Sắc Xuân Tây Nguyên qua lễ hội đua voi

Mùa Xuân đến, miền đất Tây Nguyên tưng bừng mùa lễ hội, bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên có dịp 'phô diễn' đầy đủ và ấn tượng. Về Tây Nguyên vào những ngày Xuân, du khách không chỉ được nghe tiếng chim hót líu lo trong những cánh rừng hoa nở ngát hương, lắng nghe điệu 'hòa tấu' - suối reo giữa đại ngàn, mà còn được sống với những ngày lễ hội đua voi độc đáo của đồng bào Ê Đê, M'Nông…

Những chú voi “chiến” sẵn sàng cuộc đua. Ảnh: XH

Mùa Xuân đến, núi rừng Tây Nguyên lúc này từng đàn ong rừng kéo nhau đi tìm mật, đàn kiến thì lũ lượt đi tìm mồi, cây cỏ đâm chồi nảy lộc. Còn trong các buôn làng, người dân Tây Nguyên: Ê Đê, M’Nông, Cờ Ho, Mạ… tất bật chuẩn bị lên nương, lên rẫy bắt đầu mùa vụ mới.

Nhằm cầu mong một mùa màng bội thu, lúa, ngô, khoai, sắn đầy nhà, mang lại ấm no cho buôn làng. Người dân các tỉnh Tây Nguyên nói chung, Đăk Lăk nói riêng cùng nhau tổ chức nhiều nghi lễ truyền thống như: Lễ cầu an, lễ cúng nương rẫy, lễ hội đâm trâu..., trong đó, lễ hội đua voi độc đáo và thu hút nhiều người nhất.

Theo già làng Y Lốp Niê, ở buôn Lăk, Đăk Lăk - quê hương Anh hùng Núp (thủ phủ của loài voi) thì mỗi năm, vào dịp mùa Xuân, nơi đây đều diễn ra lễ hội đua voi và được nhiều người đánh giá là độc đáo bậc nhất Việt Nam. Lễ hội đua voi với ý nghĩa tôn vinh vẻ đẹp sức mạnh vùng đất đại ngàn, tôn vinh những nét văn hóa đặc sắc của người dân Tây Nguyên. “Từ xa xưa, voi là một loài vật quý, gần gũi, gắn bó với người dân Tây Nguyên, voi không những được thuần dưỡng để lấy sức kéo, chở hàng hóa mà còn được người dân Tây Nguyên xem như những người bạn hay thành viên trong mỗi gia đình” - già làng Y Lốp Niê thổ lộ.

Cuộc rượt đuổi ngoạn mục trong lễ hội đua voi. Ảnh: XH

Còn già làng H’Đăm Niê tại huyện Buôn Đôn, Đăk Lăk, nói về nghi thức lễ hội đua voi, cho biết: Vào mùa hội đua voi, ngay sáng sớm đoàn người từ các buôn làng Tây Nguyên cùng già làng đến bến nước để làm lễ cúng, nhằm cảm tạ thần nước đã đem lại may mắn trong năm cũ và cầu cho mưa thuận gió hòa trong năm mới. Cúng xong, mọi người sẽ lấy nước đựng trong quả bầu khô, bỏ vào gùi mang về nhà để lấy phước cho năm mới. Sau đó, mọi người tập trung về ngôi nhà sàn cộng đồng để cùng ăn thịt, uống rượu cần, ca hát và nhảy múa với âm vang cồng chiêng rộn rã.

Già làng H’Đăm Niê cho biết thêm, để voi luôn khỏe mạnh và chạy đua tốt, già làng sẽ thực hiện lễ cúng sức khỏe cho voi. Lễ vật là 3 ché rượu cần, một con heo và một bầu nước. Lễ xong, mọi người ca hát, nhảy múa hân hoan để bắt đầu cuộc thi voi với những tiếng cồng chiêng thúc giục, dồn vang. Theo đó, lễ hội đua voi thường được chọn tổ chức ở vị trí bãi đất trống bằng phẳng của buôn làng, những con voi to lớn đứng giàn thành hàng ngang từ 5 đến 10 con, trên lưng là 2 chàng quản tượng có nhiệm vụ điều khiển voi. Sau hiệu lệnh một hồi tù và ngân lên, đàn voi với sức mạnh phóng nhanh về phía trước, nghe rầm rập cả đất trời. Tiếng cồng chiêng thúc giục, hòa với tiếng vỗ tay, la hét cổ vũ của du khách, không khí lễ hội náo nhiệt hân hoan.

Những chàng quản tượng người Ê Đê, M’Nông trong trang phục rực rỡ của dân tộc mình ngồi trên lưng voi. Người cầm gậy ngồi trước thì điều khiển sao cho voi chạy thẳng đường, người ngồi sau thì cầm búa gỗ quất vào mông voi, thúc voi tăng tốc thật nhanh để băng băng về đích. Những cuộc đua voi luôn rất sôi động và lôi cuốn người dân các buôn làng, du khách nhiều địa phương.

Voi về đích. Ảnh: XH

Cùng không khí ngày hội đua voi, trai gái ở khắp các buôn làng Tây Nguyên diện những trang phục truyền thống, độc đáo đến cổ vũ náo nhiệt. Tiếng chiêng, tiếng trống gióng lên làm cho đàn voi như được tiếp thêm sức mạnh. Cũng vào tháng 3, xen kẽ với lễ hội đua voi là những lễ hội truyền thống của buôn làng Tây Nguyên như lễ cúng bến nước, lễ cúng cơm mới, lễ đâm trâu… Những lễ hội này tạo thành một dòng chảy văn hóa nối tiếp đa đạng, phong phú đầy đủ những sắc màu rực rỡ.

Xuân Tây Nguyên với những cung bậc cảm xúc dâng trào, ngoài hòa mình trong các lễ hội, du khách còn thưởng thức những món ăn lạ, hấp dẫn của người Tây Nguyên như: Cơm lam, canh bồi, thịt hong khói, canh măng rừng nấu cá suối… Đến Tây Nguyên vào mùa Xuân, du khách còn bắt gặp những chàng trai cởi trần đóng khố, khỏe mạnh, vạm vỡ cùng các cô sơn nữ thướt tha trong bộ váy thổ cẩm sặc sỡ, múa hát những vũ điệu Tây Nguyên. Tất cả hòa quyện vào nhau, tạo nên sắc Xuân Tây Nguyên đầm ấm, chan chứa tình người, tình đất, đậm đà và làm phong phú thêm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Xuân Hướng

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/van-hoa-giai-tri/su-kien/sac-xuan-tay-nguyen-qua-le-hoi-dua-voi_t114c1152n144535