Sách giáo khoa dùng một lần: Bộ GD&ĐT nói không, phụ huynh nói có

Bộ GDĐT cho rằng, sách giáo khoa hiện nay vẫn được luân chuyển dùng qua các năm chứ không phải sau một năm học là bỏ đi. Nhưng thực tế, các phụ huynh phải mua sách mới vì phần bài tập của sách cũ đã... kín chữ.

Mỗi năm hàng trăm nghìn bộ SGK bị bỏ đi, trong đó có không ít các loại sách tham khảo, bài tập

Mỗi năm hàng trăm nghìn bộ SGK bị bỏ đi, trong đó có không ít các loại sách tham khảo, bài tập

Báo cáo của ngành xuất bản Việt Nam cho thấy, sản lượng SGK năm 2015 là 101 triệu bản, năm 2016 là 108,8 triệu bản, năm 2017 là 107,8 triệu bản và năm học 2018 - 2019 NXB Giáo dục tiếp tục đưa ra thị trường hơn 105 triệu bản SGK. Nghĩa là mỗi năm, lượng SGK được in ra không giảm nhiều, thậm chí có năm còn tăng lên.

Theo danh mục do NXB Giáo dục Việt Nam cung cấp, số lượng SGK cho lớp 1, 2, 3 là 6 cuốn; lớp 4, 5 là 9 cuốn. Ở cấp THCS, học sinh lớp 6, 7 dùng 12 cuốn SGK, lớp 8, 9 dùng 13 cuốn. Đối với cấp THPT, chương trình chuẩn có 14 cuốn SGK, chương trình nâng cao 10 cuốn. Giá bán lẻ bộ SGK chương trình phổ thông từ 45.300 đồng đến 153.000 đồng.

Một phép tính đơn giản nhất người ta có thể tính được là mỗi năm, các bậc phụ huynh chi khoảng hơn 1.000 tỷ đồng để mua SGK.

Tuy nhiên, điều khó hiểu đối với không ít phụ huynh là từ nhiều năm nay, nhiều SGK chỉ dùng một lần. Rất nhiều cuốn, đặc biệt môn Toán và Tiếng Anh ở cấp tiểu học, có phần bài tập. Học sinh ghi câu trả lời lên sách dẫn đến khóa sau không thể dùng lại nữa.

Cũng với cách thức in sách kiểu này, nhiều sách bài tập ở cấp tiểu học học sinh ghi câu trả lời vào đây. Số sách này rất ít khi được dùng đến nhưng phụ huynh tặc lưỡi mua lấy được do sợ thiếu sách khi trường yêu cầu.

Những bộ sách giáo khoa phổ thông được sử dụng hiện nay đều do NXB Giáo dục - cơ quan trực thuộc Bộ GD&ĐT phát hành độc quyền. Từ lợi thế chiếm 100% thị phần, quy trình phát hành sách theo ngành dọc từ Bộ, Sở tới trường học tạo ra sự thuận lợi lớn trong việc đưa cả sách giáo khoa lẫn sách tham khảo đến tay học sinh.

Trên thực tế, nhà trường cũng không yêu cầu học sinh phải sử dụng sách mới nhưng vì tiện ích và nhiều lý do, phụ huynh vẫn chấp nhận để mua cho con. Dần dần, chính các phụ huynh cũng bỏ hẳn thói quen cho sách hoặc xin sách cũ.

Anh Võ Thanh Hòa (quận Bình Tân, TPHCM) chia sẻ: “Hồi tôi còn nhỏ, SGK được anh chị em tôi dùng chung. Anh lớn học xong để lại cho em nhỏ học tiếp. Nhưng giờ tôi có 2 đứa con, cháu lớn lớp 3, cháu thứ 2 vào lớp 1, nhưng cháu lớp 1 không thể học lại sách của cháu lớp 3 để lại, vì cuốn nào cũng kín chữ của đứa lớn ở những phần điền bài tập bắt buộc ngay trên sách. Đầu năm học mới, trường yêu cầu phụ huynh mua thêm sách bài tập, sách tham khảo gì là tôi đều phải mua đủ, mặc dù biết rằng con chỉ dùng được 1 lần, năm sau là bỏ đi”.

Một giáo viên tiểu học tại TPHCM xin được giấu tên cho biết, trên lớp cô rất hạn chế cho học sinh làm bài tập trực tiếp vào sách mà yêu cầu các em làm trên vở bài tập để dạy các em biết cách giữ gìn sách, biết cách chia sẻ sách cũ với các bạn học sinh khó khăn vùng sâu vùng xa khi có các đợt quyên góp từ thiện. Tuy nhiên, cô thẳng thắn thừa nhận rằng, việc làm của cô chỉ là thiểu số, vì chính bản thân phụ huynh cũng “tặc lưỡi” chấp nhận bỏ tiền mua sách mới hàng năm cho con em mình.

Theo GS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, trước đây học sinh đi học rất ít khi được dùng sách mới, chủ yếu là dùng lại sách từ các khóa trước. Khi đó, sách cũng ít có sự điều chỉnh. Nếu có tái bản, thông tin sẽ được đính chính dưới chân trang nên sử dụng lâu dài được.

Ông cũng cho rằng, NXB Giáo dục cần xem xét lại việc phát hành sách có luôn phần làm bài tập, vì như vậy sách chỉ sử dụng được một lần. Dư luận bức xúc cho rằng đây là một thủ thuật vì lợi ích thương mại, cụ thể là để bán được nhiều SGK phần nào có lý.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, liên quan đến thực hiện Nghị quyết 40 của Quốc hội về việc thực hiện chương trình phổ thông mới từ năm 2000 đến nay, SGK cũ vẫn đang được triển khai. SGK hiện đang ổn định và hàng năm có tái bản, điều chỉnh, bổ sung thêm một số nội dung.

Thực tế cho thấy, trong các chuyến công tác lên các tỉnh miền núi như Sơn La, Lai Châu, SGK cũ vẫn được học sinh tại đây sử dụng lại.

Tuy nhiên, phía Bộ GD&ĐT đã ra các văn bản 2572, 2372 ban hành ngày 11.4.2013 về việc sử dụng tài liệu tham khảo. Năm 2014 đã ban hành Thông tư 21 về việc quy định và quản lý sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Theo đó, việc lựa chọn sách tham khảo do Thủ trưởng, Hiệu trưởng các nhà trường sẽ quyết định sử dụng sách nào phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của từng địa phương.

Bạch Dương

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/sach-giao-khoa-dung-mot-lan-bo-gddt-noi-khong-phu-huynh-noi-co-post274901.info