'Sách chất đầy một gác, mà dại ngu hãy còn'

Có quá nhiều trường học dạy con người ta thành công, giàu có; nhưng dường như không có nơi nào dạy con người ta sống thú vị. Và, con người ta chỉ có thể tìm thấy điều đó từ những trang sách cùng chính sự trải nghiệm hiểu biết của mình.

1. "Tỉnh nhỏ/ Cô em/ Nằm xem/ Kiếm hiệp"…; là mấy câu thơ nổi danh của thi sĩ Yến Lan được trích trong bài Lại về tỉnh nhỏ.

Chỉ bằng vài câu ngắn, gần như là cụt lủn, thế mà Yến Lan đã vẽ lại được cái không khí tỉnh lẻ một thời buồn hiu hắt, với những cử điệu chậm rãi gần như là bất động, chỉ có trang sách kiếm hiệp là nhào lộn, sinh tình.

Thời bao cấp ở quê tôi, ngoài món khoai lang khô nấu đường đen là đặc sản về mặt vật chất thì truyện kiếm hiệp của Kim Dung là đặc sản về tinh thần. Mặc dù chỉ được ăn khoai lang nhưng dường thanh niên làng tôi vẫn chưa bao giờ ngừng say sưa kiếm hiệp, đêm đêm cứ đèn dầu hì hà hì hục công phu luyện chưởng.

Nhưng không hiểu sao ở cái thời cả nước say cuồng kiếm hiệp thì tôi lại rất ơ hờ. Nói đúng ra là tôi có đọc nhưng không thể vào. Sau này, tôi ngẫm ra, cái sự đọc ấy là tùy gu, trước là gu, sau mới bàn nông sâu, hay dở.

Như vậy, tôi vốn bẩm sinh không mê văn chương của Tàu lắm, nhất là văn chương đương đại, bởi tính chất luận đề thường rất đậm đặc. Truyện chưởng Kim Dung cũng rất ơ hờ. Nhưng đọc thơ của Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị… thì cảm khoái; lật giở sách lịch sử, triết học thời Trung Hoa cổ thì mê mẩn, chìm đắm.

Trong mớ sách hỗn độn của gần ba mươi năm "trà trộn" Sài Gòn, tôi không nhớ cuốn Nam Hoa Kinh của Trang Tử rách… teng beng ấy mình đã nhặt được từ một hiệu sách cũ nào, ở năm tháng nào? Sách mất bìa, sứt gáy, chẳng biết là bản dịch của ai.

Mãi sau này, mới tra ra đó là bản của Thu Giang - Nguyễn Duy Cần dịch và bình chú (Khai Trí xuất bản năm 1963 tại Sài Gòn). Rồi năm 2002 mua được thêm một bản Nam Hoa Kinh (Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây & NXB Văn học; lời tựa, tổng luận và lời giải của Lâm Tây Trọng; bản dịch và lời bàn thêm của Nhượng Tống) thì mới hay là cuốn này đã từng in ở Nhà xuất bản Tân Việt (Hà Nội) từ năm 1944. Cuốn sách có tuổi đời lớn hơn cả tuổi cha tôi.

Nam Hoa Kinh của Trang Tử có lẽ lắm người thuộc. Tôi, vốn trí nhớ không tốt, nên đọc đoạn nào tâm đắc thì gập trang làm dấu. Tôi vẫn giữ thói quen gập trang sách làm dấu cho đến tận bây giờ, mặc dù sách bây giờ cuốn nào cũng có bookmark (cái làm dấu sách), nhưng tôi nghĩ bookmark là làm dấu để đọc tới, chứ không phải để đọc lùi.

Những ngày này giở lại sách cũ, tôi lại thong thả đọc lùi. Thấy dấu ở trang có bài Cây núi được miết thật mạnh, hằn dấu thời gian.

"Thầy Trang đi ở trong núi, thấy cây lớn cành lá tươi tốt. Kẻ chặt gỗ đứng bên nó mà không lấy. Hỏi: cớ sao? Thưa rằng: không dùng gì được cả. Thầy Trang nói:

- Cây này vì bất tài, được hưởng trọn tuổi trời.

Thầy Trang ở núi ra, trọ ở nhà người quen. Người quen mừng rỡ, sai thằng nhỏ giết mòng để nấu ăn. Thằng nhỏ thưa: "Một con biết gáy, một con không biết gáy, thưa giết con nào?". Chủ nhân bảo: "Giết con không biết gáy".

Ngày mai học trò hỏi thầy Trang: "Hôm qua cây trong núi, vì bất tài mà sống trọn tuổi trời của nó. Nay con mòng của chủ nhân, chết vì bất tài. Thầy sẽ ở vào đâu? Thầy Trang cười rằng:

- Chu này sẽ ở vào giữa khoảng tài và bất tài…".

Ở vào khoảng giữa tài và bất tài là khoảng nào? Là biết. Theo Nhượng Tống thì chuyện cây núi này tựu trung có thể tóm gọn trong một câu tục ngữ Việt Nam: "Khôn cũng chết! Dại cũng chết! Biết, sống!". Ngẫm đúng vậy. Nhưng biết, thế nào gọi là biết? Ngày nay nhiều người hay nói câu cửa miệng: "Biết chết liền".

Biết… chết liền, ở ngay cả những chuyện tưởng chừng biết rõ mười mươi. Tiếc thay, sách của Trang Tử vẫn liên tục tái bản, nhưng chưa thấy xuất hiện người bình mới thay cho nhà văn Nhượng Tống (1904 - 1949).

2. Đọc sách Tàu, nhiều người hay dẫn lời Khổng Tử. Tôi cũng mê Khổng Tử, nhưng đồng thời cũng thấy các triết gia thời Xuân Thu - Chiến Quốc mỗi người một sở kiến (kiến giải riêng, hiểu biết riêng). Cho nên đọc Khổng Tử thấy thích, mà đọc Mặc Tử, Mạnh Tử hay Lão Tử cũng đều mê.

Đọc "lom mom" nhiều, nhưng mấy năm nay nhờ có cuốn Lịch sử triết học Trung Quốc của sử gia lỗi lạc Phùng Hữu Lan (xuất bản đầu tiên năm 1931; bản dịch của Lê Anh Minh; Công ty Văn hóa Gia Vũ & NXB Khoa học xã hội 2006) mà đọc được hệ thống, đủ đầy.

Cũng theo dấu gấp, đọc lại, mà thấy tâm đắc những dòng này trong chương viết về Mặc Tử: "Khởi binh vào mùa đông thì sợ rét, vào mùa hè thì sợ nóng. Do đó phải tránh hai mùa ấy. Nếu khởi binh vào mùa xuân thì làm hại sự canh tác của dân, còn vào mùa thu thì làm hại thu hoạch của dân. Do đó phải tránh hai mùa ấy"…

Như vậy cả bốn mùa, không có mùa nào có thể khởi binh được. Mùa nào cũng có "cái lí" của nó, nhưng quy lại, việc không khởi binh là bởi thương lính và vì dân. Tránh việc khởi binh là tránh đau thương mất mát. Thời nào, nước nào mà cũng có trí thức nói những lời chí lí như thế thì hay biết chừng nào.

"Tôi, vốn là người nông cạn, lúc còn bé thích chứa sách, lúc trưởng thành ra làm quan, xem lại sách đã chứa trong tủ, vâng lời dạy lúc qua sân, lại được giao du nhiều với bậc hiền sĩ đại phu, thêm vào đấy, phụng mệnh làm việc công, bốn phương rong ruổi: mặt bắc sang sứ Trung Quốc, mặt tây bình định Ai Lao, mặt nam trấn thủ Thuận Quảng, đi đến đâu cũng để ý tìm tòi, phàm việc gì mắt thấy tai nghe, đều dùng bút ghi chép"…

Đó là những lời bộc bạch của Lê Quý Đôn (1726-1784), được chép ra vào thượng tuần tháng 5, năm Đinh Dậu, niên hiệu Cảnh Hưng (sách chú là năm Cảnh Hưng thứ 38 - 1777) Và tôi đọc được những dòng này không phải trên mạng mà là trong sách Kiến văn tiểu lục (của Lê Quý Đôn, do Nguyễn Trọng Điềm dịch; NXB Trẻ & NXB Hồng Bàng ấn hành 2013)

Đọc sách lúc nào cũng có cái thú vui, sự cảm khoái, mà những việc khác không bao giờ mang lại. Đó là thú chậm rãi thưởng thức; dù mình dốt cách mấy thì cũng được bảo ban ân cần.

Trong mấy lời khiêm cung của nhà bác học Lê Quý Đôn, tôi thấy có chỗ chưa hiểu, đó là "vâng lời dạy lúc qua sân", thì ngay trong sách đã có chú thích tường tận: "Dùng điển tích trong sách Luận ngữ, Khổng Tử thấy con là Bá Ngư đi qua sân, bảo về phải học Kinh Thi và Kinh Lễ. Lê Quý Đôn là con tiến sĩ Lê Trọng Thứ, cho nên ở đây ý nói là lời cha dạy bảo".

Như vậy, văn bản có nguyên tắc của văn bản cùng những bí ẩn thú vị của nó. Cũng đoạn này, đọc trong các sách khác, tôi thấy chỗ "vâng lời dạy lúc qua sân" được biên thành "vâng lời cha dạy bảo". Ứng biến vậy, để khỏi chú giải lôi thôi cũng không có gì là sai, nhưng sự thú vị hẳn đã sụt giảm đi nhiều.

Tôi vẫn nghĩ rằng, tiền nhân đã công phu chép sách, mình chỉ bỏ ra chút tiền mua sách về đọc để cho sáng láng cái đầu vốn "ngu lâu dốt dai khó đào tạo", mà mình còn lười nhác thì thật chẳng ra thể thống cống rãnh gì. Cho nên, khi có chút tiền dư tôi lại đi mua sách, mang về cất trong tủ, để mỗi khi rảnh rỗi lại lật giở lần hồi.

Cũng trong cuốn Kiến văn tiểu lục, tôi vô cùng tâm đắc đoạn này: "Thân thể một người, ví như hình tượng một nước: lồng ngực xếp đặt không khác gì cung nhà, vị trí chi thể không khác gì nơi biên cảnh, phân phối thành trăm chi tiết không khác gì trăm con sông, khoảng giữa thớ da thịt không khác gì bốn đường giao thông, tinh thần cũng như vua chúa, huyết mạch cũng như bầy tôi, khí mạch cũng như nhân dân. Cho nên bậc chí thánh biết giữ mình, cũng như vua hiền biết trị nước. Yêu nhân dân thì nước được bình trị, yêu khí mạch thì mình được hoàn toàn".

Kiến văn tiểu lục tức "ghi chép những điều nhỏ nhặt". Nhưng nghe được và chép được những lời như trên thì có là nhỏ nhặt không? Tôi nghĩ là không nhỏ nhặt chút nào. Hay đó chính là những chi tiết mà những người gánh vác việc dân việc nước nhất thiết phải áp dụng thực hành?

Lại nghe nói những người làm quan thời nay, bận bịu họp hành suốt mà không có thời gian đọc sách, đến tuổi hưu trí, tình cờ vớ được quyển sách quý, đọc mà lòng ân hận trào dâng: "Phải chi lúc đương thời mình hiểu được những điều hay lẽ phải này".

3. Tôi là người yêu thích sách vở, nhưng không thuộc loại "mọt sách", bởi trí nhớ kém nên không có năng khiếu "tầm chương trích cú", viện dẫn điển tích kim cổ Đông Tây. Mặc dù vậy, tôi nghĩ những vốn quý mà mình có được, chủ yếu là nhờ vào sách. Không có sách và không chịu khó đọc sách thì đầu óc mình còn u tối biết bao nhiêu.

Nhà bé như lỗ mũi
Một vợ với hai con
Sách chất đầy một gác
Mà dại ngu hãy còn

Đấy là mấy câu thơ tự trào của tôi về gia cảnh cũng như việc đọc sách.

Thật ra mà nói thì việc mà tôi thấy mình cần phải làm nhất, phải làm cho bằng được là khuyên nhủ con cái nên đọc sách. Làm người mà không đọc sách, không biết trọng tri thức, không trau dồi luân lý thì thành ra tầm thường.

Có quá nhiều trường học dạy con người ta thành công, giàu có; nhưng dường như không có nơi nào dạy con người ta sống thú vị. Và, con người ta chỉ có thể tìm thấy điều đó từ những trang sách cùng chính sự trải nghiệm hiểu biết của mình.

Trần Tuấn Khanh, thừa tướng đời nhà Tống, có bài thơ dạy con như vầy: "Hứng lai văn tự tam bôi tửu/ Lão khứ sinh nhai vạn quyển thư/ Di nhĩ tử tôn thanh bạch tại/ Bất tu hạ ốc đại cừ cừ" (Tạm dịch: Rượu ba chén ngâm nga khi hứng/ Sách vạn kho tiêu khiển tuổi già/ Để lại trắng trong cho cháu chắt/ Không cần nhà cửa phải nguy nga).

Thật ra thì việc đọc sách là việc của toàn xã hội. Nhân ngày xuân dịp tết, bàn chuyện đọc sách, cũng là mạo muội góp một cái nhìn riêng vào việc chung, chứ nào dám khoe cao thấp, sang hèn. Bởi sách cũng đã dạy rằng: "Quân tử nghĩ đến điều lợi là lợi chung cho mọi người, tiểu nhân nghĩ đến điều lợi là lợi riêng cho bản thân".

Sài Gòn, ngày cuối năm 2018.

Nhà văn Trần Nhã Thụy

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nhan-dam/sach-chat-day-mot-gac-ma-dai-ngu-hay-con-531256/