Sách do cố GS. Phan Huy Lê chủ biên đạt giải A Sách Quốc gia 2019

Bộ sách do cố GS.TSKH.NGND. Phan Huy Lê tổng chủ biên được trao giải A tại Giải thưởng sách Quốc gia năm 2019, tại lễ trao giải tối 26/12 tại Nhà hát VOV.

GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc đại diện tập thể tác giả lên nhận giải A cho công trình sách do cố GS. Phan Huy Lê tổng chủ biên

GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc đại diện tập thể tác giả lên nhận giải A cho công trình sách do cố GS. Phan Huy Lê tổng chủ biên

Tới dự lễ trao giải tối 26/12 có ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ.

Công trình đạt giải A được đánh giá cao

Trong hai giải A tại Giải thưởng sách quốc gia 2019, một giải A được trao cho bộ sách Vùng đất Nam Bộ-Quá trình hình thành và phát triển do cố GS. Phan Huy Lê tổng chủ biên. Giải A còn lại thuộc về Động vật chí và Thực vật chí Việt Nam.

Chỉ có hai công trình được trao giải A

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Sách Quốc gia báo cáo tổng kết về giải thưởng năm 2019. Ông khẳng định năm nay quy trình tham dự và chấm giải giải được thực hiện chặt chẽ, khách quan. Tất cả các cuốn sách, công trình đều được thẩm định, chấm điểm và có bản đánh giá nhận xét theo quy định.

Ông Võ Văn Thưởng đề nghị Hội đồng tiếp tục truyền thông sâu rộng hơn nữa về giải sách ở các kỳ sau

So với giải thưởng Sách quốc gia năm 2018, số lượng giải thưởng giảm đi, chất lượng nâng cao hơn. Không những thế giá trị của giải thưởng cũng cao hơn hẳn: Giải A trị giá 100 triệu đồng, giải B 50 triệu đồng và giải C 30 triệu đồng.

Phát biểu tại lễ trao giải, ông Võ Văn Thưởng Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng trong tiến trình phát triển xã hội loài người, sách là di sản quan trọng nhất. Để có được sách tốt không thể thiếu tác giả, đội ngũ biên tập, người làm sách.

BTC trao 13 giải B cho các tác phẩm, công trình nghiên cứu

“Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ngành xuất bản có nhiều bước tiến, văn hóa đọc phát triển. Giải thưởng sách quốc gia Việt Nam tạo động lực cho người làm sách. Tôi vui mừng vì lần tổ chức thứ hai, BTC có nhiều đổi mới trong quy trình chấm giải, cơ cấu giải thưởng, trị giá giải thưởng”, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nói.

Ban tổ chức trao 12 giải C, 13 giải B. Trong số 13 giải B có những công trình nghiên cứu chuyên sâu, nhiều cuốn sách về chủ quyền đất nước như: Sa Huỳnh - Lâm Ấp - Chămpa thế kỷ 5 trước Công nguyên đến thế kỷ 5 sau Công nguyên (Một số vấn đề khảo cổ học); tác giả: Lâm Thị Mỹ Dung; Tranh truyện lịch sử Việt Nam (10 tập); tác giả: Tạ Huy Long, Lê Phương Liên, Nam Việt, Minh Hiếu, Hà Ân, An Cương, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Trãi Quốc âm từ điển; tác giả: Trần Trọng Dương.

“So với Giải thưởng Sách Quốc gia lần 1, giải thưởng năm nay có bước tiến mới, chất lượng tác phẩm nâng cao và quy trình chấm chặt chẽ hơn. Trong đó sách đạt giải phải đạt trên 70% thành viên Hội đồng chấp thuận”, ông Hoàng Phong Hà Phó Chủ tịch Hội Xuất bản khẳng định trong hôm họp báo 23/12.

Ông Hà khẳng định quy trình chấm chặt chẽ, nghiêm túc, khách quan, trước khi đưa lên Hội đồng quốc gia có vòng tuyển chọn từ hội đồng cơ sở. Năm nay, Hội đồng chỉ chấm tập trung vào năm mảng: Kinh tế-Chính trị, Khoa học xã hội và nhân văn, Khoa học tự nhiên và công nghệ, Văn hóa, văn học và nghệ thuật, Sách thiếu nhi.

Tác phẩm đạt giải được đánh giá là những tác phẩm mang tính sáng tạo, mang tinh thần nhân văn sâu sắc, những công trình nghiên cứu khoa học hết sức công phu, nghiêm túc, có nhiều giá trị khoa học, xã hội và thực tiễn cao. PGS.TS. Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam là thành viên Hội đồng chấm nhận xét một số mảng sách có chất lượng nổi trội như công trình nghiên cứu cơ bản về khoa học, sách luật pháp, sách nghiên cứu và lí luận văn học, riêng sách văn chương không như mong đợi.

Bộ sách do GS.TS. Phan Huy Lê tổng chủ biên: Vùng đất Nam Bộ - Quá trình hình thành và phát triển (gồm 2 tập tổng quan và 10 tập chuyên khảo sâu. Đây là công trình nghiên cứu khoa học hết sức công phu, nghiêm túc, có giá trị khoa học, xã hội và thực tiễn cao. Công trình nghiên cứu sâu rộng và toàn diện lịch sử Vùng đất Nam Bộ, từ điều kiện tự nhiên, cội nguồn vùng đất từ thời tiền sử đến đặc trưng văn hóa, văn minh Óc Eo, đất nước Phù Nam khi xưa… từ thế kỷ VII đến thế kỷ XVI; từ thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX với công cuộc khai phá, xác lập chủ quyền Việt Nam trên Vùng đất Nam Bộ; tiếp đến là lịch sử Vùng đất Nam Bộ từ năm 1859 đến năm 1945, và đến năm 2010...

Nguyên Khánh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/sach-do-co-gs-phan-huy-le-chu-bien-dat-giai-a-sach-quoc-gia-2019-1502766.tpo