Sách giáo khoa và câu chuyện thị phần

Thời gian gần đây, có rất nhiều ý kiến khác nhau xung quanh tài liệu 'Tiếng Việt 1- Công nghệ giáo dục' do Nxb Giáo dục Việt Nam xuất bản. Trong thời gian tới, vấn đề quản lý sách giáo khoa (SGK) đang được đặt ra khi có rất nhiều bộ SGK khác nhau sẽ được tung ra thị trường.

Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 đang nhận được sự quan tâm của xã hội.

Xung quanh tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục

Trước những xôn xao, ý kiến khác nhau về hiệu quả của tài liệu Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục (TV1-CNGD), lãnh đạo Bộ GDĐT đã lên tiếng về việc này.

Ông Nguyễn Hữu Độ- Thứ trưởng Bộ GDĐT cho biết, tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục (CNGD) là kết quả nghiên cứu từ năm 1978 của một số nhà khoa học, đứng đầu là GS.TSKH Hồ Ngọc Đại thông qua các đề tài nghiên cứu và được áp dụng vào dạy học ở Trường Thực nghiệm Giảng Võ, Hà Nội.

Căn cứ kết quả nghiên cứu và áp dụng thí điểm trong dạy học môn Tiếng Việt ở lớp 1 tại Trường Thực nghiệm và một số cơ sở giáo dục, Bộ GDĐT đồng ý cho các địa phương có nhu cầu và đảm bảo các điều kiện được áp dụng vào việc dạy học Tiếng Việt lớp 1, nhất là ở những vùng khó từ năm học 2008-2009 đến năm học 2016-2017 trên tinh thần tự nguyện.

Cuối năm 2016, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội trong Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ GDĐT đã giao cho Viện Khoa học giáo dục Việt Nam (KHGD) nghiên cứu, khảo sát, đánh giá chất lượng, hiệu quả triển khai Tài liệu TV1-CNGD và đề xuất các giải pháp chỉ đạo (do GS.TS Trần Công Phong- Viện trưởng Viện KHGD Việt Nam chủ trì).

Ông Nguyễn Đức Hữu- Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Bộ GDĐT cho biết, để tăng cường chất lượng tiếng Việt cho học sinh, nhất là học sinh dân tộc ở các vùng khó khăn, Bộ GDĐT đã đồng ý cho thử nghiệm tài liệu tiếng Việt công nghệ giáo dục (gọi là tài liệu tiếng Việt chứ không phải SGK).

Tài liệu tiếng Việt 1 CNGD là thành quả của một tập thể các nhà khoa học, đứng đầu là GS Hồ Ngọc Đại. Vừa qua dư luận có nhiều ý kiến về cách đánh vần trong tài liệu này, nhưng đây là vấn đề bình thường. Những giải pháp sư phạm mà mỗi một tài liệu, một bộ SGK đặt ra cách tiếp cận để cho học sinh, đặc biệt là học sinh lớp 1 biết đọc, biết viết. “Thế mạnh của tài liệu tiếng Việt công nghệ này là học sinh đọc thông, viết thạo, nắm chắc được quy tắc chính tả. Do đó, năm học 2018-2019, tiếp tục triển khai tài liệu tiếng Việt 1- CNGD ở những địa phương đang triển khai theo nguyên tắc tự nguyện nhưng không mở rộng để giữ ổn định cho đến khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới”-ông Nguyễn Đức Hữu- Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GDĐT cho hay.

Thị phần SGK có sự thay đổi?

Trước những ý kiến trái chiều từ phía dư luận xã hội, GS.TS Hồ Ngọc Đại cho biết, tài liệu tiếng Việt lớp 1 CNGD đã tồn tại được 40 năm nay.

Tính đến năm học 2018-2019 có 49 tỉnh, thành phố triển khai dạy học môn tiếng Việt lớp 1 CNGD với gần 800.000 học sinh. Như vậy, khoảng gần 50% học sinh lớp 1 của Việt Nam đang học sách của ông.

Theo GS Đại, với số lượng tỉnh thành và học sinh đang sử dụng tài liệu tiếng Việt CNGD thì sẽ có nhiều nhóm làm SGK khác bị ảnh hưởng về lợi ích. GS Hồ Ngọc Đại cho rằng, những xôn xao, ý kiến về bộ sách này có thể xuất phát từ đó.

Từ những chia sẻ của GS Hồ Ngọc Đại có thể hình dung thị phần SGK trong thời gian tới có thể sẽ phải đối diện những thử thách, thậm chí là sự cạnh tranh không lành mạnh. Vấn đề cần đặt ra ở đây là các cơ quan chức năng cần làm gì để khắc phục những thách thức đó.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết- Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông cho biết, dự kiến, trong tháng 9/2018 sẽ ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới. Sau đó, các nhà xuất bản dựa vào chương trình này để biên soạn SGK. Việc nhiều nhà xuất bản cùng biên soạn, phát hành SGK để cho các trường học có quyền lựa chọn bộ sách phù hợp, chất lượng nhất phục vụ công tác giảng dạy; các nhóm tác giả, nhà xuất bản cùng cạnh tranh về chất lượng là điều hết sức bình thường. Tuy nhiên, việc cạnh tranh này phải lành mạnh để đảm bảo quyền lợi của học sinh.

Theo ông Nguyễn Quốc Vương, người dịch và viết nhiều sách về giáo dục, cho rằng cần có cơ chế rõ ràng về việc ai có quyền lựa chọn SGK ở nhà xuất bản nào. Việc lựa chọn SGK có thể do hiệu trưởng, phụ huynh, giáo viên hay hội đồng chuyên môn của địa phương nhưng phải có sự công khai, minh bạch, tránh trường hợp hiệu trưởng có thể tự thỏa thuận với nhà xuất bản mua SGK của nơi không đảm bảo chất lượng.

Khi thực hiện một chương trình, nhiều SGK, Bộ GDĐT phải có quy chế về việc biên soạn, tuyển chọn và sử dụng SGK một cách rõ ràng, minh bạch. Còn SGK có chất lượng tốt hay không trước tiên là phải thuộc về giới chuyên môn thẩm định. Kênh thông tin từ công chúng, dư luận xã hội về SGK của nhà xuất bản nào cũng rất quan trọng nhưng không phải lúc nào cũng phù hợp với sự thẩm định chuyên môn.

Minh Thúy

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-duc/sach-giao-khoa-va-cau-chuyen-thi-phan-tintuc415497