Sách Hay 2018: Tôn vinh cuốn 'Dạy con trong hoang mang'

Tôn vinh hai đầu sách: Dạy con trong hoang mang và Dạy con thành công hơn cả mẹ hổ; giải Sách Hay 2018 muốn nhắn nhủ rằng giáo dục gia đình đang là cứu cánh trước những rối rắm của giáo dục nhà trường, xã hội.

Ngày 16-9, tại TP.HCM diễn ra lễ trao giải Sách Hay 2018. Có 14 đầu sách đã được vinh danh ở bảy hạng mục giải thưởng sách: Nghiên cứu, Giáo dục, Kinh tế, Quản trị, Văn học, Thiếu nhiPhát hiện mới.

Hai tập sách Dạy con trong hoang mang

Hai tập sách Dạy con trong hoang mang

Giải Sách Hay 2018 là mùa giải thứ tám. Bảy mùa giải trước, các đầu sách được vinh danh ở hạng mục sách giáo dục hầu hết là sách về triết lý giáo dục, giáo dục nhà trường, giáo dục quốc gia…

Đây là năm đầu tiên giải thưởng vinh danh hai đầu sách về giáo dục gia đình. Hai đầu sách đạt giải là: Dạy con trong hoang mang (hai tập) của TS Lê Nguyên Phương và dịch phẩm Dạy con thành công hơn cả mẹ hổ của tác giả Maya Thiagarajan, dịch giả Huyền Trang - Thủy Tiên.

Tác giả Maya Thiagarajan đã trải nghiệm qua ba nền giáo dục từ Ấn Độ, Mỹ và Singapore trong vai trò người học, người dạy lẫn làm mẹ

Nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung, Viện trưởng Viện giáo dục IRED, đại diện hội đồng trao giải Sách Hay, chia sẻ: “Hạng mục sách Giáo dục được trao trong bối cảnh công nghệ giáo dục với vuông tròn tam giác. Tôi có quan sát về các diễn đàn bàn về vấn đề này và thấy hình như người ta không bàn nhiều về ngôn ngữ học, tiếng Việt, cách học tiếng Việt của trẻ mà đó là bất cứ nguyên cớ gì cũng có thể dẫn đến việc công chúng trút giận. Cơn bão công nghệ giáo dục chỉ là ví dụ cho sự bột phát về những băn khoăn, dồn nén cho những bất cập trong giáo dục hiện nay”.

Theo ông Giản Tư Trung, việc vinh danh hai đầu sách về giáo dục gia đình dựa trên tinh thần giải Sách Hay là khuyến đọc sách hay, mỗi quyển sách đạt giải là mỗi thông điệp được sẻ chia. Và chưa bao giờ vấn đề giáo dục gia đình quan trọng như bây giờ.

“Đầu sách Dạy con trong hoang mang gần như đạt đồng thuận tuyệt đối của hội đồng xét giải, bởi lâu lắm rồi chúng ta mới có một đầu sách giáo dục của người Việt viết chia sẻ với phụ huynh về vấn đề dạy con. Nếu chúng ta không thể trông chờ vào giáo dục nhà trường hay xã hội thì giáo dục gia đình là cứu cánh” - ông Giản Tư Trung nhấn mạnh.

TS Lê Nguyên Phương, tác giả sách Dạy con trong hoang mang

Trong diễn từ nhận giải, TS Lê Nguyên Phương, tác giả hai tập sách Dạy con trong hoang mang, cho rằng: Chúng ta nuôi con cái, dạy dỗ học sinh bằng tư duy, bộ óc của chúng ta. Hệ quả xuất hiện bởi những tham lam, uất hận, thành kiến, những “nội kết” chấn thương của chúng ta.

Những nội kết chân thương đó xuất hiện không chỉ từ cá nhân, gia đình mà của cả dân tộc này trong hơn trăm năm qua. Khi con cái vui buồn, hỗn láo, ngoan ngoãn, chúng ta phản ứng trong sự không tỉnh thức, phản ứng chứ không giải quyết. "Như vậy, điều quan trọng nhất để có thế hệ mới được hạnh phúc, thành công là phải bắt đầu từ mỗi thầy cô, cha mẹ phải nuôi nấng và dạy dỗ chúng trong sự tỉnh thức" - ông nói.

Ngoài hạng mục sách Giáo dục, giải Sách Hay 2018 còn vinh danh 12 đầu sách khác cho sáu hạng mục:

1. Sách Nghiên cứu: Tác phẩm: Đời sống xã hội Việt Nam đương đại (3 tập) (Tập thể tác giả); Dịch phẩm: Xã hội cổ đại hay Nghiên cứu các con đường đi lên của loài người từ mông muội qua dã man đến văn minh (tác giả L.H. Morgan).

2. Sách Kinh tế: Tác phẩm: Từ nhà nước điều hành sang nhà nước kiến tạo phát triển (Tập thể tác giả); Dịch phẩm: Giấc mộng châu Á của Trung Quốc (tác giả Tom Miller).

3. Sách Quản trị: Tác phẩm: Quyền tác giả - Đường hội nhập không trải hoa hồng (Tác giả: Nguyễn Vân Nam); Dịch phẩm: Cuộc Dịch Chuyển Đại Dương Xanh (tác giả W. Chan Kim, Reneé Mauborgne).

4. Sách Thiếu nhi: Tác phẩm: Viết Cho Những Điều Bé Nhỏ: Khi Quá Buồn Hãy Tưới Nước Cho Một Cái Cây (tác giả Trương Huỳnh Như Trân); Dịch phẩm: Bộ truyện cổ tích: Chàng hoàng tử hạnh phúc - Ngôi nhà thạch lựu (tác giả Oscar Wilde).

5. Sách Văn học: Tác phẩm: Chuyện ngõ nghèo (tác giả Nguyễn Xuân Khánh); Dịch phẩm: Đời nhẹ khôn kham (tác giả Milan Kundera).

6. Sách Phát hiện mới: Tác phẩm: Văn chương Sài Gòn - từ 1881-1924 (2 tập) (Trần Nhật Vy sưu tầm); Dịch phẩm: Homo Deus: Lược Sử Tương Lai (tác giả Yuval Noah Harari).

Triết lý giáo dục cá nhân cần thiết ra sao?

Thời đại này đang là thời đại hoang mang. Thời đại mà thế giới biến động khôn lường, những giá trị bị đảo lộn, mọi niềm tin bị thách thức, trong bối cảnh đó chúng ta dạy con như thế nào? Ngay cả bây giờ nếu chúng ta thực hiện cải cách giáo dục thì hàng chục năm mới hoàn thành được nhưng con cái chúng ta không có thời gian chờ đợi, chúng ta phải dạy con ngay bây giờ. Nếu đặt gánh nặng dạy con từ gia đình sẽ không ít phụ huynh sẽ lo lắng, dạy con theo lối nào, hai quyển sách này đều đau đáu vấn đề đó; tuy nhiên, quan trọng hơn cả hai quyển sách đều đặt vấn đề dạy con thành người như thế nào?

Chúng ta không trả lời được muốn con thành người như thế nào thì câu hỏi dạy con theo lối nào không cần trả lời. Lâu nay chúng ta bàn nhiều về triết lý giáo dục của nhà nước, bộ giáo dục, chính phủ… nhưng tôi cho rằng triết lý giáo dục không phải là bàn về triết lý giáo dục của quốc gia mà một nhà trường, một thầy cô giáo, một phụ huynh đều cần triết lý giáo dục của riêng mình khi dạy con. Triết lý giáo dục không phải là việc của nhà nước hay độc quyền của nhà nước. Ngay bản thân mỗi người cũng phải có triết lý giáo dục để dành cho bản thân mình, chúng ta không có triết lý giáo dục cho bản thân thì càng không thể có triết lý giáo dục để dạy con, đào tạo nhân viên…

Nhiều người nói triết lý giáo dục Việt Nam không rõ ràng, không có triết lý giáo dục… không vấn đề gì. Không ai cấm thầy cô, mỗi phụ huynh có triết lý giáo dục riêng để dạy học trò, dạy con mình. Nên tôi cho rằng dạy con theo kiểu nào không quan trọng bằng thiết lập một triết lý giáo dục để dạy con, dạy trò, đào tạo nhân viên hay cho bản thân mình. Và suy cho cùng, triết lý giáo dục đó phải trả lời được ba câu hỏi: Thế nào là con người? Tôi muốn con tôi trở thành người như thế nào? Làm thế nào giúp con tôi trở thành con người như vậy? Vấn đề hầu hết mọi người chỉ quan tâm câu hỏi thứ ba dạy con như thế nào chứ không trả lời hai câu đầu tiên. Hai quyển sách đưa ra thông điệp quan trọng rằng phải chú ý hai câu đầu tiên.

Dạy con trong hoang mang đặt vấn đề nhiều, nhiều người đọc xong sách thấy hoang mang khi dạy con, đó là điều quyển sách làm được, khi biết hoang mang bạn sẽ biết cách vượt qua khỏi hoang mang ra sao. Bạn không hoang mang khi dạy con vì không hiểu bản thân mình và thế giới, càng đọc nhiều càng hoang mang và khi đã biết nhiều hơn bạn sẽ dạy con trong tự tin. Chúng ta chuyển từ tự nhiên sang hoang mang và cuối cùng tự tin, để có thể tự tin dạy con thì phải dạy con trong hoang mang trước.

(Nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung chia sẻ tại giải Sách Hay 2018)

QUỲNH TRANG

Nguồn PLO: http://plo.vn/van-hoa/sach-hay-2018-ton-vinh-cuon-day-con-trong-hoang-mang-792460.html