Sách của GS Hồ Ngọc Đại bị loại: Trung tâm Công nghệ giáo dục kiến nghị lên Thủ tướng

Liên quan đến việc sách giáo khoa (SGK) Công nghệ giáo dục (CNGD) của GS Hồ Ngọc Đại bị loại từ vòng thẩm định, tập thể, cán bộ Trung tâm CNGD đã gửi kiến nghị tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng GD&ĐT.

Người đứng tên ký cả 2 lá đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT là PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào. PGS Hào từng là cán bộ đại diện Trung tâm CNGD và cựu Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học.

SGK Tiếng Việt 1-Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại.

SGK Tiếng Việt 1-Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại.

Cụ thể, trong đơn kiến nghị gửi Thủ tướng, tập thể, cán bộ Trung tâm CNGD cho biết, Bộ GD&ĐT đã tổ chức thẩm định SGK mới phục vụ cho công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, trong đó có sách tiếng Việt 1 và Toán 1 của Trung tâm CNGD, do GS Hồ Ngọc Đại chủ biên. Tuy nhiên, bộ sách đã bị đánh giá “không đạt” ngay từ vòng đầu, theo biên bản của Hội đồng thẩm định.

Kết quả thẩm định này làm cho cán bộ của trung tâm cùng nhiều giáo viên và phụ huynh ở 48 tỉnh, thành thắc mắc, bức xúc, thậm chí hoang mang.

Ý kiến của Hội đồng thẩm định chỉ là những đánh giá trên lý thuyết, theo các tiêu chí cứng nhắc, trong khi bộ sách CNGD đã được thẩm định nhiều lần và được kiểm chứng trong thực tiễn, được cuộc sống đón nhận.

“Cán bộ Trung tâm CNGD xin được bày tỏ sự bức xúc cũng như tâm huyết với sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nước nhà. Kính mong Thủ tướng quan tâm vì sự nghiệp chung” - đơn kiến nghị nêu.

Còn trong đơn kiến nghị gửi đến Bộ GD&ĐT, tập thể, cán bộ Trung tâm CNGD bày tỏ ý kiến không đồng tình với đánh giá của Hội đồng. Theo đó, bộ sách CNGD được hình thành và định hình trong quá trình nghiên cứu và thực nghiệm lâu dài (trên 40 năm) từ ý tưởng khoa học đến những quan điểm giáo dục có tính lý luận, triết lý - đã thành một phương án giáo dục mới ở tiểu học.

Đến nay, những quan điểm đó đã được áp dụng khá rộng rãi như quan điểm lấy học sinh là trung tâm, học sinh mỗi ngày đến trường là một ngày vui, đi học là hạnh phúc, học sinh học tập đảm bảo an toàn, đạt chất lượng cao.

Theo đơn kiến nghị, sách CNGD không sinh ra từ chương trình cải cách giáo dục lần thứ III, cũng không dựa vào chương trình đổi mới năm 2000.

Trong khi SGK chính thống đến nay phải qua 2 đợt cải cách, thì sách CNGD đã quan 3 lần thẩm định (1990, 2017, 2018) mà chưa phải cái cách lần nào, chỉ chỉnh sửa bổ sung, hoàn thiện để phát triển. Về bản chất, chương trình CNGD phù hợp với đường lối, quan điểm đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, cả về lý thuyết và thực tiễn.

Nhìn lại cả quá trình, đây là bộ sách mới, ngày càng được hoàn thiện theo những quan điểm giáo dục nhất quán và được kiểm nghiệm trong thực tiễn phù hợp với đường lối đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục trong giai đoạn hiện nay.

Bộ sách này không giống sách cải cách giáo dục được triển khai rộng rãi trên phạm vi cả nước năm 1981, không giống sách của chương trình tiểu học năm 2000 được triển khai rộng rãi năm 2002, mà góp phần tích cực làm lành mạnh và phát triển giáo dục tiểu học trong thập niên 90 của thế kỷ trước cũng như giai đoạn từ năm 2006 - 2007 đến nay.

Bộ sách này không phải bộ sách cần thay bằng bộ sách mới như sách cải cách hay sách của chương trình tiểu học năm 2000 mà là bộ sách mới được cuộc sống lựa chọn sử dụng.

“Sách Tiếng Việt và Toán CNGD đã được đánh giá, thẩm định nhiều lần, do đó không nên đánh giá SGK CNGD theo Thông tư và những chỉ báo mà Hội đồng thẩm định đang áp dụng” - tập thể, cá nhân Trung tâm kiến nghị.

Lưu Ly

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/sach-giao-khoa-cua-gs-ho-ngoc-dai-bi-loai-nguyen-lanh-dao-bo-gddt-ky-kien-nghi-gui-thu-tuong-353204.html