Sách giáo khoa cho chương trình mới: Xóa độc quyền, tăng chất lượng sách

Trong hội thảo mới nhất của NXB Giáo dục Việt Nam với nhiệm vụ đổi mới chương trình và sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông, 4 mẫu bản SGK mới đã được giới thiệu. Các bản sách đều bám sát định hướng của chương trình mới, trình bày đẹp, việc một chương trình nhiều bộ sách đã tạo ra những điều kiện thúc đẩy đội ngũ biên tập và các NXB chú trọng đến chất lượng của các bộ sách hơn.

Cùng cạnh tranh, tăng chất lượng sách

Ông Nguyễn Đức Thái, Chủ tịch Hội đồng thành viên NXB Giáo dục Việt Nam đã giới thiệu các bản mẫu SGK lớp 1 do NXB Giáo dục Việt Nam biên soạn. Cụ thể, 4 bản mẫu bộ SGK của NXB Giáo dục Việt Nam là: Bộ SGK Kết nối tri thức với cuộc sống; Bộ SGK Chân trời sáng tạo; Bộ SGK Cùng học để phát triển năng lực; Bộ SGK Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục.

PGS.TS Bùi Mạnh Hùng- Tổng Chủ biên môn Tiếng Việt, Ngữ văn, NXB Giáo dục Việt Nam cho biết: 4 bộ sách thể hiện tiếp cận đa dạng cùng định hướng phát triển theo Chương trình mới. Với 4 bộ sách này, SGK của NXB Giáo dục Việt Nam đáp ứng điều kiện giáo dục ở nhiều vùng miền khác nhau. Mục tiêu làm cho người học tiếp cận kiến thức để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Và các bộ sách không chỉ đáp ứng được việc kết nối giữa SGK từng môn các lớp khác nhau, các cấp học, còn đòi hỏi sự kết nối giữa các môn học khác nhau trong cùng một bộ sách.

Theo NXB Giáo dục Việt Nam, 4 bản mẫu được công bố nói trên nằm trong số 5 bản mẫu SGK đã qua 2 vòng thẩm định của Hội đồng thẩm định quốc gia, đang chờ Bộ GD&ĐT hoàn thiện các thủ tục cuối cùng để công bố trước dư luận. Bản mẫu SGK còn lại thuộc về 2 NXB là ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Sư phạm TP HCM.

Đội ngũ tác giả biên soạn 4 bộ SGK này gồm 150 tổng chủ biên, chủ biên và hơn 700 tác giả là GS, PGS, TS, các nhà khoa học và giáo viên giỏi, nhiều kinh nghiệm thuộc tất cả các môn học và hoạt động giáo dục từ cấp tiểu học đến THPT.

Trước đó, Bộ GD&ĐT cũng cho biết sẽ công bố SGK lớp 1 mới vào khoảng giữa tháng 11 tới, chậm hơn so với kế hoạch ban đầu. Hiện Bộ GD&ĐT đang tiếp tục rà soát các cơ sở pháp lý đối với các SGK đã đạt để đảm bảo sách được thẩm định đạt yêu cầu so với quy định trong luật, nhất là những SGK có các nội dung liên quan tới hội nhập quốc tế, các yếu tố nhạy cảm.

Bộ GD&ĐT tiếp nhận SGK từ 3 đơn vị đề nghị thẩm định: NXB Giáo dục Việt Nam, NXB trường ĐH Sư phạm Hà Nội và NXB trường ĐH Sư phạm TP HCM. Qua rà soát, Bộ đã tiếp nhận các bộ sách được đề nghị thẩm định đối với 9 môn học ở lớp 1 với 49 bản thảo.

Trên nguyên tắc chương trình GDPT là pháp lệnh, thống nhất trong cả nước, thì chủ trương tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục, nhà khoa học, nhà giáo tham gia biên soạn SGK để bảo đảm mỗi môn học có một hoặc một số SGK là cần thiết; điều này nhằm tránh độc quyền trong việc biên soạn, phát hành SGK. Tránh độc quyền cũng góp phần tạo ra những bộ sách chất lượng hơn.

Trong báo cáo thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát và chất vấn được Bộ GD&ĐT gửi đến Quốc hội có nêu rõ, không có việc Bộ “độc quyền SGK”. Riêng bộ SGK lớp 1 sẽ được phê duyệt, cho phép sử dụng trước tháng 12-2019 để kịp in ấn, phục vụ năm học 2020-2021.

Để đảm bảo chất lượng SGK và khách quan trong biên soạn, chọn lựa SGK cho cơ sở giáo dục, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm quy định quy trình biên soạn, thẩm định, phát hành và quy trình chọn lựa SGK, bảo đảm có ít nhất một bộ SGK đủ chất lượng cho GDPT.

Việc chủ trương một chương trình nhiều bộ sách đã tạo ra những điều kiện thúc đẩy đội ngũ biên tập và các NXB chú trọng đến chất lượng của các bộ sách hơn. Ảnh tư liệu

Việc chủ trương một chương trình nhiều bộ sách đã tạo ra những điều kiện thúc đẩy đội ngũ biên tập và các NXB chú trọng đến chất lượng của các bộ sách hơn. Ảnh tư liệu

Có sách mới cũng cần tập huấn giáo viên

Trước đây, SGK được coi như “pháp lệnh”, một bộ sách duy nhất buộc giáo viên, học sinh trong quá trình học phải tuân theo. Tới đây, nhiều bộ sách đồng nghĩa với việc: Sách là tài liệu hướng dẫn giáo viên đạt được mục tiêu giáo dục.

Trên thực tế, yêu cầu tập huấn giáo viên đối với việc khai thác, sử dụng sách mới là cần thiết, dù sách ấy thuộc NXB nào trực tiếp in ấn. NXB Giáo dục Việt Nam cho biết sẽ tổ chức các đợt tập huấn giáo viên về khai thác, sử dụng và dạy học theo sách giáo khoa mới do NXB Giáo dục Việt Nam biên soạn, dưới hình thức hội thảo chuyên đề và đào tạo online.

PGS.TS Bùi Mạnh Hùng khẳng định: Về tập huấn giáo viên, NXB Giáo dục Việt Nam đưa nhiều giải pháp công nghệ thông tin. Hiện nay, đơn vị này đang khẩn trương chuẩn bị tài liệu in, clip quay bài trình bày của tổng chủ biên, bài dạy mẫu của giáo viên lớp 1 để đưa lên mạng của NXB. NXB Giáo dục Việt Nam khẳng định, việc đầu tư đường truyền mạnh để đảm bảo trong cùng một thời điểm hàng trăm người có thể truy cập vào.

Việc tập huấn giáo viên được chia làm 2 vòng. Vòng 1 dành cho cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán, chủ biên và tổng chủ biên thực hiện. Vòng 2, tổ chức các lớp tập huấn cho các giáo viên dạy trực tiếp. Ở cả hai vòng, NXB Giáo dục Việt Nam mong muốn tất cả thầy cô được tiếp cận văn bản gốc từ văn bản in, tài liệu và khẳng định, việc tập huấn cho tất cả giáo viên dạy lớp 1 qua cấp độ phù hợp, đảm bảo thông tin ý tưởng cho giáo viên một cách trung thực nhất.

Theo Bộ GD&ĐT, khi thực hiện nhiều SGK, UBND tỉnh, thành sẽ quyết định lựa chọn sử dụng SGK nào cho học sinh của tỉnh, thành mình. Trách nhiệm của các Sở GD&ĐT là tham mưu cho UBND tỉnh, thành thành lập hội đồng thẩm định của tỉnh, thành để chọn ra bộ sách phù hợp nhất.

Phan Thủy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/sach-giao-khoa-cho-chuong-trinh-moi-xoa-doc-quyen-tang-chat-luong-sach-169524.html