Sắc màu tháng 7

Những ngày cuối tháng 7, tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội có nhiều triển lãm thú vị, trong đó có triển lãm ảnh nude và nhiều triển lãm mỹ thuật của các họa sĩ ở nhiều thế hệ khác nhau.

Tác phẩm “Lá” của họa sĩ Tào Linh.

Vẻ đẹp từ… tuổi tác

Sau khi ra mắt tập thơ “Ta còn em”, nhà thơ Phan Vũ quyết định mở phòng tranh “Em ơi, Hà Nội phố” khi ở tuổi 93. Đây được xem là một sự bất ngờ với công chúng, vì lâu nay người ta thấy ông thường cặm cụi viết, vẽ tại nhà riêng ở quận 9.

Triển lãm mở cửa từ ngày 21 đến 28/7 tại Gallery Bình Minh (145/38C Nguyễn Thiện Thuật, Q.3, TP HCM), giới thiệu 25 tranh sơn dầu được Phan Vũ sáng tác trong thời gian gần đây, trong đó có loạt tranh 15 bức cùng chủ đề “Em ơi, Hà Nội phố” lần đầu tiên ra mắt công chúng.

Đó là những bức tranh ông vẽ về những hoài niệm với Hà Nội, nơi đã gắn liền tuổi thơ và những ký ức của một chàng thi sĩ si tình. Để rồi trong những ngày bom đạn của chiến tranh, chàng trai đó vẫn bật ra những vần thơ hay trong trường ca “Em ơi, Hà Nội phố”.

Còn tại Hà Nội, chiều nay (22/7) điêu khắc gia Lê Công Thành khai mạc triển lãm mang tên “3 . 3 . 3” tại Heritage Space (28 Trần Bình, Hà Nội). Tên gọi “3 . 3 . 3” xuất phát từ con số 9. Số 9 đối với nhà điêu khắc Lê Công Thành là một mệnh đề tuyệt đối của sự tồn tại, một con số biểu đạt sự toàn vẹn cao nhất của các ý niệm tinh thần. 9 bức tượng được phóng lớn và biến thiên từ 3 mẫu phác thảo, sắp đặt trong không gian triển lãm theo cung tròn với trung tâm là tác phẩm cao nhất (4.5m), cao độ lần lượt được giảm xuống 3m6, 2m7 và 1m8.

Số lượng 9 vật thể điêu khắc trong triển lãm, là sự diễn giải về số học (3 lần 3), kích thước các chiều của điêu khắc đều nằm trong bội số của 3 và 9, là một ý đồ được chọn lựa từ đầu. Về mặt ý niệm, nó biểu đạt sự chưa toàn vẹn, và khao khát sự toàn vẹn nằm trong con người nghệ sĩ.

Một cuộc hội tụ sắc màu khác cũng đáng chú ý, đó là triển lãm “Gang of Five - Lạc bước Tân kỳ” diễn ra tại Trung tâm nghệ thuật đương đại The Factory (TP HCM), giới thiệu 40 tác phẩm hội họa cùng những tư liệu của 5 họa sĩ gạo cội miền Bắc trong nhóm Gang of Five là: Hồng Việt Dũng, Hà Trí Hiếu, Đặng Xuân Hòa, Trần Lương và Phạm Quang Vinh.

Triển lãm giới thiệu gần 40 tác phẩm hội họa và đa dạng tư liệu lịch sử sống động. Không chỉ giới thiệu về Gang of Five với công chúng TP HCM và nhìn nhận lại vị trí của nhóm trong giai đoạn mỹ thuật Việt Nam sau Đổi mới, mà còn cung cấp cơ hội để người xem tham quan và nghiên cứu khung cảnh nghệ thuật giai đoạn nhiều chuyển biến của nghệ thuật nước nhà.

Tác phẩm “Đường nét tạo hóa” của Đỗ Thùy Mai.

Người trẻ đi tìm mình

Đồng hành cùng những thế hệ họa sĩ, điêu khắc gia cao niên là những cá tính hội họa trẻ. Họ cùng đi trên con đường chung, có tên là mỹ thuật, nhưng lại tìm cho mình những lối rẽ riêng.

Đó là triển lãm “Miền nhiệt đới” tại không gian Vicas Art Studio (32 Hào Nam, Hà Nội), mở cửa tới 17-8. “Miền nhiệt đới” trưng bày 39 bức tranh của 5 họa sĩ: Nguyễn Thanh Hải, Phạm Sinh, Tào Linh, Lưu Vũ Long và Nguyễn Mạnh Quỳnh.

Trong đó, xem tranh của Tào Linh người ta thấy sự hòa quyện giữa một bên là cách tạo hình đầy chất suy tư, gợi mở; bên kia là những sắc màu nhẹ nhàng, tinh tế. Còn Nguyễn Mạnh Quỳnh lại trình ra một “miền nhiệt đới” của nội tâm với 8 bức tranh trừu tượng. Đó là sự biểu hiện - trừu tượng về tình yêu, tình bạn, về thiện ác...

Trong khi đó, nếu dành thời gian tới Trung tâm nghệ thuật đương đại Vincom (72A Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội), công chúng lại có dịp xem triển lãm “Những đôi cánh”, giới thiệu vẻ đẹp và tinh thần của nghệ thuật gấp giấy Nhật Bản Origami. Thông qua 52 tác phẩm của ba nghệ sĩ Lê Đức Thọ (25 tuổi), Nguyễn Linh Sơn (31 tuổi) và Lê Tuấn Tài (21 tuổi)- “Những đôi cánh” không chỉ phản chiếu sắc màu văn hóa Nhật Bản mà còn khơi gợi trí tưởng tượng và chắp cánh cho sự sáng tạo.

Các tác phẩm được giới thiệu tại triển lãm “Những đôi cánh” tái hiện thế giới thần thoại độc đáo của các loài động vật như ngựa một sừng, rồng, điểu sư… minh chứng cho khả năng sáng tạo vô hạn mà Origami có thể đem lại. Điểm đặc biệt là tất cả các mô hình Origami đều được được mang một đôi cánh - biểu tượng cho sự sáng tạo, bay bổng và tư tưởng nghệ thuật khoáng đạt.

Trong đó, nổi bật nhất là mô hình ngựa thần khổng lồ có chiều cao 3m được các nghệ sĩ hoàn thiện trong vòng 10 ngày ngay tại triển lãm. Video về toàn bộ quá trình thực hiện tác phẩm khổng lồ trên cũng sẽ được dàn dựng và công chiếu vào ngày 5-8 dưới dạng timelapse (video tua nhanh).

Và không thể không nhắc tới cuộc sum họp của nhóm 11 họa sĩ thuộc thế hệ 7x và 8x: Lê Thế Anh, Duy Hòa, Nguyễn Minh, Đặng Hữu, Dương Tuấn, Nguyễn Mạnh Hùng, Bùi Hoàng Dương, Khổng Đỗ Duy, Chu Viết Cường, Nguyễn Minh và Nguyễn Huân trong triển lãm với chủ đề “Đa diện” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội).

Theo họa sĩ Lê Thiết Cương, nghệ thuật là một hành trình đầy nhọc nhằn, khó có thể nói con đường ấy bắt đầu từ đâu và kết thúc ở đâu. Nhưng làm nghệ thuật thì khác với nghề khác ở chỗ: Người ta thấy hạnh phúc trong nỗi nhọc nhằn ấy, thậm chí trong thất bại ấy vì nghệ thuật là sáng tạo, là nghi hoặc, là phiêu lưu, tìm tòi, trăn trở, là “mất ngủ”…

Đó là những phẩm chất người cho nên nghệ thuật là người cũng vì lẽ đó. Sống là tìm. Vẽ là tìm, không phải là tìm gì, tìm ai mà là tìm mình. Trong đại dương nghệ thuật mênh mông này, người ta phải tìm ra khuôn mặt của mình. “Nghệ thuật có nhiều diện để người ta soi vào. Diện vừa là chủ thể vừa là khách thể. Mỗi người một diện mạo nên không ai có thể tìm hộ mình, mỗi người phải tự tìm ra cái chìa khóa để mở cánh cửa diện mạo của mình”- họa sĩ Lê Thiết Cương nhấn mạnh.

52 bức ảnh nude nghệ thuật ra mắt công chúng

Triển lãm “Ảnh nude nghệ thuật” do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm thực hiện (mở cửa từ ngày 20 đến 27-7), tại Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm Mỹ thuật, Nhiếp ảnh (29 Hàng Bài, Hà Nội) đang được nhiều người quan tâm bởi đây được xem là triển lãm ảnh nude nghệ thuật đầu tiên tại Hà Nội.

Có 52 tác phẩm trưng bày tại triển lãm. Các tác phẩm đều được tuyển chọn từ tác phẩm của 10 nhiếp ảnh gia: Thái Phiên, Dương Quốc Định, Nguyễn Dzũng Art, Đào Đức Hiếu, Phó Bá Cường, Nguyễn Á, Lê Quang Châu... Đây đều là những nghệ sĩ đam mê, dành nhiều tâm huyết, sáng tạo cho thể loại ảnh nude nghệ thuật.

Tác phẩm trong triển lãm thể hiện cá tính nghệ thuật, hiệu quả thị giác, không gian, ánh sáng ấn tượng làm nổi bật lên vẻ đẹp hình thể mà tạo hóa ban tặng cho người phụ nữ.

Cao Minh Ngọc

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/sac-mau-thang-7-tintuc410658