Sách của bậc vương quyền dát vàng và sách quý hơn vàng

Thời cổ đại, sách rất hiếm. Suốt thời trung cổ, các học giả lặn lội cả nghìn km chỉ để được đọc một bản của tác phẩm quan trọng.

Tập bản thảo và cuộn bản thảo

Sách hầu như cũng xưa như chính bản thân việc viết và sự ra đời của chúng đã đánh dấu bước ngoặt chuyển giao từ thời tiền sử, khi những câu chuyện của nhân loại chỉ được lưu truyền qua hình thức truyền miệng, sang thời hữu sử, mọi thứ được ghi chép lại để những thế hệ mai sau có thể đọc được.

Những cuốn sách đầu tiên được viết trên nhiều chất liệu đa dạng như đất sét, lụa, papyrus (làm từ sậy), da thú và giấy (loại làm từ vải vụn). Chúng được đóng thành sách theo nhiều cách khác nhau, thậm chí nhiều khi không hề được đóng.

Một trong những cuốn sách cổ nhất thế giới là chuyện về Gilgamesh của nền văn minh Sumer, thiên sử thi cổ xưa, được viết trên nhiều phiến đất sét từ 4.000 năm trước.

 Sách Kells được làm khoảng năm 800, trang trí lộng lẫy với những màu thắm rực và vàng lá tô điểm văn bản.

Sách Kells được làm khoảng năm 800, trang trí lộng lẫy với những màu thắm rực và vàng lá tô điểm văn bản.

Trước khi sách in xuất hiện vào thế kỷ 15, hầu hết sách đều thuộc dạng cuộn bản thảo hoặc tập bản thảo. Cuộn bản thảo là những mảnh papyrus, da thú hoặc giấy được nối liền nhau thành dải rồi cuộn lại.

Người Ai Cập cổ đại đã viết trên những cuộn papyrus từ ít nhất 4.600 năm trước. Tập bản thảo (codex, số nhiều codices) là những tờ papyrus, da thú hoặc giấy xếp chồng, gắn liền nhau ở một bên và đóng bìa cứng, có thể gấp mở để đọc - gần giống sách thời hiện đại, khác chăng là nội dung được chép tay.

Tập bản thảo đã có từ ít nhất 3.000 năm trước, nhưng chủ yếu phổ biến vào thời Cơ Đốc giáo lan rộng khắp châu Âu. Mỗi cuộn bản thảo hoặc tập bản thảo đều được chép tay ra với rất nhiều công sức, khiến chúng trở thành những vật phẩm quý hiếm.

Việc phải đầu tư thời gian và công sức khiến những người giàu có quyền thế mới có khả năng ủy nhiệm thực hiện chúng. Nhưng chính sự quý hiếm này cùng cách chúng lưu giữ chính xác câu chữ cho thế hệ mai sau đã mang lại cho những cuốn sách thời kỳ đầu một uy quyền gần như là mầu nhiệm.

Ví như những cuốn Tử thư Ai Cập được táng theo người đã khuất, cho phép họ mang theo mình những lời kinh chú có quyền năng dẫn lối cho họ ở thế giới bên kia.

Sách đã trở thành những phiến đá nền tảng để từ đó xây nên các tôn giáo lớn trên thế giới. Người ta dùng chúng để lưu lại các câu chuyện và tín ngưỡng cổ xưa.

Một số tác phẩm còn giúp những tín ngưỡng địa phương phát triển thành tôn giáo lớn bằng cách lan truyền rộng khắp lời tối thượng của nhà tiên tri hay hiền triết nào đấy, từ đời này sang đời khác.

Chúng nhân Cơ Đốc rao truyền lời Chúa Kitô bằng Kinh Thánh, người Do Thái nghiên cứu Kinh Torah, trong khi dân Hồi giáo làm theo lời răn trong Thiên Kinh Qur’an, với Hindu giáo là Mahābhārata, và Đạo giáo là Kinh Dịch.

Tất cả sách này vẫn tác động sâu sắc lên xã hội ngày nay, hàng nghìn năm sau khi chúng lần đầu được viết ra.

Kinh Qur'an xanh được làm khoảng năm 850-950 để dâng cho Đại thánh đường ở Kairouan, Tunisia. Những chữ dát vàng được viết theo kiểu chữ Kufic.

Đứng trên đôi vai tiền nhân nhờ sách

Trong thực tế, bản thân quá trình tốn nhiều tâm sức để chép tay ra một cuốn sách thường đã là một hành động mang tính tận hiến vì tôn giáo. Nhiều tu sĩ đã miệt mài làm việc để thực hiện những “bản thảo trang trí” đẹp đến lộng lẫy, như Phúc Âm của Henry Sư Tử hay Sách Kells.

Tuy nhiên, không chỉ có tôn giáo mới được hưởng lợi từ sức mạnh của sách. Sách chứa đựng trong chúng những tư tưởng và thông tin tích lũy qua bao đời, để mỗi thế hệ có thể đứng trên đôi vai của tiền nhân, tiếp nối công cuộc mở mang dần kho tàng tri thức nhân loại.

Một đoạn bản thảo trong Mahābhārata niên đại khoảng 1670, khắc họa trận chiến giữa Ghatotkacha và Karna.

Như Ibn Sīnā đã kết hợp kiến thức y học của cá nhân ông với kiến thức của những người đi trước để soạn nên Y điển, cuốn sách giáo khoa chuẩn mực cho giới thầy thuốc.

Tuy vậy, số lượng bản sao của từng đầu sách rất ít ỏi, cho nên những thư viện sưu tập được chúng, như đại thư viện Hy Lạp ở thành Alexandria thuộc Ai Cập ngày nay hay các thư viện của thế giới Hồi giáo, đều trở thành những trung tâm học thuật lớn.

Suốt thời trung cổ, các học giả nhiều khi lặn lội nghìn dặm đường xa chỉ để được đọc một bản hiếm của một tác phẩm quan trọng.

Trích "Những cuốn sách thay đổi lịch sử"

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/sach-cua-bac-vuong-quyen-dat-vang-va-sach-quy-hon-vang-post1091626.html