Sắc màu mới của sân khấu kịch nói

Liên hoan kịch nói toàn quốc 2018 đang diễn ra tại TP Hồ Chí Minh. Với 17 trong số 27 vở được công diễn tại Nhà hát quân đội và các sân khấu kịch trong thành phố, có thể khẳng định sự tham gia đông đảo của các đoàn kịch tư nhân, xã hội hóa, đã mang đến sức sống mới cho liên hoan.

Cảnh trong vở Yêu là thoát tội tham dự Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2018.

Buổi diễn vở Hiu hiu gió bấc (tác giả Như Trúc, đạo diễn Minh Nhật) tại nhà hát Trần Hữu Trang đã không còn một chỗ trống. Nhiều ghế phụ được bổ sung để phục vụ khán giả đến quá đông. Dựa trên truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, Hiu hiu gió bấc là câu chuyện tình éo le của những người sống ở nơi miền Tây sông nước. Vở diễn có sự kết hợp hài hòa giữa những nghệ sĩ tên tuổi như NSƯT Hoài Linh, NSƯT Đàm Loan với những gương mặt trẻ như Thùy Trang, Huỳnh Tiến Khoa, Hồng Trang, Công Danh... của sân khấu kịch Buffalo. Dàn diễn viên với diễn xuất đồng đều, chân thật đã khiến khán giả khóc, cười cùng số phận của từng nhân vật xuyên suốt vở diễn. Đây là vở mới của một sân khấu kịch tư nhân vừa mới thành lập tại TP Hồ Chí Minh và là một trong mười hai sân khấu ngoài công lập của thành phố tham gia liên hoan lần này.

Diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, nơi sân khấu tư nhân hoạt động sôi nổi nhất cả nước, cho nên không ngạc nhiên khi số lượng đơn vị sân khấu ngoài công lập chiếm phần lớn tại liên hoan kịch nói năm nay. Có đơn vị tư nhân đã khẳng định được tên tuổi từ nhiều năm trước như Sân khấu kịch Hồng Vân, kịch Sài Gòn, Nụ cười mới, Sân khấu 5B; đồng thời bên cạnh đó, hàng loạt sân khấu mới thành lập cũng tự tin tham gia liên hoan như Sân khấu Minh Nhí, Buffalo, Thế giới trẻ, Sân khấu Hồng Hạc, Sân khấu Trịnh Kim Chi… Hầu hết những buổi diễn của các sân khấu tư nhân đều đông khán giả. Không chỉ thế, các hoạt động giao lưu, chụp hình lưu niệm với diễn viên sau mỗi vở diễn khiến không khí liên hoan trở nên sôi động hơn.

Đặc biệt, các sân khấu tư nhân đã mang đến các vở diễn đa dạng về đề tài, phần lớn được khán giả yêu thích trong ba năm gần đây. Sự đa dạng đó mang lại cho liên hoan nhiều màu sắc nghệ thuật. Khán giả dễ dàng nhận ra hơi thở cuộc sống hiện đại qua các vở: Tiếng giày đêm (Công ty giải trí Hero Film), Hiu hiu gió bấc (Sân khấu kịch Buffalo), Đám cưới chùm (Nụ cười mới)… Có đơn vị mang đến kịch kinh dị như Oan hồn (Sân khấu kịch Sài Gòn), hay một câu chuyện nhẹ nhàng về tuổi thơ Thiên thần nhỏ của tôi (Sân khấu Hồng Hạc). Một số vở diễn gửi gắm nhiều thông điệp về cuộc sống và con người như Gương mặt kẻ khác (Sân khấu nhỏ 5B), Đàn bà dễ có mấy tay (Sân khấu kịch Hồng Vân)… Bên cạnh đó, một số đơn vị tư nhân giới thiệu mang đến liên hoan những vở diễn mang đề tài cách mạng, thường hiếm xuất hiện trên sân khấu kịch tư nhân. Vở Châu về hợp phố của Sân khấu kịch Hồng Dân từng gây chú ý khán giả thành phố khi dàn dựng nhân kỷ niệm 50 năm Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Sân khấu kịch Trịnh Kim Chi dựng hẳn một vở mới về đề tài cách mạng Rặng trâm bầu, khắc họa hình ảnh cao đẹp của những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trong chiến tranh. NSƯT Trịnh Kim Chi cho biết, vở kịch này sẽ biểu diễn thường xuyên phục vụ khán giả thành phố trong những ngày cả nước chào mừng kỷ niệm 43 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước. Một vở diễn đáng chú ý khác cũng của đơn vị sân khấu ngoài công lập TP Hồ Chí Minh tham dự liên hoan năm nay Yêu là thoát tội của Nhà hát Thế giới trẻ. Mượn câu chuyện Vụ án vườn Lệ Chi, nhưng lần này, vở diễn đi sâu vào sự cô độc của Nguyễn Thái Úy, học sĩ Thị Lan và nhà vua cho nên hấp dẫn, lôi cuốn người xem dù câu chuyện không mới. Thiết kế sân khấu giản dị, chỉ dàn bậc tam cấp, phục trang cũng mang nhiều tính ước lệ nhưng vở kịch đã mang đến sự mới mẻ, hiện đại. Yêu là thoát tội trở thành một tác phẩm đẹp của sân khấu ngoài công lập trong làng kịch TP Hồ Chí Minh mùa liên hoan năm nay.

Có thể nói, dù chưa kết thúc, Liên hoan kịch nói toàn quốc 2018 đã mang màu sắc tươi mới hơn so với liên hoan lần trước. Sự tươi mới đó đến từ sân khấu ngoài công lập của TP Hồ Chí Minh, những đơn vị vẫn đang nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn để sáng đèn hằng đêm. Cũng có chút tiếc nuối trong liên hoan lần này vì sự thiếu vắng của hai đơn vị tư nhân khác vốn đã khẳng định mình trong lòng khán giả yêu kịch nói thành phố là Sân khấu kịch Idecaf và Hoàng Thái Thanh, khiến bức tranh về sân khấu tư nhân, xã hội hóa của TP Hồ Chí Minh chưa được trọn vẹn.

Bài và ảnh: VÕ MẠNH HẢO

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/dong-chay/item/36253602-sac-mau-moi-cua-san-khau-kich-noi.html