Sách đẹp: Để chơi hay để đọc?

Theo quan niệm thông thường, sách quan trọng ở phần nội dung, thể hiện qua ngôn từ và vì vậy, khái niệm đọc sách được hiểu như là sự chiếm lĩnh nội dung chứ không phải hình thức. Tuy thế, trào lưu 'chơi' sách đẹp, bản đặc biệt trong những năm gần đây mang lại cho chúng ta suy nghĩ vượt khỏi quan niệm truyền thống về sự đọc.

Một vấn đề đặt ra là: Thông điệp của sách đẹp, ấn bản đặc biệt là gì? Sở hữu sách đẹp là một cuộc chơi thuần về thẩm mỹ hay còn ý nghĩa nào khác? Chỗ đứng trên thị trường của sách đẹp và ấn bản thông thường có gì đáng chú ý?

Một số bản sách đặc biệt được các nhà sách xuất bản để đáp ứng nhu cầu của những người yêu thích, sưu tầm sách.

Nhà báo Hiền Đỗ, người theo dõi lĩnh vực xuất bản từ nhiều năm nay cho rằng, đó là một cuộc chơi văn hóa. Sách đẹp, ấn bản đặc biệt có tác dụng thúc đẩy sự đổi mới, gia tăng hàm lượng thẩm mỹ, thu hút người đọc. Tuy nhiên, để đánh giá đúng giá trị của sách đẹp, ấn bản đặc biệt mà đằng sau đó là “cuộc chơi văn hóa”, cần tìm hiểu kỹ hơn về thông điệp ngầm ẩn bên trong các ấn phẩm này.

Trước hết, sách đẹp hay bản đặc biệt thường được các nhà sách thiết kế với số lượng hạn chế, gia công bìa cứng, gỗ, bọc da, bọc gấm, giấy tốt, có phụ bản minh họa, đánh số, có chữ ký, ấn chương của tác giả, dịch giả hoặc triện son của đơn vị làm sách... Bản đặc biệt có giá cao hơn bản thường, hướng tới những độc giả là người sưu tầm, coi trọng vẻ đẹp hình thức. Hiện nay, Đông A, Nhã Nam, Omega, Phanbook, Thái Hà Books... là những đơn vị tiên phong trong “phong trào” phát hành ấn bản đặc biệt.

Thực tế, để hiểu nội dung cuốn Anh em nhà Karamazov của Dostoevski, không nhất thiết phải đọc bản đặc biệt của Đông A. Sưu tầm sách đẹp đang là trào lưu “hot”, thế nhưng sự xuất hiện của ấn bản đặc biệt không làm lung lay vị trí của sách thông thường. Khi cầm một cuốn sách thông thường trong tay, thông tin về tác giả, dịch giả, người hiệu đính, người biên tập, người vẽ bìa, nhà xuất bản, công ty in, phát hành, đơn vị tài trợ, số lượng in, lần tái bản, năm xuất bản, hình ảnh minh họa, loại giấy, kiểu chữ, kích thước chữ, cách thức trình bày... cũng mang thông điệp cụ thể. Ví như, nhìn vào số lượng bản in của nhiều cuốn sách, chúng ta sẽ hình dung được đời sống xuất bản hiện nay. Con số dao động từ 300 đến 1.000 bản in đối với sách thường là khá phổ biến, cho thấy các nhà xuất bản và công ty in, phát hành hiểu khá rõ nhu cầu của thị trường. Ấn bản đặc biệt chỉ ra khoảng 100 cuốn hoặc ít hơn, vừa bảo đảm “tính đặc biệt” về số lượng vừa nói lên “phân khúc khách hàng” mà dòng sách này hướng đến.

Sách đẹp, ấn bản đặc biệt thể hiện “một thú chơi văn hóa”, nhưng nó cũng nói lên nhu cầu, thị hiếu của người mua. Việc sở hữu một ấn phẩm đặc biệt cho thấy “đẳng cấp”, sự đam mê của người chơi sách. Không những thế, nhìn vào hiện tình xuất bản các ấn phẩm đặc biệt, cũng có thể nhận ra sự chạy đua, cạnh tranh giữa các đơn vị làm sách.

Sự tồn tại song song của ấn bản thường và ấn bản đặc biệt tách bạch sự đọc và “chơi” khá rõ. Người đọc thuần túy đa phần chỉ có nhu cầu tiếp cận các bản sách thường với giá rẻ hơn. Trong khi đó, người chơi sách phải nhanh tay và “chịu chi” để sở hữu bản đặc biệt dù có thể họ không đọc, hoặc đã đọc trước đó với ấn bản thường.

Tuy nhiên, dưới con mắt của một “tay chơi” sách, ngoài nội dung tác phẩm, họ còn tìm ra “nội dung của hình thức” cuốn sách. Cảm xúc khi cầm trên tay ấn bản đặc biệt là điều mà khách hàng thông thường không có được. Và hẳn rằng, trong cuộc đua tìm kiếm và xuất bản sách đẹp tiềm tàng những câu chuyện thú vị mà chỉ giới sành sỏi về sách mới có thể hình dung được. Với những chi tiết thủ công, đó còn là câu chuyện của những nghệ nhân gửi tâm huyết, sự say mê của mình vào từng ấn phẩm. Sách đẹp, ấn bản đặc biệt là một cuộc chơi văn hóa, nhưng nhìn vào đời sống của những tác phẩm văn chương trong hình hài đặc biệt, dễ thấy đó sẽ là mặt hàng đáng để đầu tư.

Sách đẹp, bản đặc biệt hoàn toàn là câu chuyện về hình thức, nhưng đó là hình thức mang thông điệp. Từ đọc sách đến chơi sách và cảm nhận được thông điệp từ hình thức của sách là quá trình mở rộng nội hàm của sự đọc. Phải nói rằng, với dòng sách đặc biệt, bạn đọc có được trải nghiệm mới mẻ, sinh động hơn.

Lê Phong

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/sach/972965/sach-dep-de-choi-hay-de-doc