Sắc màu văn hóa Quảng Ninh qua những lễ hội đầu năm

Quảng Ninh có trên 600 di tích, danh lam có gắn với các điểm thờ tự như đình, đền, chùa, miếu... Ngay từ sau Tết Nguyên đán, các di tích này đều mở hội để chào đón du khách. Các lễ hội đầu năm lớn nhất của Quảng Ninh, hoạt động lễ và hội diễn ra sôi động, thu hút hàng vạn du khách phải kể đến Yên Tử, Cửa Ông, Ngọa Vân, Bạch Đằng, Quỳnh Lâm, Ba Vàng, Cái Bầu, đền Sinh, đền Xã Tắc, Tiên Công…

Du khách du xuân chùa Ba Vàng. Ảnh: Tuân Cao

Du khách du xuân chùa Ba Vàng. Ảnh: Tuân Cao

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, việc này xuất phát từ nhu cầu du xuân đầu năm của người dân, họ cho phép bản thân mình và gia đình có chuyến đi chơi đầu tiên trong năm mới, thưởng thức các hoạt động văn hóa để thư thái tinh thần, sẵn sàng bước vào công việc, thực hiện các mục tiêu trong năm của mỗi người. Bên cạnh đó, người dân du xuân còn là để gửi gắm những đức tin, khát vọng, mong mỏi thầm kín của mình vào đất trời, vào các vị thần linh tối cao mà mình tin tưởng để cầu chúc một năm mới mọi việc hanh thông, sức khỏe tráng kiện, gia đình yên ấm…

Nhiều người am hiểu văn hóa tin rằng, ở vùng đất địa đầu Tổ quốc Quảng Ninh, nơi địa thế đất đai vốn phức tạp, trên rừng núi, dưới biển khơi, nhiều bề giáp ranh quốc gia khác; nơi nhiều vùng dân cư quần tụ từ nhiều vùng quê khác nhau đến cùng sinh sống… thì khát vọng chinh phục tự nhiên, bảo toàn lãnh thổ càng lớn hơn nhiều so với các vùng đất thuần nông khác. Đây cũng là nguyên nhân để người dân thông qua các lễ hội đền chùa đầu năm để gửi các nguyện ước của mình, khiến cho du xuân đầu năm trở thành nhu cầu tất yếu của mỗi người Quảng Ninh.

Những lý do đó khiến Quảng Ninh trở thành vùng đất của lễ hội đầu xuân. Quả thực ai đã ở Quảng Ninh, đến Quảng Ninh vào dịp đầu năm mới không lạ khi thấy dọc từ Đông Triều cho tới Móng Cái, từ vùng biển Cô Tô xa xôi đến các vùng núi cao Bình Liêu, Ba Chẽ, nơi đâu cũng có những lễ hội đầu xuân đặc sắc. Mỗi lễ hội một vẻ, một màu sắc riêng, nhưng nét chung là thật tưng bừng, thật khác lạ, khiến vùng đất, con người Quảng Ninh đẹp lên mỗi ngày, thân thiện, hào khí, sẵn sàng hội nhập và phát triển.

Chùa Đồng Yên Tử mùng 3 Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Núi rừng Yên Tử nhìn từ trên cao.

Trong lịch sử, Quảng Ninh là phần quê hương máu thịt của nhà Trần, nơi sinh ra và nuôi dưỡng không ít những người con nhà Trần tài giỏi, hào khí, trở thành vĩ nhân của dân tộc, làm rạng rỡ, giàu mạnh thời đại nhà Trần cũng như toàn quốc gia cho đến tận bây giờ. Vì vậy, ở Quảng Ninh, các lễ hội xuân mang dấu ấn văn hóa nhà Trần rất đậm nét. Và người dân đi lễ hội cũng là để tưởng nhớ, tri ân ông cha mình.

Mang trong mình niềm tự hào lớn lao đó, những người con Quảng Ninh cũng như du khách thập phương luôn tưởng nhớ công ơn các vị tiền bối, tìm về các đền, chùa thờ phụng các vĩ nhân nhà Trần để dự hội du xuân.

Có thể kể đến một Yên Tử, vùng đất vua Trần Nhân Tông tu hành đắc đạo; Ngọa Vân, nơi vua Trần Nhân Tông hóa Phật; đền An Sinh thờ 8 vị vua nhà Trần; cụm di tích Bạch Đằng, nơi ghi dấu ấn chiến thắng vang dội lịch sử của tướng quân Trần Quốc Tuấn bên dòng Bạch Đằng giang; đền Cửa Ông thờ vị tướng tài nhà Trần là Trần Quốc Tảng; chùa Quỳnh Lâm, ngôi chùa phát tích từ thời nhà Trần và được mệnh danh Đệ nhất danh lam cổ tự…

Cũng xuất phát từ lòng thành kính biết ơn các vị tiền bối, người dân vùng đảo Hà Nam nhiều đời nay đã hình thành, gìn giữ và phát huy lễ hội Tiên Công nhằm tạ ơn 17 vị tổ tiên của mình, những người đầu tiên đến khai hoang lập ấp, tạo thành vùng dân cư trù phú ngày nay. Đây cũng là lễ hội có tục rước người độc đáo nhất toàn quốc.

Để chuẩn bị cho lễ hội này, ngay sau 3 ngày Tết Nguyên đán đầu tiên, những gia đình vùng tứ xã nay là tứ phường Cẩm La, Phong Cốc, Phong Hải và Yên Đông có người già thọ đủ 80, 90, 100 tuổi (gọi là cụ Thượng) đã làm lễ ra cỗ họ. Hiểu như lễ báo cáo tổ tiên dòng họ trước khi rước các cụ thượng ra miếu Tiên Công làm lễ tạ ơn đất trời, tạ ơn 17 vị tiên công của làng.

Trong khung cảnh đông đủ con cháu, các mâm lễ vật nhiều màu sắc và phường nhạc bát âm rộn rã, các cụ thượng nằm võng hoa để đến miếu Tiên Công, thành kính gửi những lời tri ân tâm huyết đến tổ tiên. Thường mỗi lễ hội Tiên Công hàng năm có hàng chục cụ Thượng được rước như thế, hàng chục ngàn con cháu, người dân và du khách tham gia hội, khiến cho khung cảnh làng quê nông nghiệp ven sông này thật tưng bừng rộn rã.

Đối với Quảng Ninh, cùng với truyền thống tưởng nhớ tổ tiên, các vị cha ông, nét văn hóa tín ngưỡng của người dân miền biển rất đặc sắc. Họ, những người dân sống gần biển, làm việc trên biển, nguồn sống phụ thuộc nhiều vào mẹ biển… cũng chính là những người có ý thức gìn giữ tín ngưỡng, tổ chức các hoạt động lễ và hội đầu năm rõ nét nhất. Các ngôi đền, chùa thiêng đối với cư dân vùng biển Quảng Ninh như đền Cửa Ông, đền Bà Men, chùa Cái Bầu, đền Quan Lạn, đình Trà Cổ…

Rước cụ Thượng ở lễ hội Tiên Công. Ảnh: Ngô Đình Dũng

Đền Cửa Ông thờ vị tướng nhà Trần là Trần Quốc Tảng và phối thờ một số vị thần khác. Tương truyền đây là ngôi đền thiêng nhất của cư dân vùng biển, những người làm nghề biển, đặc biệt là vận tải biển và các tàu khai thác lớn, trước chuyến xuất biển đầu tiên trong năm đều muốn làm lễ tại đền. Có lẽ bởi vậy nên Cửa Ông cũng là di tích chính thức mở cửa đền, mở hội xuân sớm của tỉnh, vào mùng 2 Tết Nguyên đán hàng năm.

Trảy hội đầu năm đã mang sắc màu văn hóa riêng của người dân Quảng Ninh. Không đơn thuần chỉ là hoạt động du xuân, vui chơi, giải trí mà ở đó còn chất chứa tình cảm, sự tri ân thành tâm của thế hệ người dân Quảng Ninh hôm nay gửi đến cha ông. Những người con Quảng Ninh hiện đại mang những ước vọng và niềm tin cháy bỏng vào một mùa xuân mới tươi đẹp, chinh phục tự nhiên, vượt qua thử thách, đưa Quảng Ninh phát triển mạnh mẽ.

Việt Hoa

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/202001/sac-mau-van-hoa-quang-ninh-qua-nhung-le-hoi-dau-nam-2469185/