Sách lậu 'sống khỏe' vì lỗ hổng pháp lý

Thời gian gần đây, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) liên tục phát hiện, bắt giữ nhiều cơ sở in sách lậu. Điều này cho thấy vấn nạn in, tiêu thụ sách lậu ngày càng trở nên nhức nhối nhưng chế tài xử lý chưa đủ mạnh để răn đe vi phạm.

QLTT Hà Nội tiến hành kiểm tra việc Công ty CP dịch vụ Chính Nghĩa (phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm) in sách lậu. Ảnh: Hoài Nam

QLTT Hà Nội tiến hành kiểm tra việc Công ty CP dịch vụ Chính Nghĩa (phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm) in sách lậu. Ảnh: Hoài Nam

Nhiều thủ đoạn tinh vi

Ngày 14/7 vừa qua, Cục QLTT Hà Nội phối hợp với Tổng cục QLTT kiểm tra Công ty CP dịch vụ Chính Nghĩa tại khu vực Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm) đã phát hiện hơn 2 tấn bìa và ruột sách bán thành phẩm mang tên Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam. Tại thời điểm kiểm tra DN không xuất trình được hóa đơn chứng minh nguồn gốc của số sách này, không có hợp đồng của NXB Giáo dục Việt Nam. Trước đó Cục QLTT Hà Nội qua kiểm tra một số DN đang hoạt động tại khu vực số 418 Bạch Mai đã phát hiện thu giữ 15.000 xuất bản phẩm không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ; Hay ngày 9/7, Đội QLTT số 17 (Cục QLTT Hà Nội) kiểm tra Công ty TNHH Phú Hưng Phát (ngõ 1141 Giải Phóng) đã phát hiện thu giữ 27.200 cuốn sách giáo khoa in lậu không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc.

Theo Phó Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Trịnh Quang Đức: Việc phát hiện xử lý vi phạm không dễ bởi các đối tượng in, tiêu thụ sách lậu có nhiều thủ đoạn tinh vi đối phó lực lượng chức năng. Cụ thể, các đối tượng thường thuê các DN tư nhân thực hiện in, gia công sách lậu vào ban đêm, hoặc ngày nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ. Và lợi dụng đêm tối vận chuyển sách in lậu tới cửa hàng hoặc chuyển đi các tỉnh khác tiêu thụ. “Có những cuốn sách được in lậu bằng phương pháp photocopy, chỉ có bìa sách là được in offset. Với những máy photocopy hiện đại, có tốc độ từ 130 - 160 tờ/phút (khoảng gần 10.000 tờ/giờ) tương đương công suất máy in offset...” - ông Đức chia sẻ.

Thiếu "thuốc đặc trị"

Nói về tình trạng sách in lậu bày bán tràn lan nhưng việc xử lý chưa đủ tác dụng ngăn chặn, các chuyên gia chống hàng giả, hàng nhái có chung ý kiến: Nguyên nhân là chế tài xử phạt chưa phù hợp thực tế. Phó Cục trưởng Cục Xuất bản - In và Phát hành (Bộ TTTT) Nguyễn Ngọc Bảo than phiền: Hiện chế tài xử phạt hành vi in lậu sách còn nhẹ, thiếu tính răn đe. Bởi tại Nghị định 159/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí xuất bản quy định, hành vi in sách lậu từ 300 bản trở lên chỉ bị phạt từ 20 - 30 triệu đồng. “Mức xử phạt quá nhẹ trong khi lợi nhuận từ việc in ấn, tiêu thụ sách lậu rất lớn nên nhiều cơ sở chấp nhận nộp phạt rồi lại hoạt động với quy mô lớn và thủ đoạn tinh vi hơn” - ông Nguyễn Ngọc Bảo chia sẻ.

Đồng tình với ý kiến này, Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Chu Xuân Kiên kiến nghị: Đã đến lúc, cần có biện pháp quản lý mạnh mẽ hơn để các cơ sở phát hành tự giác tuân thủ quy định, như thu hồi giấy phép kinh doanh, không cho phép tiếp tục kinh doanh mặt hàng đã vi phạm. “Thời gian tới cơ quan lập pháp nên sửa đổi, xây dựng các chế tài xử phạt đủ mạnh để QLTT sử dụng như các công cụ tài chính xử lý đối tượng vi phạm; đưa hành vi sản xuất, in, tàng trữ sách in lậu là sản xuất, tàng trữ, buôn bán hàng giả để có mức xử phạt nghiêm khắc” - ông Chu Xuân Kiên nêu quan điểm.

Hiện thông tin của NXB với các đối tác liên kết in ấn, phát hành không thống nhất gây khó cho lực lượng QLTT trong việc xác định được đâu là sách in lậu, in nối bản. Nhiều vụ việc cơ quan chức năng đề nghị NXB có sách bị in lậu xác minh nhưng chính những đơn vị này cũng không thể khẳng định được một cách chuẩn xác. Đây là vấn đề các NXB phải sớm khắc phục.

Phó Chủ tịch Hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu TP Hà Nội Phạm Bá Dục

Thu Hương

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/sach-lau-song-khoe-vi-lo-hong-phap-ly-392167.html