sóng dân túy, dân tộc chủ nghĩa và cực hữu đang càn quét qua nhiều quốc gia châu Âu.

Quân bài chiến lược trong bầu cử

Trước đó, trong cuộc tổng tuyển cử hôm 5-6, đảng Xã hội dân chủ của Đan Mạch đã giành chiến thắng, trong khi đảng Tự do của Thủ tướng Lokke Rasmussen vốn nắm quyền trong 14 năm qua đã thừa nhận thất bại và ông Rasmussen buộc phải từ chức.

Sau khi kết quả được công bố, bà Frederiksen đã được Nữ hoàng Margrethe II ủy nhiệm để lãnh đạo các cuộc đàm phán để thành lập một chính phủ mới.

Hiện giờ, bà Mette Frederiksen chủ trương thành lập chính phủ thiểu số, đồng nghĩa với việc chính phủ của bà sẽ tìm kiếm sự giúp đỡ từ cánh hữu với một số vấn đề như nhập cư, và từ cánh tả về các vấn đề như phúc lợi xã hội. Điều này được giới bình luận cho là một sách lược khôn khéo và “phá cách” của vị nữ thủ tướng.

Tuyên bố thắng cử, bà Frederiksen lập tức khẳng định lại 2 lời hứa quan trọng trong vận động tranh cử vừa qua, rằng bà và đảng của mình muốn bảo vệ hệ thống phúc lợi xã hội ở một đất nước vốn tự hào là tỷ lệ có việc làm rất cao, đồng thời kiểm soát chặt chẽ chính sách nhập cư. Đây được coi là “quân bài chiến lược” để đảng của bà có thể giành được phiếu bầu từ cử tri.

Đáng chú ý, trong chiến dịch vận động tranh cử, nữ Chủ tịch đảng Xã hội Dân chủ đã “từ chối đưa ra những lời hứa cụ thể, trừ khi nói đến nhập cư”, tờ Politiken viết. Điều này có sự thay đổi bởi những năm 2000, bà Frederiksen từng lên án rằng, Đan Mạch có chính sách nhập cư thuộc dạng “khó nhất ở châu Âu”. Năm ngoái, đảng Dân chủ Xã hội, dưới sự lãnh đạo của bà, đã có một đề xuất chính sách bao gồm đưa người xin tị nạn đến các trung tâm tiếp nhận đặc biệt bên ngoài châu Âu - như Bắc Phi - trong khi yêu cầu của họ chờ được xử lý.

Chính sách này đưa ra giới hạn về số lượng người nhập cư “không phải người phương Tây” được phép vào nước này. “Mette Frederiksen biết rằng nếu bà ấy muốn thành công ở Đan Mạch, bà ấy phải có chính sách tị nạn và nhập cư nghiêm ngặt” - Ulf Hedetoft, Giáo sư chính trị tại Đại học Copenhagen nói.

Hiện bà Mette Frederiksen chủ trương thành lập chính phủ thiểu số, đồng nghĩa với việc chính phủ của bà sẽ tìm kiếm sự giúp đỡ từ cánh hữu với một số vấn đề như nhập cư, và từ cánh tả về các vấn đề như phúc lợi xã hội. Điều này được giới bình luận cho là một sách lược khôn khéo và “phá cách” của vị nữ thủ tướng.

Trẻ tuổi nhưng đầy kinh nghiệm

Bà Mett Frederiksen đã có nhiều năm chuẩn bị cho ghế lãnh đạo một đảng phái mà bà nắm rất rõ, tờ nhật báo Politiken nhận định hồi đầu tháng 6-2019. Sau khi gia nhập Quốc hội ở tuổi 24, bà từng là Bộ trưởng Lao động và Bộ trưởng Tư pháp trước khi đứng đầu đảng chính trị lớn nhất của Đan Mạch vào năm 2015.

“Con bé đã quan tâm đến các vấn đề chính trị từ khi mới lên 7 tuổi” - ông Flemming Frederiksen, cha của Thủ tướng đắc cử Đan Mạch nói với hãng tin địa phương Ritzau. Ở tuổi thiếu niên, bà đã đóng một khoản phí thành viên để ủng hộ phong trào chống phân biệt chủng tộc ở Nam Phi và trở thành thành viên của Liên đoàn thanh niên đảng Dân chủ Xã hội ở tuổi 15. Là phụ nữ đơn thân có 2 con, tuổi thiếu niên bà Frederiksen hay lo xa và biết tính toán. “Tôi luôn lập danh sách những việc cần hoàn thành. Tôi thích cảm giác hoàn thành một việc để rồi có thể chuyển sang việc tiếp theo”, bà từng chia sẻ. Tuy nhiên, với tư cách là người đề xướng trường công, bà đã bị chỉ trích vào năm 2010 vì đã gửi con đến trường tư.

Yến Chi (Theo CNN/Local)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/sach-luoc-khon-kheo-va-pha-cach-cua-tan-thu-tuong-dan-mach/815957.antd