Sắc hoa xuân Ðà Lạt

Ðà Lạt được gọi là xứ ngàn thông và ngàn hoa. Bài hát 'Ai lên xứ hoa đào' của Hoàng Nguyên như biểu tượng của thành phố tình yêu này. Nhưng có lẽ sẽ thiếu một chút nếu không nói về một hình ảnh đặc sắc khác của Ðà Lạt. Ðó là hoa Mimoza.

Nữ sĩ Minh Hạnh (Hội Văn nghệ Lâm Đồng) đã nói với tôi về điều này. Nhà thơ dẫn tôi đi dọc đèo Mimosa vàng rực như những vạt nắng vừa tràn về. Cánh cửa mùa xuân dần hé mở vào cuối mùa đông.

Mimosa, vì sao em tới?

Tôi thường rời trại viết ở Đà Lạt vào lúc trời đổ cơn mưa. Lần này cũng vậy. Trời giá lạnh và những hạt mưa cuối mùa lác đác. Không gì buồn hơn khi bị chôn chân trong căn phòng. Tôi vớ lấy chiếc ô đi xuống vườn tượng của nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng phía đầu dốc Yên Thế. Ở đó có một cửa hàng cà phê. Đột nhiên cây Mimosa ở bãi đậu xe có tiếng chim ríu rít. Người coi xe vội chạy ra đưa lồng chim vào phía trong tránh mưa. Ông sợ những con chim sẽ làm rụng những nụ hoa đang hé nở. Tôi ghé chòi gác của ông như mọi lần. Chúng tôi ngồi im ngắm nhìn những dây hoa Mimosa vàng như tơ đang xòe nở. Đôi mắt người coi xe nhìn về phía xa xuyên qua bụi mưa bay. Thật bất ngờ, ông kể cho tôi nghe chuyện cổ tích về hoa Mimosa với giọng trầm khê của một kẻ giang hồ đã bao năm vật lộn với cuộc mưu sinh trên xứ sở Mimosa.

Câu chuyện tình yêu của một đôi trai gái ở phương trời Nam xa xôi hiện về. Một cô bé con nhà giàu bất ngờ rung động với ánh mắt ưu tư và sầu muộn của chàng ngư dân nọ. Họ tình cờ gặp nhau trong một chuyến bơi thuyền trên biển. Chàng trai phải giăng lưới đánh cá kiếm tiền nuôi mẹ bên làng chài nghèo khó. Cô nàng xinh đẹp kia cảm phục và nảy sinh tình yêu với chàng. Nhưng cha nàng bắt gặp và cấm nàng ra biển chơi như mọi khi. Hai người bị tách xa và chia lìa. Tình yêu càng tha thiết và cháy bỏng giữa hai người. Cô nàng tìm mọi cách để gặp người yêu. Nhưng rồi người cha nhận lời gả nàng cho một nhà giàu có trong vùng. Nàng không đồng ý và chỉ muốn trao gửi trái tim cho người mình yêu.

Nhưng nàng không thể cưỡng lại lệnh cha và bị bắt ép làm lễ cưới. Chàng ngư dân biết chuyện chán chường bỏ lên rừng biệt tăm. Hay tin trong đêm tân hôn nàng lẻn trốn đi tìm người yêu. Nhưng ai dè trong đêm đó rừng bị sét đánh cháy rừng rực một góc trời. Chàng trai vừa tới nơi vội tìm cách cứu những đàn thú hoang khỏi bị chết thiêu. Thấy một chú hươu non sợ hãi, chàng vội bế nó lên. Một cây lửa rực cháy đổ ập xuống. Khi chú hươu vừa thoát nạn thì chàng bị lửa thiêu cháy đen thui. Đó cũng là lúc người con gái xinh đẹp kia tìm đến. Vì quá đau khổ. Nàng đã tự tử nguyện chết theo chàng. Tình yêu của hai người tạo thành cơn mưa tràn xuống dập những ngọn lửa hung ác cứu vớt mọi sinh linh. Không bao lâu rừng xanh tươi trở lại. Tại chỗ hai người cùng chết đã mọc lên một loại cây có lá ánh bạc và nở những bông hoa vàng như nắng sớm. Đó chính là loài hoa trinh nữ và được gọi tên Mimosa.

Câu chuyện về hoaMimosa đã ám ảnh tôi trong những chuyến lên Đà Lạt. Nhà thơ Minh Hạnh có lần đưa tôi vào một ngôi chùa tổ chức trao quà tặng cho những gia đình nghèo. Trên đường vào chùa có rặng hoa Mimosa vàng rộm. Bài hát Mimosa của Trần Kiết Tường đâu đó vang lên tha thiết. Lời ca và giọng hát Khánh Ly như quấn lấy chúng tôi. Phía trước cả một rừng hoa Mimosa trên núi cao buông những chùm hoa nắng sưởi ấm những cuộc đời nghèo khó bên ngôi chùa.

Những cung đường hoa đào

Nếu hoa Mimosa luôn được hỏi “vì sao em tới?” thì hoa mai anh đào lại do chính người Đà Lạt tài hoa gây dựng mà nên. Mimosa gần với sự hoang dã trở thành nét hồn nhiên của mùa xuân Đà Lạt. Ngược lại, những đường hoa đào lại làm cho thành phố núi đằm thắm và quyến rũ. Tôi có dịp gặp anh Nguyễn Văn Dũng ở phường Trại Mát, mới hay vào đúng dịp Tết, mai anh đào ở đường Xuân Thọ luôn rực rỡ. Hương của mai anh đào ngát hơn Mimosa. Thơm đến ngẩn ngơ lòng người. Theo anh Dũng, mai anh đào được ghép giống từ cành hoa đào vào gốc cây mai. Vì thế bông hoa to khỏe, cánh dày và lâu tàn. Nhất là màu đỏ mịn như nhung và căng mọng. Nét đặc sắc đó được coi là đặc sản của Đà Lạt. Vào mùa hoa đào, thành phố Đà Lạt hiện lên với vẻ đẹp kiều diễm nhất. Những lời ca của nhạc sĩ Hoàng Nguyên đã nói lên tất cả. Đó là mùa hoa lãng mạn của tình yêu. Những ai dù chỉ mới nghe nói đến Đà Lạt là đã hình dung ra những giai điệu mơ màng: “Ôi! Màu hoa đào, màu hoa đào chiều xuân nào/ Ôi! Màu hoa đào như môi hồng người mình yêu...”.

Sau đó, tôi và nữ sĩ Minh Hạnh lên chuyến tàu hỏa từ thành phố Đà Lạt tới ga Trại Mát để ngắm hoa đào. Chị nói con tàu sẽ đi xuyên qua những cánh đồng hoa hai bên đường. Hành khách đều háo hức chuẩn bị tinh thần được trầm mình trong thế giới đằm thắm sắc xuân. Những đồi hoa hiện ra trước mắt. Hầu như các ngôi nhà kính trồng hoa được mở ra cho mọi người ngắm nhìn. Ai nấy đều sững sờ khi đoàn tàu đột ngột nhập vào một không gian màu hồng và ngào ngạt hương thơm. Đó là những rặng hoa đào trải dài như tấm thảm nhung đỏ trên một con đèo.

Con tàu chậm chạp đi trong những đường hoa. Xa xa, những cây đào nở bung những cánh hoa đỏ thắm. Nhưng rồi bất ngờ một thung lũng hoa mai anh đào hiện ra. Nhà thơ Minh Hạnh nói đó là thế giới sắc màu của nghệ nhân Mười Lời. Ông là người đầu tiên ghép cành hoa đào lên thân cây mai và lai tạo giống mới. Nhiều người dễ nhầm tưởng đây là giống hoa anh đào được mang từ Nhật Bản về. Nhưng không phải, bởi sắc và hương của mai anh đào khác hẳn. Những đường hoa đào trên các con phố như Trần Hưng Đạo, Trần Phú, Dốc Đa, Hồ Xuân Hương luôn tô điểm sắc xuân cho các lễ hội hoa Đà Lạt thêm rực rỡ.

Triệu triệu đóa hồng

Lại một câu chuyện tình nữa về hoa mà nhà thơ Minh Hạnh và tôi được nghe khi tới những vườn hồng. Chuyến đi sau đó của chúng tôi tới làng hoa Vạn Thành. Đây là làng nghề chuyên trồng hoa hồng và là vựa hoa lớn cách trung tâm thành phố Đà Lạt chừng 3 cây số. Hàng trăm mẫu cánh đồng hoa hồng đủ để Vạn Thành cung cấp cho khắp miền Nam. Nhà thơ kể nghệ nhân Nguyễn Công Hòa đã từng dùng hơn 1.000 bông hoa hồng ướp khô để vẽ phong cảnh Đà Lạt. Đó là tác phẩm nghệ thuật sắp đặt lớn trình bày trong một Festival hoa ở bên hồ Xuân Hương. Người yêu hoa muôn nơi nên đặt chân đến thành phố này dù chỉ một lần - Đà Lạt, xứ sở ngàn hoa...

Hoa Mimosa chỉ có ở Ðà Lạt chứ không tồn tại ở bất kể nơi nào trên vùng đất Tây Nguyên. Chúng nở từ cuối đông và trải dài hết mùa xuân. Chính vì thế, Mimosa được coi là mùa hoa xuân bất tử của miền đất sương mù lạnh giá này.

Nhà thơ Vương Tâm

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/sac-hoa-xuan-a-lat-n185716.html