Sắc thu ảo diệu Canada

(ĐTTCO) - Mùa thu là mùa cao điểm du lịch của Canada, khi cả đất nước được nhuộm đỏ những màu sắc ảo diệu của những hàng cây lá phong, là thời điểm có thời tiết lạnh nhẹ thích hợp cho các hoạt động ngoài trời và dã ngoại, là mùa di cư của những đàn cá hồi khổng hồ.

Đến Canada vào trời thu là dịp để du khách có dịp tìm hiểu sâu hơn về chiếc lá phong có vẻ đẹp vi diệu, là biểu tượng của đất nước này cùng những sản phẩm đặc biệt được điều chế từ đó mà ra. Bình thường lá phong có màu xanh lục, nhưng vào dịp thu đến vào tháng 9 - 10 sẽ đồng loạt chuyển sang màu đỏ. Không chỉ riêng cây lá phong, ước tính có đến 11 loài cây chuyển màu làm nên mùa thu của xứ Bắc Mỹ.

Vương quốc của lá phong

Ottawa là thủ đô và cũng là thành phố lớn thứ tư của Canada, lớn thứ nhì của bang Ontario. Ottawa nằm trong thung lũng sông Ottawa phía bờ Đông của bang Ontario, cách Toronto 400km về phía Đông Bắc và Montreál 190km về phía Tây. Dân số những người nói tiếng Pháp tại Ottawa rất đáng kể, và theo chính sách của Chính phủ tất cả các dịch vụ chủ yếu đều dùng song ngữ Anh và Pháp.

Đến Canada điều đầu tiên đập vào mắt là những lá quốc kỳ, có hình của một một lá phong đỏ cách điệu với 11 đầu nhọn trên nền trắng nằm giữa 2 vạch kẻ đỏ. Đây cũng là quốc kỳ duy nhất trên thế giới có chiều dài gấp đôi chiều ngang. Lá phong được sử dụng làm biểu tượng của Canada kể từ năm 1700, nó xuất hiện ở hầu hết những gì gọi là chính thống quốc gia và trang nghiêm như tiền tệ, quốc huy, quốc kỳ, bia mộ quân sự…

Thủ đô vào thu đẹp ngỡ ngàng của những cung đường thẳng tắp hàng cây vàng đỏ, lối đi trên phố phủ dày đám lá khô làm cho bất kỳ du khách nào đã đến đều phải thích thú không rời. Đồi Parliament hay tòa nhà Quốc hội là cơ quan lập pháp của Canada, có lối kiến trúc giống tháp đồng hồ BigBang ở Anh. Trong khuôn viên không có cây ngoài những bãi cỏ xanh, nhưng đường vào tòa Quốc hội là những hàng cây đổi màu làm cho du khách dừng chân phải xao xuyến.

Một địa điểm trải nghiệm mùa thu đẹp ngỡ ngàng ở Thủ đô Ottawa chính là Dinh Toàn quyền Rideau Hall. Về danh nghĩa, Canada vẫn là lãnh thổ thuộc quyền cai trị của Nữ hoàng Anh (như ở Australia, New Zealand).

Vì vậy người đứng đầu quốc gia này là Nữ hoàng với vị đại diện được gọi là Toàn quyền (Governor General), tòa nhà có tên Rideau Hall chính là nơi làm việc của Toàn quyền và cũng là nơi tiếp các đoàn khách danh dự. Một cơ quan Chính phủ nhưng du khách có thể tự do đi lại trong khuôn viên của Dinh đài với rừng cây rất đẹp, bạn có thể thả hồn trên những chiếc băng ghế gỗ, ngắm những chú sóc chạy tung tăng trên đám lá khô tìm thức ăn, và cảm nhận mùa thu tràn ngập trong từng hơi thở và ánh nhìn.

Du khách có thể ngồi thong dong ngắm cảnh thu trên du thuyền dọc kênh đào Rideau. Kênh đào Rideau được xây dựng vào đầu thế kỷ thứ 19, có chiều dài 202km, kéo dài từ Thủ đô Ottawa đến cảng Kingston trên hồ Ontario ở phía Nam. Người Anh xây dựng nó với mục đích ban đầu là để phục vụ quân sự, nhằm kiểm soát khu vực, bảo vệ thuộc địa chống lại Mỹ. Rideau là một trong những con kênh đầu tiên trên thế giới được xây dựng để phục vụ cho tàu hơi nước qua lại. Hiện nay, cấu trúc, công sự của kênh đào này vẫn được bảo tồn nguyên vẹn và nó vẫn được sử dụng cho mục đích đi lại.

Cảnh thu tuyệt sắc trên thắng cảnh vạn đảo

Đến Canada dịp mùa thu mà không đến tham quan thắng cảnh vạn đảo (Thousand Islands) thì quả là một chiêm ngưỡng cảnh thu chưa trọn vẹn ở Vương quốc lá phong. Thousand Islands (Ngàn hòn đảo) là tên gọi một quần đảo nằm trong hồ Ontario, chạy dài từ thành phố Kingston suốt 80km cho đến đầu nguồn con sông Saint Lawrence. Hồ Ontario nằm giữa hai nước Mỹ và Canada, nên những hòn đảo này một số thuộc về Canada, một số thuộc về nước Mỹ.

Gọi là ngàn hòn đảo cho gọn, thật ra có tất cả 1.864 đảo. Đảo lớn nhất có diện tích 100km2, đảo nhỏ nhất chỉ bằng một mảnh sân đủ xây một ngôi nhà nhỏ, hoặc chỉ đủ cho vài ngọn cây mọc lên! Nhìn những hòn đảo này, du khách Việt Nam sẽ liên tưởng đến những cù lao trên dòng Cửu Long ở miền Tây Nam bộ, nhưng không đến nỗi bé tí xíu như ở đây. Song để được gọi là đảo phải có ba tiêu chuẩn.

Thứ nhất phải nổi trên mặt nước quanh năm, thứ hai có diện tích lớn hơn 1m2 và thứ ba có thể chịu được một cây lớn mọc trên diện tích đó. Những tiêu chuẩn đề ra nghe có vẻ rất tếu, nhưng đúng là tôi đã nhìn thấy một hòn đảo vừa vặn cho một cây mọc trên đó, có hòn đảo chỉ đủ chỗ xây dựng vài ngôi nhà nhỏ.

Hầu hết cây cối trên những tròn đảo này đều chuyển màu thành vàng rực rỡ, nên khi đi du thuyền du khách sẽ được ngắm cảnh sắc tuyệt đẹp của cây và lá phản chiếu trên mặt hồ phẳng lặng. Do là đường biên giới hai quốc gia, nên nếu trên hòn đảo cắm cờ của nước nào thuộc chủ quyền của nước đó.

Nổi bật nhất có lẽ là câu chuyện và vẻ đẹp của hòn đảo tình yêu có hình trái tim, nơi có tòa dinh thự mà du khách có thể trả tiền để trải nghiệm qua đêm trên hòn đảo thơ mộng mang tên là Heart Island. Hòn đảo này có một tòa lâu đài rất đẹp gắn liền với câu chuyện tình của một nhà tỷ phú Mỹ đối với người vợ của mình, mối tình chung thủy như trong chuyện cổ tích.

Đó là vào năm 1900, nhà tỷ phú George Boldt, chủ nhân của Khách sạn Waldorf Astoria sang trọng bậc nhất ở thành phố New York, mua Đảo Trái tim và xây dựng một tòa lâu đài cực kỳ tráng lệ trên đảo làm quà tặng cho vợ mình là bà Louise Boldt. Trong khi tòa lâu đài chưa xây xong, năm 1904 bà Louise Boldt qua đời sau một cơn đột quỵ tim, thọ 42 tuổi.

Quá đau buồn, ông George Boldt ra lệnh bỏ dở việc xây dựng tòa lâu đài và sống độc thân với 2 người con cho đến khi mất vào tuổi 65. Tòa lâu đài bị bỏ hoang phế suốt 73 năm trời, mặc cho gió mưa băng tuyết tàn phá theo thời gian. Năm 1977, Cơ quan quản lý mua lại Đảo Trái tim và bỏ ra 43 triệu USD để trùng tu tòa lâu đài. Tòa lâu đài có tất cả 120 phòng, ngoài ra còn có bến đậu cho chiếc du thuyền lộng lẫy mang tên bà Louise.

Những sản phẩm độc đáo từ cây lá phong

Không chỉ mang tới cho Canada một vẻ đẹp tinh tế, bầu không khí trong lành, cây phong còn đóng một vai trò quan trọng trong đời sống thương mại và văn hóa của người dân nước này. Cây phong cung cấp cho người dân ở đây một nguồn gỗ quý với độ chắc chắn, màu sắc trang nhã.

Cây phong ở đây lại hào phóng chia sẻ với con người cả thứ nhựa ngọt ngào của nó, thứ nhựa này thường được biết đến với tên gọi “nước của cây phong” (tiếng Pháp: eau de l’erable). Chỉ khi mùa xuân đến, cây phong sẽ đẩy loại nhựa ngọt dịu (có chứa từ 2-3% đường) từ rễ lên để tiếp thêm sức sống cho cây, chuẩn bị cho một mùa hoa lá mới.

Từ thế kỷ 16, những bộ tộc thổ dân bản địa đã phát hiện “nước của cây phong” là một thứ quà quý giá, giúp cuộc sống của họ trở nên ngọt ngào và mạnh khỏe hơn rất nhiều. Bao năm tháng đã trôi qua, những cây phong vẫn tiếp tục san sẻ nhựa ngọt của mình với con người, giúp Canada trở thành đất nước xuất khẩu siro từ nhựa phong lớn nhất thế giới.

Đến Canada du khách sẽ bắt gặp trong các cửa hàng lưu niệm nhiều chai thủy tinh có hình chiếc lá phong với nhiều kích cỡ khác nhau, đó chính là siro lá phong, màu càng đậm tức vị sẽ ngọt hơn và đậm đặc hơn. Một số sản phẩm khác có nguồn gốc từ chiếc lá phong như bơ phong được sản xuất bằng cách đun sôi siro lá phong lên đến 11o rồi làm lạnh xuống 52oC, sau đó khuấy đều cho đặc sệt. Thông thường khoảng 3,7 lít siro lá phong đặc chế ra được 3kg bơ phong. Người ta thường dùng để phết lên ăn chung với bánh mì thay vì các loại mứt trái cây. Từ siro lá phong người ta còn dùng để làm bánh, sản xuất bia và nước giải khát.

Mùa ngược dòng của những đàn cá hồi

Dòng đời tự nhiên của những chiếc lá phong đổi màu và rụng xuống, được sánh ngang với dòng tuần hoàn của loài cá hồi bơi ngược dòng để rồi bỏ mạng sau khi đẻ trứng. Đến Canana tại Vancouver vào những ngày tháng 10, du khách sẽ được chứng kiến cảnh những con cá hồi to lớn nhảy ngược dòng về với thượng nguồn.

Từ ngàn xưa, ở miền Tây Bắc nước Mỹ và Canada, cá hồi đẻ trứng trên thượng nguồn những dòng sông, khe suối vào mùa thu. Tới mùa xuân, trứng nở thành cá con. Chúng lớn dần và xuôi dòng nước ra biển cả. Tới cửa biển, một con cá hồi đã có kích thước khoảng 12-15 cm và có màu bạc hay có sọc.

Bây giờ những chàng thiếu niên, những nàng thiếu nữ cá hồi phải tập thích ứng với môi trường nước mặn và bắt đầu một cuộc sống giang hồ lang bạt khắp vùng vịnh biển Alaska, Vancouver trong thời gian từ 7 – 8 năm. Trong thời gian này, chúng ăn cá con, tôm, mực... để lớn dần. Khi tiếng gọi của quê hương vang lên âm ỉ trong lòng, những chàng và nàng cá hồi sẽ quay trở lại đúng nơi đã được sinh ra. Lúc này chúng có thể nặng từ 1-10kg, hay cá biệt có con có thể nặng tới 50kg. Chuyến đi về nguồn có thể dài từ 200-2.500 cây số tùy chủng loại và hành trình có thể lên đến 4 năm.

Cảnh tượng vượt vũ môn độc đáo đó du khách có thể tận mắt chứng kiến tại trang trại Capilano (Capilano Salmon Hatchery), là một trang trại nuôi cá được thành lập vào năm 1971 để lưu trữ loài cá hồi đang giảm mạnh trên sông Capilano. Tại đây du khách có dịp chứng kiến chu kỳ sống hấp dẫn và khá bi thảm của loài cá hồi, cách lấy trứng cá hồi và các nguyên tắc môi trường cũng như đánh bắt hợp lý để tránh ảnh hưởng sâu đến hệ sinh thái cá hồi. Tùy thuộc vào thời gian trong năm mà khi du lịch đến đây bạn sẽ có thể nhìn thấy cá hồi di cư và đẻ trứng, những con nào chưa trưởng thành sẽ được đưa trở lại xuống sông.

Mùa thu quả thực đã làm nên một vương quốc lá phong tuyệt vời với cảnh sắc và nhiều hiện tượng tự nhiên đầy ngoạn mục. Nếu được đắm mình vào sắc thu ở Canada một lần, chắc chắn bạn sẽ không bao giờ quên.

PHẠM HOÀN KHẢI (Youtube: Fahoka Xê Dịch)

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/du-lich/sac-thu-ao-dieu-canada-74051.html