Sách khó đọc, mà vẫn bán chạy nhất thế giới

Đó là 'Ngôn từ' - cuốn tự truyện 'giã biệt với văn học' của nhà văn, triết gia Pháp Jean-Paul Sartre. Buổi ra mắt bản tiếng Việt của 'Ngôn từ' vừa được tổ chức ở Trung tâm Văn hóa Pháp - L'Espace tại Hà Nội.

Nhà văn, triết gia nổi tiếng người Pháp Jean-Paul Sartre.

“Ngôn từ” là một tự truyện không có những hoài niệm, dẫu ngậm ngùi cay đắng hay cảm động ngọt ngào. Sartre đã giải mã tuổi thơ của mình bằng con mắt sắc sảo và đầy trải nghiệm của một nhà văn đứng tuổi, đứng tách hẳn khỏi cậu bé "ngông cuồng" là chính mình ngày xưa - để đi tìm câu trả lời cho một câu hỏi lớn: Điều gì đã thúc đẩy ông đến với nghiệp văn chương?

Sự đánh giá rất “lạnh lùng” ấy đã đem lại sắc thái đặc biệt cho “Ngôn từ”: Một giọng điệu nổi bật là hài hước, mỉa mai, chế nhạo (chủ yếu là tự chế nhạo), xen lẫn với những suy tư triết học vừa logic vừa phức tạp rắm rối, nhưng đầy cuốn hút. Bởi thế, câu chuyện về tuổi thơ của Sartre trở nên giống một tác phẩm châm biếm, một tiểu thuyết triết lý, hơn là một tự truyện.

Báo chí Pháp đã bình luận: “Ngôn từ” được viết bằng một văn phong sắc sảo, châm biếm, chính xác và không có lấy một chút thống thiết giả tạo”, “Với “Ngôn từ”, Sartre đã kết hợp thành công tiểu thuyết với tự truyện và khiến tác phẩm trở thành một trong những cuốn sách khó đọc bán chạy nhất thế giới”.

Bìa ấn phẩm bản tiếng Việt "Ngôn từ" của Jean-Paul Sartre.

Jean-Paul Sartre (1905-1980) đã lấy bằng thạc sĩ triết học vào năm 1929. Đây cũng chính là thời kỳ ông quen Simone de Beauvoir - triết gia, nhà văn nổi tiếng nước Pháp, người đã nhìn thấy ở Sartre một “bản sao đáp lại những mơ ước của mình thời niên thiếu”, đồng thời cũng thừa nhận “bản sao” này hơn mình cả cái đầu. Đó là người đã bất chấp mọi sóng gió, dan díu, ghen tuông và can gián bạn bè, để đi với Sartre đến tận những ngày cuối đời ông.

Trong chiến tranh, Sartre đã viết tiểu luận đầu tay “Tồn tại và hư vô” mà sau này, nó đã trở thành tác phẩm quan trọng nhất của ông và cũng là tác phẩm trọn vẹn nhất về triết học hiện sinh. Trong đó, ông tái tạo bản thể học và siêu hình học dựa trên những nghiên cứu về hiện tượng học của Husserl và triết học của Heidegger. Những năm sau giải phóng, Jean-Paul Sartre trở thành tên tuổi nổi tiếng khắp giới trí thức Pháp, được coi như thủ lĩnh của phong trào hiện sinh đang là “mốt” lúc bấy giờ.

Jean-Paul Sartre luôn giữ niềm tin vào xã hội chủ nghĩa, phản đối giai cấp tiểu tư sản, chống Mỹ, chống chủ nghĩa tư bản và đặc biệt, bài trừ chủ nghĩa đế quốc. Đến tận cuối đời, ông vẫn tiếp tục đấu tranh phản đối chiến tranh Algeria, phản đối tội ác của Mỹ ở Việt Nam…

Jean-Paul Sartre đã ấn hành một số tác phẩm quan trọng như: “Buồn nôn” (1938), “Bức tường” (1939), “Tồn tại và hư vô”, “Ruồi” (1943), “Xử kín” (1944), “Tay bẩn” (1948), “Ác quỷ và Chúa Lòng lành” (1951), “Ngôn từ” (1964)… Năm 1964, ông đã từ chối nhận giải Nobel Văn học, bởi với ông - “không người nào xứng đáng được thừa nhận khi còn sống”. Bản tiếng Việt của tác phẩm “Ngôn từ” được chuyển ngữ bởi các dịch giả Thuận và Lê Ngọc Mai, do Công ty CP Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam và NXB Văn học ấn hành.

Lê Quang Vinh

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/sach-kho-doc-ma-van-ban-chay-nhat-the-gioi-57006.html