Sắc màu giới tính

Trong mắt những người được cho là bình thường, đồng tính giống như một sự lệch lạc, bệnh hoạn, thậm chí là một thứ tệ nạn (chúng ta chưa bàn đến một bộ phận giới trẻ, do đua đòi hoặc các tác động cá nhân- xã hội tiêu cực, chủ động hoặc bị ép buộc trong các quan hệ mang màu sắc đồng tính). Viễn cảnh nào cho họ trong môi trường thiếu vắng nhân văn như thế?

Kể chi chuyện trước với ngày sau
Quên gió môi son với áo màu
Thây kệ thiên đường và địa ngục!
Không hề mặc cả, họ yêu nhau.

(Tình trai - Xuân Diệu)

Khi cầm một văn bản hành chính có đề cập đến giới tính, bạn đã bao giờ tự nghĩ, hai lựa chọn Nam/Nữ là chưa hợp lý? Nếu không phải Nam, cũng chẳng phải Nữ, mà là Đồng tính nam (Gay), Đồng tính nữ (Lesbian), Lưỡng tính (Bisexual), Chuyển giới (Transgender) thì có nên ghi không?

Hoặc nữa, khi Gay có xu hướng trên (thâm nhập) hoặc Gay xu hướng dưới (bị thâm nhập), Les xu hướng trên (mạnh), Les xu hướng dưới (yếu), linh hoạt giới tính… thì các thông tin về giới tính có khiến bạn do dự, hay ngại ngùng khi đặt bút? Do dự hay ngại ngần chính là trạng thái cảm nhận sâu nhất về giới tính sinh học của mình.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Cũng như vậy, khi đứng trước một người nào đó hay một văn bản có thông tin giới tính nằm ngoài hai lựa chọn Nam - Nữ, bạn thấy tò mò hay có cảm giác bất bình thường… chính là khi những định kiến về giới đang chi phối bạn. Nó khiến cho những tồn tại thực tế của đa dạng nhân sinh bị đơn giản hóa, bị quy chiếu theo những định kiến có phần nghiệt ngã, và từ đó, những động thái phản nhân văn có môi trường để hiện diện.

Giới tính là một trong những vấn đề trọng tâm của bản thể người. Một định mệnh tưởng như vững chắc nhất là chúng ta luôn thuộc về một trong hai giới (Nam hoặc Nữ: dị tính). Thói quen đã làm ta mặc nhiên thừa nhận (một cách phi lý) kiến tạo của tự nhiên chỉ là như thế.

Thực tế, còn có những biểu hiện khác của giới tính tồn tại bên cạnh những gì nhân loại đã trải nghiệm. Les, Gay, Bisexual, Transgender (LGBT)… phải chăng là những biểu hiện trái quy luật, phản tiến hóa, xấu xa, tội lỗi, ghê tởm, đáng khinh bỉ? Áp chế về luân lý, đạo đức, định kiến giới đã hắt hủi và xô đẩy những người LGBT đến vực thẳm của bi kịch. Đó là bi kịch của kẻ lạc loài, của những dị thể trong cộng đồng. Không được thừa nhận, bị chối bỏ và tự chối bỏ, người đồng tính đứng trước nguy cơ không được là chính mình, mất hiện diện, trôi dạt ra bên rìa tối tăm của sự sống.

Cộng đồng vẫn luôn có thái độ kì thị, xa lánh thậm chí là "ghê tởm" đổi với những người đồng tính xuất phát từ định kiến, xây dựng trên nền của những gì được cho là chuẩn mực tự nhiên, đạo đức xã hội, truyền thống, luân lý. Những gì đi ngược, đi chệch khỏi quỹ đạo chung sẽ bị tẩy chay, đào thải. Sự tẩy chay này nghiệt ngã tới mức, những người thuộc cộng đồng LGBT đã phải kêu lên: "Bạn không cần phải thích tôi, tôi không quan tâm điều đó, nhưng xin đừng giết tôi" (Kristin Beck - Cựu đặc nhiệm Hải quân Hoa Kỳ - đã chuyển giới để sống với giới tính thực sự của mình: Một người phụ nữ).

Có nhiều câu chuyện bi đát liên quan đến số phận những người đồng tính. Họ buộc phải che giấu giới tính thực, sống day dứt đau khổ, hành hạ bản thân, tìm đến cái chết… đồng thời bị phán xét, bị khoác lên người những điều xấu xa, ghê tởm (mà trong đó, đa phần là những thêu dệt, đơm đặt hay hình dung méo mó).

Trong mắt những người được cho là bình thường, đồng tính giống như một sự lệch lạc, bệnh hoạn, thậm chí là một thứ tệ nạn (chúng ta chưa bàn đến một bộ phận giới trẻ, do đua đòi hoặc các tác động cá nhân- xã hội tiêu cực, chủ động hoặc bị ép buộc trong các quan hệ mang màu sắc đồng tính). Viễn cảnh nào cho họ trong môi trường thiếu vắng nhân văn như thế?

Cộng đồng những người LGBT đã lựa chọn lá cờ nhiều màu sắc để biểu thị nhận thức về tính đa dạng nhân sinh. Những tiếng nói đã cất lên từ lặng lẽ, rụt rè đến kiêu hãnh, nhằm kiếm tìm sự chia sẻ, đồng cảm và thừa nhận của cộng đồng đối với người đồng tính. Nhìn cụ thể hơn vào những động thái công khai ấy, trong lĩnh vực văn học, các tác phẩm như: Một thế giới không có đàn bà (Bùi Anh Tấn, 2000), Les - Vòng tay không đàn ông (Bùi Anh Tấn, 2005), Chuyện tình của Lesbian và Gay (Nguyễn Thơ Sinh, 2007), Xin lỗi em, Anh đã yêu anh ấy (Nguyễn Thơ Sinh, 2007), Song song (Vũ Đình Giang, 2007), Tôi là Les (Dị bản, Keng, 2008), Bóng - Tự truyện của một người đồng tính (Hoàng Nguyên - Đoan Trang, 2008), Không lạc loài - Tự truyện Thành Trung (Lê Anh Hoài ghi, 2008), Lạc giới (Thủy Anna, 2008), Giữa dòng chảy lạc (Nguyễn Danh Lam, 2010)… đã góp phần gỡ bỏ mặt nạ của những người đồng tính, đưa họ bước ra ánh sáng để hiện diện với đúng bản sắc giới tính của mình.

Ảnh minh họa.

Ở điện ảnh, các bộ phim Cảnh sát hình sự (chuyển thể từ Một thế giới không có đàn bà), Cô gái xấu xí, Chơi vơi, Để mai tính,… đã nhận được phản hồi khá tích cực từ công chúng. Những triển lãm hội họa cũng được tổ chức trong nỗ lực giải tỏa áp chế của cộng đồng với những người đồng tính (Góc, Mở,… ).

Hội thảo Văn học nghệ thuật và LGBT với chủ đề: Đa dạng nhân sinh - đa dạng nghệ thuật do Csaga tổ chức tại Hà Nội đã đặt ra vấn đề nghiêm túc, thẳng thắn nhằm thúc đẩy tinh thần bình đẳng giới và cái nhìn nhân văn đối với đa dạng nhân sinh, đa dạng văn hóa. Gần đây, việc góp ý đưa hôn nhân đồng tính vào Luật Hôn nhân - Gia đình đã nhận được nhiều sự ủng hộ của cộng đồng.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã thống nhất đưa vấn đề hôn nhân đồng tính vào chương trình nghị sự để bổ sung luật Hôn nhân - Gia đình. Liên hiệp quốc đánh giá rất cao động thái này của Việt Nam như một nỗ lực thực thi nhân quyền. Với những động thái đó, mặc dù pháp luật chưa thừa nhận hôn nhân đồng tính, nhưng việc "không cấm" (trước đây, pháp luật Việt Nam cấm hôn nhân đồng tính) đã tạo ra cơ hội cho cộng đồng LGBT khi họ tìm đến bên nhau và đến bên mọi người.

Trước khi đặt ra yêu cầu chấp nhận với cộng đồng, chính những người đồng tính cũng dần hiểu rằng, họ cần phải tự chấp nhận mình trước. Từ tự ti đến kiêu hãnh, chủ động gỡ bỏ mặt nạ, tiến ra ánh sáng với các hoạt động văn hóa xã hội cụ thể, đã từng bước nói lên điều đó.

Thêm nữa, nhìn từ góc độ xã hội học, những người đồng tính cũng đang chứng minh rằng họ bình đẳng với mọi người trong việc kiến tạo, đóng góp các giá trị cộng đồng: "Gay hay Les, một khi ta muốn khẳng định vị trí, chỗ đứng và đòi hỏi có sự tôn trọng của xã hội cũng như người khác đối với chúng ta, thì trước hết chúng ta phải chứng minh được bổn phận và trách nhiệm của mình đối với xã hội trước đã" (Lời nhân vật trong tiểu thuyết về đề tài đồng tính: Les - Vòng tay không đàn ông).

Tiến sỹ Nguyễn Thanh Tâm (tamvvh@gmail.com)

Đây có lẽ là một nhận thức quan trọng đối với cộng đồng LGBT. Đồng thời, quan điểm này cũng chất vấn trở lại cộng đồng dị tính (Nam - Nữ) trong cái nhìn bình đẳng về giá trị, trách nhiệm, nhân cách. Sự thực, nếu sòng phẳng với nhau, chúng ta cũng thấy đầy rẫy những bệnh hoạn, tệ nạn, sự vô nghĩa, đáng ghê tởm từ cộng đồng được cho là bình thường. Nhưng, nhân danh điều bình thường ấy, họ lớn tiếng phê phán hoặc công khai kì thị, xua đuổi, dẫm đạp, phủ nhận sự tồn tại của những người đồng tính - được cho là không bình thường. Chính như thế mới là phản tự nhiên, phản văn hóa, thiếu nhân văn.

Những người đồng tính là con người. Đó là điều mà chúng tôi muốn nhấn mạnh trong thái độ hướng đến sự bình đẳng và nhân văn của xã hội loài người. Mặc dù, như đã nói, giới tính là vấn đề quan trọng của bản thể (thuộc về sinh học), nhưng xã hội lại được kiến tạo và duy trì bằng văn hóa.

Ở đó, đạo đức, nhân cách, đóng góp cộng đồng và bản sắc lại mới là điều quan trọng hơn cả. Chúng ta vốn không có quyền lựa chọn sinh ra, nhưng trở thành thế nào lại phụ thuộc rất lớn vào năng lực bản thân và các tương tác rộng - hẹp từ xã hội, văn hóa, lịch sử.

Cái nhìn lưỡng giới (Nam - Nữ) cùng những quy phạm dị tính có lẽ đã thể hiện rõ sự hạn hẹp của nó trong tình thế của tồn tại người. Giải bỏ định kiến, đồng thời gia tăng nhạy cảm giới là cơ hội để con người nhận ra tính đa dạng nhân sinh, đồng thời cũng để thấy được giá trị của "cái khác" trong việc kiến thiết đời sống nhân văn.

Văn hóa chỉ tồn tại khi có từ hai nền văn hóa. Ý nghĩa của quan điểm này là nhấn mạnh vào sự đa dạng, khác biệt giữa các nền văn hóa. Hiểu như thế, bản sắc cá thể, sự đa dạng nhân sinh, sự hiện hữu bình thường, bình đẳng của giới tính nhân vị, của những "cái khác" là cơ hội và là nền tảng kiến tạo các giá trị văn hóa.

Cộng đồng LGBT với biểu tượng đầy màu sắc cùng những hoạt động văn hóa, xã hội tích cực, đang cho thấy nỗ lực tiến ra ánh sáng của họ. Đồng thời, thái độ rộng mở, nhân ái từ phía cộng đồng đã thắp lên ngọn lửa phía cuối đường hầm, để những người đồng tính có thêm xác tín trước những cáo buộc phản nhân văn hay những ngộ nhận bi quan, yếm thế về cái kết thảm buồn của thân phận.

Nguyễn Thanh Tâm

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/sac-mau-gioi-tinh-616612/