Sách lấy lại vị thế trong lòng giới trẻ

Những năm gần đây, Internet đã đưa văn học trở lại nhờ sự trỗi dậy của một số nền tảng mạng xã hội và ảnh hưởng từ đại dịch.

Một số người tin rằng sách đã lỗi thời trong thời đại kỹ thuật số, khi nội dung theo yêu cầu và phương tiện truyền thông xã hội thống trị cuộc sống của chúng ta. Tuy nhiên, có nhiều lý do giúp những trang sách đang lấy lại được vị thế trong lòng giới trẻ.

Tái khẳng định vai trò của sách

Trước khi có Internet, mọi người đọc sách để giải trí và thư giãn. Tuy nhiên, trong thời đại kỹ thuật số, thói quen đọc sách đã giảm sút nghiêm trọng. Một nghiên cứu do giáo sư tâm lý học Jean Twenge và Hiệp hội Tâm lý Mỹ thực hiện vào năm 2018 cho thấy 1/3 học sinh trung học ở xứ cờ hoa không xem đọc sách như một hình thức giải trí và 82% học sinh cuối cấp dùng mạng xã hội mỗi ngày. Suốt nhiều năm, thế hệ trẻ bị cuốn vào các ứng dụng mạng xã hội và điều đó đã tác động tiêu cực đến thế giới sách.

Tuy nhiên những năm gần đây, Internet đã đưa văn học trở lại nhờ sự trỗi dậy của TikTok, Instagram và ảnh hưởng từ đại dịch. Độc giả Mỹ đã đọc nhiều hơn 25% vào nửa cuối năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019. Sách nói trở nên phổ biến hơn.

 Bạn Đào Chi Đoàn - nghiên cứu sinh thạc sĩ tại Đại học Leeds Beckett (Anh) - chia sẻ: “Thư viện không chỉ là nơi để đọc và học, đó còn là một hình thức nghệ thuật để truyền cảm hứng cho mọi người” - Ảnh: NVCC.

Bạn Đào Chi Đoàn - nghiên cứu sinh thạc sĩ tại Đại học Leeds Beckett (Anh) - chia sẻ: “Thư viện không chỉ là nơi để đọc và học, đó còn là một hình thức nghệ thuật để truyền cảm hứng cho mọi người” - Ảnh: NVCC.

Một nghiên cứu từ Đại học bang Portland (Mỹ) vào năm 2020 với khoảng 2.000 người tham gia thuộc thế hệ Y (sinh trong giai đoạn từ 1981-1996) và thế hệ Z (giai đoạn 1997-2012) cho thấy, 92% người thuộc 2 độ tuổi này vào mạng xã hội mỗi ngày. Dù vậy, 54% nhóm người tham gia khảo sát xác nhận họ đã đến thăm một địa điểm thư viện thực tế trong vòng 12 tháng gần nhất để tìm và đọc sách. Họ thích sách in, sách điện tử cũng như sách nói và chọn đọc sách như một cách để thoát khỏi thực tại, cải thiện bản thân, kết nối xã hội.

Với sự trở lại của văn hóa đọc sách, nền tảng TikTok được truyền cảm hứng để tạo ra chủ đề #bookclub và cộng đồng BookTok, nơi người sáng tạo đăng video đánh giá, thảo luận và nói đùa về những cuốn sách họ đọc. BookTok có câu lạc bộ sách riêng, nơi cung cấp các đề xuất về sách theo sở thích cá nhân.

TikTok không phải là mạng xã hội duy nhất nắm bắt xu hướng trên. Instagram đã thành công với #bookstagram và một số tài khoản đã đạt hơn 200.000 người theo dõi. Khả năng sử dụng các ứng dụng đọc sách trên thiết bị di động mà không cần mua thiết bị đọc sách điện tử đã tạo ra sự thay đổi lớn, với Nook, Kindle, Google Play và Wattpad là những nguồn ứng dụng đọc sách tuyệt vời.

Sách và thế hệ trẻ

Thế hệ Z không phụ thuộc nhiều vào sự đa dạng của ngành xuất bản. Họ tự tìm kiếm các tác giả và câu chuyện đa dạng trên mạng, phát huy văn hóa đọc theo những cách mới. Dữ liệu từ Wattpad - công ty giải trí toàn cầu về truyện gốc và tác phẩm văn học kỹ thuật số - cho thấy, độc giả gen Z có thói quen truy cập trực tuyến để tìm những tựa sách mà họ không thể tìm thấy ở hiệu sách.

Có 83% hình thành thói quen đọc tiểu thuyết, sách điện tử và truyện tranh đăng tải riêng cho người dùng web. Dữ liệu báo hiệu một sự thay đổi mang tính thế hệ trong sở thích tiêu dùng và thái độ đối với những tác phẩm phát hành qua mạng internet. Với sự gia tăng của tiểu thuyết web, sách điện tử, truyện tranh trên web và các định dạng kỹ thuật số khác, gen Z đang bình thường hóa việc đọc trên điện thoại.

Ngày nay, 67% gen Z được hỏi cho biết họ đọc trên điện thoại, trong khi 51% thế hệ cũ nói rằng họ vẫn thích lật từng trang sách, tạp chí hoặc báo giấy. Gen Z không chỉ muốn có nhiều câu chuyện đa dạng hơn mà họ còn tôn vinh và nâng cao phạm vi câu chuyện rộng lớn hơn về tổng thể, bao gồm nhiều thể loại trong cùng một tác phẩm. Với sự xuất hiện của TikTok, thế hệ trẻ bắt đầu khám phá những cuốn sách mới trên mạng xã hội và giúp các tác giả ít tên tuổi lọt vào danh sách bán chạy nhất. Điều đó nghĩa là gen Z đang ảnh hưởng đến những gì các thế hệ khác đọc và trải nghiệm.

Kia-Elise Green - một phóng viên tập sự 20 tuổi ở Anh - chia sẻ: “Việc đọc sách đã mở ra một thế giới mới cho tôi. Tôi yêu thích ngôn từ và lắng nghe câu chuyện của người khác. Từ đó tôi học được cách cân nhắc các quan điểm khác nhau và đưa ra kết luận của riêng mình”. Cô nói thêm rằng bản thân từng đọc 20 cuốn sách chỉ trong 1 tuần vào năm 11 tuổi và cho rằng thế hệ trẻ cần dành nhiều thời gian hơn để đọc sách, cảm nhận cuộc sống.

Kia giải thích: “Trong thế giới nơi mạng xã hội ngự trị và chúng ta liên tục bị tấn công bởi những phiên bản được tô vẽ về cuộc sống của người khác, sách là một nơi để bạn ẩn náu. Các tác giả trau chuốt ngôn từ cẩn thận nhằm giúp chúng ta hiểu và đồng cảm với mọi người ở mọi tầng lớp xã hội và nó giữ chân chúng ta”.

Riêng đối với những người ở thế hệ cũ, vào năm 2016, các nhà nghiên cứu tại Đại học Yale (Mỹ) phát hiện ra rằng, những người trên 50 tuổi đọc sách hơn 3,5 giờ/tuần sống lâu hơn 23 tháng so với những người không đọc gì cả. Lý do vì việc đọc sách giúp rèn luyện khả năng nhận thức và tăng cường hoạt động trí óc.

Ngọc Hạ / Phụ nữ TP.HCM

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/sach-lay-lai-vi-the-trong-long-gioi-tre-post1411537.html