Sắc màu nhà Pháp ở Huế

Sau biến cố thất thủ kinh đô năm 1885, người Pháp chính thức vào Huế. Những khu phố mới của người Pháp dần dần mọc lên, sau này thành 'nhà Tây' - theo cách gọi dân gian. Chúng không những không xâm phạm vẻ đẹp của tổng thể Huế mà dường như còn 'trau chuốt' thêm nét sắc sảo của cố đô.

Nhà Pháp “Đại chủng viện” Huế

Nhà Pháp “Đại chủng viện” Huế

Phong cách kiến trúc mới lạ

Ban đầu phong cách kiến trúc nhà Pháp hơi cục mịch, nặng nề gồm có các đồn lính, công sở, bệnh viện. Đến chục năm sau, mới có sự cải cách để đẹp hơn, thanh lịch hơn, gồm có khách sạn, ngân khố, thư viện, biệt thự, trường học. Cố đô Huế dần dần hình thành hai trường phái kiến trúc Đông Tây kim cổ, lấy sông Hương làm địa giới. Tuy nhiên sự đổi mới của kiến trúc phương Tây lại phù hợp với cảnh quan thiên nhiên, dòng sông Hương, An Cựu, Gia Hội. Cuối cùng chúng đã làm nên “bài thơ đô thị” - cách gọi của KTS Hoàng Đạo Kính trân trọng dành cho Huế.

Khi xây dựng các tòa nhà tầng đầu tiên dọc bờ Nam sông Hương, người Pháp đã có chủ ý, làm lùi lại, khuất sau những cây xanh, thảm cỏ ven sông. Đến năm 1951- 1952, thành phố Huế được chia làm 2 phần rõ rệt. Phú thương và tầng lớp trung lưu người Việt sống ở khu thương mại phía Bắc sông Hương và trong thành nội. Bên kia bờ Nam sông Hương dành cho những quan lại, công chức triều Nguyễn và người Pháp. Do vậy các cơ sở quan trọng của bộ máy hành chính, y tế, giáo dục bắt đầu mọc lên gồm có bưu điện, ngân khố, bệnh viện và các trường học. Dù đã mang phong vị “phố Tây”, song hai bên đường lại trồng các loài cây “thuộc địa” là phượng vĩ, dừa, đoác, mù u, me, xà cừ rất thơ mộng. Nổi tiếng nhất vì chiếm một khu đất vàng là khách sạn mang tên chủ nhân - Morin, một loại deparment store giống như ở Paris, Pháp. Ở đây bán đầy đủ áo quần, thực phẩm, đồ chơi, nhập về từ Pháp, rất đắt tiền. Ngoài ra còn có một rạp chiếu phim, vào rạp khán giả phải trèo lên vài bậc tam cấp, đi qua một hành lang chừng 30 mét trước khi đến cửa. Nơi đây đã đón tiếp hầu hết các ông hoàng bà chúa quý phái, các vị mệnh quan quyền lực nhất Đông Dương. Ngay cả ông hoàng Charlie Chaplin (danh hài Charlot) bay sang thăm Huế cũng ở tại đây. Thế mới biết hồi đó khách sạn Morin danh tiếng như thế nào.

Nhà cổ kiểu Pháp của một ông hoàng triều Nguyễn

Một biệt thự Pháp kiểu mẫu trên đường Lý Thường Kiệt

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/sac-mau-nha-phap-o-hue-3761257-b.html