'Sạch, an toàn' cho căn tin trường học

Vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) tại các căn tin hay bếp ăn ở các trường học bán trú luôn được quan tâm. Dịp đầu năm học, công tác kiểm tra phải được tăng cường để phòng, tránh mọi nguy cơ có thể ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sức khỏe của học sinh.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (TP Long Xuyên, An Giang) Đặng Hoàng Nam cho biết: “Trường có 2 hình thức ăn, uống là: bếp ăn bán trú và căn tin. Để hoạt động tốt, cả 2 hình thức đều phải có sự quan tâm của trường. Theo đó, hàng năm nhà trường đều tổ chức cho các cô đi khám sức khỏe định kỳ, tập huấn kiến thức về ATTP.

Ngoài ra, ngay dịp đầu năm học, trường tổ chức ký hợp đồng lại với các cơ sở kinh doanh, cung cấp thực phẩm với điều kiện phải đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ, đặc biệt là phải đảm bảo tươi sống.

Trường Tiểu học Lê Quý Đôn thực hiện hình thức dạy học bán trú từ năm 2013 đến nay, vấn đề vệ sinh, kiểm tra nguồn gốc thức ăn của bếp ăn bán trú được trường quan tâm.

Hiện, học sinh bán trú của trường từ lớp 1- 3 là 720 em, đây là con số không nhỏ. Vì vậy, từ việc tiếp nhận, chế biến thức ăn đến người chế biến phải mặc đồ bảo hộ như: đeo găng tay, khẩu trang, đội nón… các dụng cụ chế biến phải đảm bảo vệ sinh, khử trùng sạch sẽ. Nhờ vậy, trường chưa xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm từ khi mở bếp ăn bán trú đến nay”.

Với tiêu chí “sạch – an toàn”, bếp ăn bán trú Trường Tiểu học Lê Quý Đôn khá ngăn nắp trong những ngày đầu hoạt động trở lại. Đảm bảo vệ sinh và chế biến đúng thực đơn theo chế độ dinh dưỡng được các đầu bếp ở đây chú trọng.

“Đội ngũ chế biến thức ăn của chúng tôi gồm 18 người. Tất cả đều có giấy khám sức khỏe và giấy tập huấn kiến thức ATVSTP. Mỗi tuần, chúng tôi đều tổ chức sinh hoạt, trao đổi kiến thức về cách chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh và đảm bảo dinh dưỡng cho học sinh. Các dụng cụ đựng, chế biến thức ăn đều rửa sạch mới mang phơi nắng. Đến khi cần chế biến thì rửa qua nước sạch một lần nữa” – cô Nguyễn Thị Yên Chi (Bếp trưởng Bếp ăn bán trú Trường Tiểu học Lê Quý Đôn) cho hay.

Theo đoàn kiểm tra liên ngành ATTP TP Long Xuyên, hầu hết các cơ sở kinh doanh căn tin trường học đều xuất trình giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, giấy chứng nhận khám sức khỏe định kỳ, giấy xác nhận kiến thức ATTP…

Song, một số cơ sở vẫn tồn tại các mặt hạn chế như: chưa xuất trình các hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nguyên liệu đầu vào hay không mở sổ theo dõi nguyên liệu thực phẩm đầu vào. Đây là sự chủ quan, thiếu sót không hề nhỏ của các chủ kinh doanh. Bởi, kinh doanh thức ăn thì việc chứng minh nguồn gốc nguyên liệu là vấn đề được đặt lên hàng đầu. Nếu sự cố xảy ra, cơ quan chức năng dễ dàng truy cứu trách nhiệm các bên liên đới.

Bánh tráng trộn là món “khoái khẩu” của giới học sinh, nhưng có không ít căn tin trường học treo bán không có nhãn mác, nguồn gốc nguyên liệu rõ ràng. Hầu như, món ăn này chỉ được đựng trong chiếc bọc ny-lon cẩu thả, kèm theo tờ giấy nhỏ để ngày sản xuất và hạn sử dụng mờ nhạt.

Theo khuyến cáo của các thành viên đoàn kiểm tra liên ngành TP, các căn tin trường học không nên bán loại thực phẩm khi không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc của loại thực phẩm đó. Vậy nên, bên cạnh việc vào cuộc của ngành chức năng thì vai trò nhà trường cũng cần phải được chú trọng, nhằm đảm bảo ATTP ở các căn tin nhà trường. Quan trọng nhất vẫn là ý thức của các chủ kinh doanh.

(Nguồn http://baoangiang.com.vn)

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/doi-song/sach-an-toan-cho-can-tin-truong-hoc_t114c1159n139172