Sách, chữ ký và thông điệp

Trong chương trình họp mặt truyền thống nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Báo Quân đội nhân dân (QĐND) ra số đầu tiên-Ngày truyền thống của báo (20-10-1950 / 20-10-2020), khu vực phía Nam, tổ chức tại TP Hồ Chí Minh ngày 10-10 vừa qua, có một chi tiết rất cảm động khiến nhiều đại biểu rưng rưng nước mắt!

Chị Lê Thị Hương, con gái của nhà báo, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Lê Đình Dư, nguyên phóng viên chiến trường của Báo QĐND, đã trao tặng tòa soạn kỷ vật quý của cha mình. Đó là cuốn sách “Chiến đấu ở thung lũng I-a-đơ-răng”, do Nhà xuất bản QĐND phát hành năm 1967, giấy đã ố vàng, sờn mép. Cuốn sách là tập hợp ký sự chiến trường, do tác giả Hồ Thừa (bút danh của nhà báo Lê Đình Dư) thực hiện trong khoảng thời gian ông bám theo các đơn vị chiến đấu ác liệt tại chiến trường Ia Đrăng năm 1965.

Cuốn sách rất quý, nhưng bạn đọc nếu muốn, vẫn có thể tìm thấy ở nhiều nơi, trong đó có Thư viện Quân đội và lưu chiểu ở nhà xuất bản. Giá trị đặc trưng, đặc biệt của cuốn sách nằm ở lưu bút và chữ ký của tác giả và người được tặng sách. Cuốn sách được nhà báo Lê Đình Dư tặng đồng đội ở cùng tòa soạn, đó là nhà báo Ngọc Tú, với lời đề ngay trên trang đầu “Thân tặng anh Ngọc Tú”. 32 năm sau, vào tháng 10 năm 1999, nhà báo Ngọc Tú đã trao lại cuốn sách tặng vợ và con của liệt sĩ Lê Đình Dư, với dòng chữ nắn nót, cảm động ở đầu trang kế tiếp: “Cô Kim và cháu Hương! Xin gửi đến cô và cháu bản ký sự để gia đình giữ thêm một kỷ niệm của Lê Đình Dư”.

Câu chuyện cảm động trên chứa đựng những thông điệp văn hóa, nhân văn sâu sắc. Bên cạnh tình đồng đội thiêng liêng của những nhà báo chiến sĩ, công chúng có thêm cơ hội cảm thấu giá trị của sách và văn hóa đọc trong đời sống đồng bào, chiến sĩ thế hệ đã đi qua chiến tranh. Người ta trân quý sách như một báu vật. Giấy rách vẫn giữ lấy lề. Càng trân quý hơn, khi cuốn sách ấy là quà tặng, có chữ ký và dòng lưu bút gửi gắm tình cảm của tác giả.

Trong thời đại internet, khi công chúng có rất nhiều cách chọn lựa sản phẩm và hình thức đọc, chúng ta vẫn bắt gặp những nét đẹp nhân văn. Nhiều người vì yêu sách, trân trọng tác giả nên sau khi mua sách, đã liên hệ với tác giả xin chữ ký, ghi lưu bút như một cách để lưu giữ những kỷ niệm đẹp. Giá trị của cuốn sách được nâng lên gấp bội lần khi có chữ ký, lưu bút của tác giả.

Đọc sách, mua sách, tặng sách, ứng xử với sách..., là thể hiện tầm văn hóa và tư chất của con người. Hằng ngày, bạn có thể đọc thông tin từ internet, nhưng sau vài thao tác bấm, miết ngón tay, nhấp chuột... mọi thứ có vẻ như sẽ trôi tuột đi. Nhưng 10 năm, 20 năm sau, đến thế hệ con, cháu, chắt... của bạn vẫn có thể biết bạn đã đọc gì, có thể tự hào về tầm văn hóa và tư chất con người bạn, nếu bạn đang có những cuốn sách yêu thích trên giá.

Cũng nhờ những tấm lòng, việc làm tuy nhỏ, rất đỗi bình dị mà cao quý ấy nên Phòng truyền thống Báo QĐND từ nay có thêm một cuốn sách quý, một kỷ vật vô giá, làm đầy thêm trang sử hào hùng để các thế hệ nhà báo chiến sĩ hôm nay và mai sau thụ hưởng trong niềm tự hào to lớn.

Văn hóa là những gì còn lại sau khi những thứ khác đã mất đi. Muốn để lại cho đời cái gì đó, hãy bắt đầu bằng những việc làm ý nghĩa từ hôm nay...

PHAN TÙNG SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/sach-chu-ky-va-thong-diep-640980