Sách lậu đe dọa ngành xuất bản thế giới ra sao?

Sách giả tràn lan trên mạng khiến không ít nhà văn nổi tiếng từ chối bán bản quyền cho nhà phát hành trực tuyến. Tại nhiều quốc gia, bán sách lậu bị trừng phạt nặng.

Sự ra đời của nền tảng kỹ thuật số mang theo nhiều thách thức lẫn cơ hội cho ngành xuất bản. Một trong số đó là vấn đề bản quyền và sách lậu, sách giả. Không ít nhà xuất bản, công ty phát hành sách đã điêu đứng vì tệ nạn này.

 Biểu tượng thất truyền từng bị phát tán lậu tràn lan trên mạng chỉ ít ngày sau khi được phát hành ra thị trường. Ảnh: The Verge.

Biểu tượng thất truyền từng bị phát tán lậu tràn lan trên mạng chỉ ít ngày sau khi được phát hành ra thị trường. Ảnh: The Verge.

Chưa đầy 24 giờ phát hành, trên mạng đã có sách lậu

Năm 2010, cuốn tiểu thuyết kinh điển Biểu tượng thất truyền của Dan Brown ra mắt vào tháng 9. Nó hứa hẹn có số doanh thu bùng nổ.

Nhưng chưa đầy 24 giờ sau, bản mềm của cuốn tiểu thuyết này xuất hiện tràn lan trên mạng. Bất kỳ ai cũng có thể tải miễn phí. Chỉ trong vài ngày, lượt tải của cuốn sách lên tới hơn 100.000.

Điều đó khiến không ít nhà văn e ngại việc bán bản quyền tác phẩm của mình cho nhà phát hành điện tử. Ngay cả các nhà phát hành cũng chưa tìm ra cách để ngăn chặn triệt để tình trạng ăn cắp bản quyền trong ngành xuất bản số.

CNN dẫn lời tiểu thuyết gia, nhà thơ Sherman Alexie: "Nếu là Stephen King, James Patterson hoặc một nhà văn có sách bán chạy, tôi thực sự lo lắng. Khi được số hóa, sách càng dễ bị ăn cắp nội dung. Với văn hóa nguồn mở trên Internet, quyền sở hữu trí tuệ dường như chẳng thể tồn tại nổi. Nó làm tôi thấy kinh hoàng”.

Có lẽ cùng nỗi lo trên, J.K Rowling từ chối mọi lời đề nghị đưa Harry Potter lên nền tảng số. Bà lo ngại bản quyền, cũng như mong muốn độc giả trải nghiệm tác phẩm của mình bằng bản sách in.

Năm 2010, Guaridan dẫn một thống kê cho biết tại Mỹ, 10% số sách được đọc là sách lậu, giả. Thực trạng này khiến các nhà xuất bản Mỹ thiệt hại hơn 3 tỷ USD/năm.

Không chỉ tác phẩm văn học, sách giáo khoa cũng bị in lậu, làm giả nhiều nhất. Thực trạng sinh viên sử dụng giáo trình photocopy vì chi phí rẻ cũng khiến gia tăng sách giả, không bản quyền.

Theo Korea Times, năm 2012, 6 đại học lớn tại Hàn Quốc, bao gồm cả các trường hàng đầu như Đại học Quốc gia Seoul, Đại học Hanyang và Đại học Sungkyunkwan, đã bị kiện do sử dụng tài liệu giảng dạy không có bản quyền. Thậm chí, họ cũng không quản lý được việc sinh viên dùng sách lậu.

Thị trường online không phải nơi duy nhất mà sách lậu, sách giả hoành hành. Thearabweekly, trong một bài báo đăng năm 2019, tiết lộ thị trường sách giả ở các nước Ả Rập phát triển mạnh, gây thiệt hại tới 350 triệu USD/năm cho những nhà xuất bản chính thống. Con số đó được cho là “rất đáng lo ngại”.

Ông Mohamed Rashad, Chủ tịch Liên minh các nhà xuất bản Ả Rập, cho biết khoảng cách lớn giữa thị trường sách giả và sách gốc đã tạo ra thảm họa đe dọa ngành xuất bản Ả Rập. Họ đang phải đối mặt thách thức chưa từng có về doanh thu, cũng như sụt giảm thị trường xuất bản tới 20%.

Sách lậu, sách giả khiến hàng chục nhà xuất bản phải đóng cửa. Các nhà văn không mấy mặn mà in sách vì doanh số quá kém. Cụm từ “vi phạm bản quyền”, “sách giả” trở thành chủ đề bàn tán của truyền thông. Hàng trăm nhà văn, nhà phê bình sách kêu gọi độc giả tẩy chay, nói không với sách lậu.

Chỉ bấm nút tải, chưa đầy 5 giây, một cuốn sách online có thể đứng trước nguy cơ bị phát tán lậu trên mạng. Ảnh: Mirror.

Buôn bán sách giả là phạm tội hình sự

Cũng theo ông Mohamed Rashad, tại Ả rập, hành vi làm giả sách, bán sách lậu sẽ bị khép tội hình sự, mức phạt từ 300-600 USD và phạt tù tới 3 tháng. Dù vậy, điều đó vẫn chưa thể ngăn cản những kẻ buôn sách giả kiếm lời.

Đức là quốc gia nổi tiếng về chính sách ngặt nghèo trong ngành xuất bản, nhất là những quy định khắt khe về vi phạm bản quyền nội dung trực tuyến. Theo DW, một người vi phạm luật bản quyền, có thể bị kết án lên tới 3 năm tù, kèm theo khoản tiền phạt và phí xét xử khác.

Một người Bồ Đào Nha sinh sống tại Đức chia sẻ với DW rằng các nội dung lậu, sách online giả có thể tải xuống hàng ngày ở quê hương anh ta. Nhưng khi ở Đức, chỉ cần một thao tác liên quan sách giả, sách lậu hay vi phạm bản quyền, cũng mang đến rất nhiều rủi ro.

"Tôi thà thiếu cái để đọc, xem, nghe còn hơn là phải trả hàng nghìn euro tiền phạt hay ngồi tù", người này nói.

Các chính sách răn đe cũng góp phần làm số lượng "tin tặc" trên Internet tại Đức chỉ chiếm khoảng 2%, ít hơn nhiều những nơi khác như Bulgaria (27%) và Latvia (46%).

Dù vậy, vẫn không thể thừa nhận rằng con đường nuôi sống sách giả, sách lậu vẫn đến từ nhu cầu của người dùng. Độc giả phải là người chung tay đẩy lùi nạn sách lậu, cùng nhà văn và công ty phát hành sách bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của những người làm ra tác phẩm.

Thu Hòa

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/sach-lau-de-doa-nganh-xuat-ban-the-gioi-ra-sao-post1104599.html