Sắc Xuân nơi cuối trời Tây Bắc

Đến hẹn lại lên, khi những ngày đông ảm đạm buốt giá qua đi, trên những sườn đá khô cằn, nứt nẻ, bạc thếch với thời gian, những mầm sống đang cựa mình, muôn hoa khoe sắc báo hiệu một mùa Xuân mới tươi vui đã về trên khắp rẻo cao các xã biên giới của huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Đồng bào dân tộc La Hủ nơi đây vừa đón một cái Tết ấm cúng, no đủ, sum vầy.

Xem gan lợn để đoán vận may mắn đầu năm là nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân tộc La Hủ. Ảnh: Kim Nhượng

Xem gan lợn để đoán vận may mắn đầu năm là nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân tộc La Hủ. Ảnh: Kim Nhượng

Những ngày này, có mặt tại các bản làng của người dân tộc La Hủ tại xã Tá Bạ và xã Pa Vệ Sử, huyện Mường Tè, chúng tôi dễ dàng cảm nhận được không khí rộng ràng của những ngày đầu Xuân. Những cành hoa đào, hoa mận, hoa mơ đua nhau đâm chồi, nẩy lộc. Tết của người La Hủ mang đậm bản sắc riêng, phong phú không kém các dân tộc khác trên mọi miền đất nước.

Chia sẻ về nét những nét đẹp cùng sự độc đáo trong ngày Tết của dân tộc mình, ông Lò Gió Hừ, Trưởng bản Pó Nhé, xã Tá Bạ, huyện Mường Tè cho biết: “Người La Hủ có hệ lịch riêng gồm 13 con giáp. Tết cổ truyền của đồng bào La Hủ rơi vào ngày 25 đến ngày 28 tháng 12 dương lịch, nhưng chúng tôi không ăn Tết một ngày cố định mà trong tháng chọn ngày đẹp để ăn Tết ứng với tuổi của từng gia chủ. Bà con kiêng ăn Tết vào những ngày con khỉ, hổ, chó, rắn và ngày người thân qua đời. Theo truyền thống từ ngày xưa, người La Hủ tổ chức đón Tết cả tháng, tuần này là bản này, tuần sau là bản kia để người ta đến thăm hỏi nhau và chúc sức khỏe nhau. Mỗi lần đến thăm nhau, chúng tôi đều có quà tặng nhau”.

Đồng bào La Hủ cũng có cách đón Tết rất độc đáo. Trước Tết, người phụ nữ trong gia đình tất bật lên rừng tìm củi khô về dự trữ, đảm bảo đủ củi lửa cho cả gia đình dùng trong những ngày Tết và chỉ người phụ nữ mới được lên những cánh rừng được dân bản quy định. Nhà cửa, ngõ bản được nhà nhà dọn dẹp sạch sẽ, tinh tươm.

Bà Ly Mò Lu, ở bản Pò Nhé, xã Pa Vệ Sử cho biết: “Gia đình nào cũng thế, anh em đến thăm, chúc Tết nhau thì cùng uống rượu và chúc nhau, chúc cho gia đình con cháu mạnh khỏe. Khi về thì chủ nhà lại có quà Tết gửi về cho người ở nhà”.

Trước Tết, người La Hủ cũng tổ chức gói bánh chưng. Khi bánh chín, chủ nhà tặng cho các cháu nhỏ cầm đi chơi Tết. Theo quan niệm của đồng bào, trẻ em cầm bánh chưng đi chơi đầu năm thể hiện sự no đủ và sung túc cho cả 1 năm. Ngày Tết của đồng bào La Hủ còn có thêm bánh dày, được làm bằng gạo nếp nương, được ngâm với nước ấm, sau đó đem đồ chín. Bánh có thể ăn luôn hoặc để khô, sau đó rán ăn.

Bà Ly Mò Lu cho biết thêm: “Tết đến, nhà nào trong bản cũng mổ lợn, dù giàu hay nghèo thì mỗi nhà đều mổ một con lợn để xem gan”. Theo người La Hủ, lợn là con vật gần gũi nên xem gan đầu năm sẽ biết được vận hạn của gia đình, hàng xóm trong năm mới.

Người La Hủ rất yêu thích văn nghệ, chơi và nghe các loại nhạc cụ như món ăn tinh thần không thể thiếu được trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Vì thế, đồng bào đã chế tác được nhiều loại nhạc cụ riêng của dân tộc mình như: sáo, đàn tre, đàn đơ-đờ đơ, đàn ta- tò-ta... Bên cạnh đó, bà con cũng sáng tác nhiều bài hát, mang làn điệu dân ca riêng của dân tộc mình để hát trong những ngày lễ, Tết, những ngày sản xuất cho vơi đi nỗi mệt nhọc.

Lễ cúng tổ tiên đầu năm mới được người La Hủ thực hiện vào giờ tốt của buổi sáng. Chủ gia đình sẽ đem bát cơm đầu tiên của nồi cơm mới đem bỏ vào một cái mẹt bê đến giữa giường của mình thường ngủ và cúng, cầu mong ông bà, tổ tiên phù hộ độ trì cho năm mới sức khỏe dồi dào, mùa màng bội thu. Cúng tổ tiên thì cầu mong năm mới nuôi gia súc cho đầy đàn, trồng trọt, chăn nuôi cái gì cũng mới lên, phát triển lên.

Sau lễ cúng tổ tiên, các gia đình trong dòng họ bắt đầu đến thăm nhau, chúc năm mới may mắn, nhiều sức khỏe. Mâm cơm mừng năm mới được gia chủ mang ra mời khách, mọi người cùng chung vui, giành cho nhau những tình cảm, lời chúc tốt đẹp tràn trề như chén rượu đầy và cùng hòa vào điệu xòe cổ truyền của dân tộc.

Bà Lỳ Mò Lu, bản Pò Nhé, xã Pa Vệ Sử làm bánh dày chuẩn bị cho ngày Tết. Ảnh: Kim Nhượng

Người dân tộc La Hủ, ở xã Pa Ủ, Pa Vệ Sủ, Tá Bạ, huyện Mường Tè, vốn được biết đến với tên gọi dân tộc “ Lá Vàng” hay “ Khù sung” sống du canh, du cư trong những cánh rừng sâu, hẻo lánh, tách biệt với thế giới bên ngoài. Giữa chốn rừng thiêng nước độc, thiếu thốn đủ bề, người dân tộc La Hủ phải đối diện với bệnh tật, đói ăn và nguy cơ suy thoái về giống nòi. Nhưng sau nhiều năm, với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, BĐBP, hiện nay, dân tộc La Hủ đang hồi sinh mạnh mẽ.

Với chủ trương thu hẹp khoảng cách giữa miền núi và miền xuôi, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đầu tư, xây dựng hệ thống điện, đường, trường, trạm, cũng như triển khai, thực hiện các chương trình và đề án hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ổn định đời sống, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững. Chính quyền địa phương và BĐBP Lai Châu đã xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, “cầm tay chỉ việc” để bà con dân tộc thiểu số làm theo. Điển hình như tại xã Pa Ủ, xã Tá Pạ, BĐBP Lai Châu đã giúp người dân nơi đây trồng lúa nước và từ khi được đổi đời, người La Hủ nơi đây coi như một giấc mơ trong chuyện “cổ tích”.

Năm 2020, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Ủ, BĐBP Lai Châu cũng đã giúp người dân cày đất, khoanh thửa gần 1ha, mua gần 400m ống để dẫn nước từ suối về, hỗ trợ giống, phân bón, cử cán bộ có chuyên môn hướng dẫn đồng bào từ việc cày, cuốc đến làm đất, gieo hạt, chăm sóc và thu hoạch. Đời sống của người dân tộc La Hủ đã dần đổi thay, bản sắc văn hóa được giữ gìn, hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.

Kim Nhượng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/sac-xuan-noi-cuoi-troi-tay-bac-post437450.html