Sách giấy cói ghi chép thực hành y khoa thời Ai Cập cổ đại

Những cuộn bản thảo cổ đã mang đến một cái nhìn thú vị hiếm hoi về thực hành khoa học nói chung và y khoa nói riêng tại Ai Cập cách đây hàng ngàn năm.

Đây là một phần trong bộ sưu tập sách giấy cói do Quỹ Carlsberg bảo trợ (Carlsberg Papyrus Collection), đặt tại Đại học Copenhagen (Đan Mạch), nơi một nhóm nghiên cứu quốc tế đang miệt mài cộng tác để phiên dịch các tài liệu – trang web của dự án cho biết.

Trong quá trình làm việc, những chuyên gia đã phát hiện thấy trên các cuộn giấy có ghi chép những thảo luận về các chủ đề y học lâu đời như bệnh thận, chỉ dẫn điều trị bệnh mắt, hay mô tả phương pháp thử thai, … Bên cạnh y khoa, các tài liệu còn chứa nhiều tri thức tham khảo trên các lĩnh vực thiên văn, thực vật và chiêm tinh học … – theo ScienceNordic.

Phương pháp thử thai kỳ lạ được ghi chép trên tập bản thảo giấy cói. Ảnh: The Carlsberg Papyrus Collection / University of Copenhagen.

Bộ sưu tập Carlsberg Papyrus có quy mô rất lớn, bao gồm gần 1.400 bản thảo (phần lớn ra đời trong giai đoạn 2000 TCN – 1000 SCN) – theo Kim Ryholt, giám đốc quản lý dự án kiêm giáo sư Khoa Văn hóa và Khu vực học tại Đại học Copenhagen, người đã viết các thông tin này trên trang web của quỹ Carlsberg. Kể từ khi được hiến tặng cho trường (năm 1939), hầu hết các tài liệu này vẫn chưa được dịch và xuất bản.

ScienceNordic dẫn nội dung của một văn bản được dịch thời gian gần đây, trong đó mô tả phương pháp thử thai: thầy thuốc sẽ hướng dẫn thai phụ cách đi tiểu vào hai chiếc túi – một chứa lúa mì, còn lại là lúa mạch. Theo đó, giới tính của thai nhi sẽ được xác định căn cứ vào việc hạt nào nảy mầm trước; trong trường hợp không hạt nào nảy mầm thì kết quả sẽ là âm tính. Phương pháp trên có lẽ được coi là hơi bất thường nếu so sánh với những tiêu chuẩn y khoa hiện đại, tuy nhiên thử nghiệm tương tự cũng từng được tham chiếu trong một văn bản thời Trung cổ ở Đức (có từ năm 1699) – nhà nghiên cứu Sofie Schiødt, thành viên dự án kiêm ứng viên tiến sỹ tại Khoa Văn hóa và Khu vực học (Đại học Copenhagen) cho biết. Schiødt nói: “Rất nhiều ý tưởng y khoa từ thời Ai Cập cổ đại sau này đã xuất hiện lại trong các văn bản bằng chữ Hy Lạp và La Mã, rồi lan truyền và phổ biến đến Trung Đông thời Trung Cổ – tất cả đều có ảnh hưởng nhất định đến nền y học thời tiền hiện đại.”

Theo các nhà nghiên cứu, loại sách giấy cói ghi chép tri thức khoa học thời Ai Cập cổ là rất hiếm, cho nên những bản dịch đầy đủ và chính xác của chúng sẽ giúp mang đến một cái nhìn mới, sâu sắc và có giá trị về nền tảng khoa học và y khoa cổ đại.

Ngọc Anh (Theo Live Science)

Nguồn KH&PT: http://khoahocphattrien.vn/kham-pha/sach-giay-coi-ghi-chep-thuc-hanh-y-khoa-thoi-ai-cap-co-dai/20180819033433241p1c879.htm