'Sách cho ta sự tự do trong tâm trí'

GS Phan Văn Trường nói sách mang cho ta hai điều là tự do trong tâm trí và sự vĩnh hằng; khi mở trang sách, có thể hiểu biết về những bộ óc vĩ đại hàng trăm, nghìn năm trước.

Trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày sách Việt Nam lần thứ 8, tọa đàm “Sách và tôi” do NXB Trẻ tổ chức tại đường sách TP.HCM sáng 20/4. Lấy cảm hứng từ tác phẩm Cuốn sách và tôi của Vương Hồng Sển, tọa đàm nói về ý nghĩa của sách, chia sẻ những tác phẩm ý nghĩa với bản thân.

Các diễn giả tọa đàm, GS Phan Văn Trường, ông Lê Hoàng - Giám đốc công ty Đường sách TP.HCM, diễn giả Nguyễn Phi Vân, là những người đã sống với sách, làm việc với sách, coi sách là người thầy, người bạn.

 Các diễn giả tại tòa đàm, từ trái qua: Ông Lê Hoàng, GS Phan Văn Trường, doanh nhân Nguyễn Phi Vân, MC Phương Huyền. Ảnh: Minh Thừa.

Các diễn giả tại tòa đàm, từ trái qua: Ông Lê Hoàng, GS Phan Văn Trường, doanh nhân Nguyễn Phi Vân, MC Phương Huyền. Ảnh: Minh Thừa.

Sách tạo nên nhân loại

GS Phan Văn Trường là một người Việt đi khắp thế giới, làm việc ở nhiều nền văn hóa khác nhau. Ông đúc kết lại cho chúng ta những câu chuyện toàn cầu trong bộ sách Một đời kết tinh.

Về ý nghĩa của sách, GS Phan Văn Trường nói: “Sách là tất cả. Sách tạo nên một chất keo giữa chúng ta với nhau, nó tạo nên nhân loại. Sách, âm nhạc, triết lý, nghệ thuật ẩm thực, nghệ thuật sống… nếu không có những thứ ấy, nhân loại này rất buồn”.

Ông cho rằng sách mang cả nhân loại đến với mỗi cá nhân. Xã hội quanh ta đa dạng, có 7 tỷ người là 7 tỷ tâm hồn, ta không thể khám phá hết được. Nhưng qua sách, ta có thể hiểu được những điểm giống nhau của con người bên cạnh những điểm riêng biệt.

“Sách làm cho ta ấm lòng, bởi qua sách giúp ta biết về những người xung quanh, biết mình thuộc một tập thể nhân loại, một tập thể văn minh mà chúng ta nên tự hào”, .

GS Phan Văn Trường nói sách cho ta hai thứ: “Thứ nhất, sách cho ta tự do, khi có sách trong tay, ta có sự tự do vô hạn. Thứ hai, đời người tác giả, độc giả đều hữu hạn, nhưng cuốn sách mang lại cho mình sự vĩnh hằng”.

Ông giải thích, chỉ cuốn sách mới cho ta sự mê man tưởng tượng, bay nhảy, cho ta sống nhiều cuộc đời khác nhau, nhiều cuộc phiêu lưu khác nhau. Khi mở trang sách ra, ta có thể biết được những bộ óc, tư tưởng vĩ đại hàng trăm, hàng nghìn năm trước. Tư tưởng, quan điểm của họ, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đó chính là sự vĩnh hằng mà sách mang lại.

Ngày nay, bạn trẻ thường đi tìm một lý do, trả lời cho câu hỏi tại sao cần đọc sách. Diễn giả Nguyễn Phi Vân nói người thành công trên thế giới đều đọc sách, họ đều muốn chia sẻ những cuốn sách giúp người ta vượt qua khó khăn trong hành trình cuộc sống. Điều đó đã đủ thuyết phục để ta đọc.

“Nếu không có những cuốn sách về chính trị, văn hóa nghệ thuật mà tôi đã đọc thì không có Phi Vân ngày hôm nay”, diễn giả nói.

Bàn về ý nghĩa của việc đọc, GS Phan Văn Trường nói với ông, sách hơn bất cứ phương tiện nào khác, là gốc, cho ta hiểu ngọn nguồn mọi vấn đề. Đọc sách khác với đọc trên mạng bởi trên mạng có cả kiến thức sâu sắc, có cả sự “tào lao”.

Tuy vậy, diễn giả Phi Vân cho rằng sách ngày nay không thể chỉ dừng lại ở trang giấy. “Đã đến lúc tất cả chúng ta nên coi sách ở góc độ nội dung, để người thụ hưởng văn hóa đọc có thể chạm được tới nội dung một cách mới mẻ, hữu ích”.

Nhờ tiến bộ của Internet, công nghệ, sách hiện nay được thể hiện ở nhiều phương tiện: Sách giấy, ebook, audio book, sách tương tác…

Tuy vậy, ông Lê Hoàng - Giám đốc công ty Đường sách TP.HCM - lưu ý dù có ở phương tiện nào, sách vẫn là những kiến thức chuẩn: “Những thông tin trên mạng cũng có thể cho ta kiến thức, bởi vậy chúng ta nói ‘Dân ta phải biết sử ta, cái gì chưa biết thì tra Google’, nhưng đó là thông tin, muốn biến chúng thành kiến thức, chuẩn nhất nên tra sách”.

GS Phan Văn Trường tại chương trình. Ảnh: Minh Thừa.

Sách vở hiện nay phong phú vô cùng

Là giám đốc NXB Trẻ trong 10 năm, hiện là Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc công ty Đường sách TP.HCM, ông Lê Hoàng là người có lợi thế quan sát thị trường sách.

Về thị trường sách nói chung và sự biến chuyển văn hóa đọc hiện nay, ông Lê Hoàng nói: “Tôi làm trong ngành sách 30 năm, 30 năm qua sách đã phát triển cả về số lượng, đề tài, nội dung. Số đầu sách hiện nay lên tới 37.000 đầu sách mới trong một năm. Nền xuất bản của chúng ta hiện nay vô cùng phong phú”.

Xuất bản phẩm trong nước cập nhật rất nhanh so với nền xuất bản thế giới, có những cuốn phát hành ngay sau khi bản tiếng Anh, tiếng Pháp ra mắt. Năng lực tổ chức bản thảo, xuất bản phẩm của chúng ta hiện nay cũng ở hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á.

Về đề tài, nội dung, nếu những năm 1990, một cuốn sách viết cho vạn người đọc, bây giờ có những cuốn sách viết chỉ có trăm người đọc. Điều đó chứng tỏ ngành sách đã có sự đa dạng, phong phú.

Ông Lê Hoàng ví sản lượng sách như hình tháp, trên tháp có những cuốn chuyên biệt, nghiên cứu sâu chỉ có trăm người đọc, còn ở dưới đáy tam giác thì số lượng lớn vô cùng. Thị trường cũng có những cuốn có lượng phát hành hàng trăm nghìn bản như sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh in 100 nghìn cuốn, Muôn kiếp nhân sinh 200 nghìn cuốn, Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu hơn 300 nghìn cuốn.

“Việc cá thể hóa của nền xuất bản rất cao. Xuất bản cũng thỏa mãn nhu cầu đa dạng của công chúng”, ông Lê Hoàng nói.

Về thị trường, ông Lê Hoàng cho rằng thị trường sách ngày nay cũng tiến bộ nhưng tốc độ phát triển không nhanh như sự tăng tốc của số lượng xuất bản phẩm. Nhờ công nghệ, thị trường sách thương mại điện tử có nhiều điểm lợi khi nhanh chóng đưa sách đến người mua mọi nơi.

Tần Tần

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/sach-cho-ta-su-tu-do-trong-tam-tri-post1206383.html