Sắc đỏ giữa màu xanh đại dương

Tôi đã từng trải qua những chuyến hải trình hàng chục ngày lênh đênh trên biển và khi ấy, dường như bốn bề là một màu xanh. Màu xanh của trời in xuống nước khiến xung quanh mình như không có sắc màu gì khác. Và khi bất chợt, dù xa xa thôi, bắt gặp một chấm đỏ của chiếc ghe thuyền nào đó thì biết ngay, đó là đồng bào mình...

Thông thường, sắc màu cờ đỏ của Tổ quốc mang nhiều ý nghĩa biểu trưng, dành cho tất cả mọi người trong những thời khắc đặc biệt. Đó là những con đường, hẻm phố, dãy nhà đỏ màu cờ ngày lập quốc, những cột mốc biên giới thượng cờ ngày đặc biệt của dân tộc… Nhưng trên biển, giữa mênh mông bất tận một màu xanh, ngoài ý nghĩa đó, sắc cờ mang nhiều ý nghĩa thực tế hơn. Bởi nghề biển là nghề cô độc và hiểm nguy. Vì thế mà người ta trân trọng, yêu quý và cần biết bao những đồng loại của mình.

Nhớ hôm ngồi trên đảo Đá Lát, một hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) nghe anh em cán bộ chiến sỹ trên đảo kể về cuộc sống ngư dân ở quanh đây. Do đây là khu vực có trữ lượng hải sản dồi dào, phong phú với các rạn đá san hô kéo dài hàng chục cây số nên rất đông ghe thuyền ngư dân miền Trung tìm tới khai thác, đánh bắt. Những lúc như thế, để đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải cũng như chủ quyền vùng biển Việt Nam quản lý, hầu hết anh em chiến sỹ đều quan sát từ xa bằng màu cờ trên những ghe thuyền này. Tất nhiên, đó không phải là biện pháp duy nhất nhưng là một trong những biện pháp hữu hiệu để nhận biết được đâu là ghe tàu Việt Nam, đâu là ghe tàu nước khác.

Ngồi cùng các cán bộ chiến sỹ, chúng tôi thấy quả thực quanh khu vực đảo Đá Lát có rất nhiều ghe thuyền. Hầu hết đều là ghe gỗ, ghe sắt làm nghề lặn biển. Trên khoang máy nơi cao nhất của ghe đều là những lá cờ màu đỏ sao vàng bay phấp phới trong gió biển ầm ào. Cờ không lớn, có lẽ là khổ 80x100cm những cũng đủ để nhìn thấy từ xa vài hải lý bằng mắt thường. Nhưng không chỉ có các ghe lớn này, do đặc thù nghề lặn mà các thúng nhỏ cũng gắn thêm cờ nữa. Những ghe lớn thường neo đậu nơi sâu, sau đó các thợ lặn sử dụng ghe thúng nhỏ chèo vào các bãi cạn, rạn san hô để lặn tìm thủy sản, thường là hải sâm, đồi mồi, ốc hoàng đế, chình…

Nhờ những lá cờ này mà chủ ghe lớn biết các thợ lặn ghe nhỏ đang ở đâu, có thể quan sát thấy được từ trên ghe. Những sự cố bất trắc, những tín hiệu cần thiết đôi khi được phát ra từ chính những lá cờ như thế. Nhưng quan trọng hơn, đó là mùa mưa bão như hiện nay. Với ngư dân trên biển, dù làm nghề gì thì khi biển động mới là lúc trữ lượng hải sản dồi dào, dễ khai thác. Nhưng đó cũng là lúc hiểm nguy nhất. Đây cũng là thời điểm, những lá cờ mang đến nhiều thông điệp cho ngư dân, giúp họ dễ dàng được ứng cứu, chở che, cưu mang và đùm bọc với nhau nếu gặp bất trắc. Hầu hết các ghe có gắn bờ Tổ quốc đều được cán bộ chiến sỹ trên đảo dành riêng cho một suất để neo đậu khi gặp bão gió. Thậm chí, họ có thể mua bán trao đổi một số sản phẩm như xăng dầu, hải sản nếu có nhu cầu.

Có lần ngồi trên biển, nghe một chủ ghe làm nghề câu khơi ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chia sẻ. Ông bảo trên biển thấy cờ như thấy người thân, máu thịt của mình vậy đó. Những ai từng gắn bó với nghề biển mới hiểu được, cờ không chỉ đơn giản là báo hiệu, tín hiệu mà còn là thứ để thông báo, nhắn nhủ và giúp đỡ nhau.

“Như có bận cách đây chừng năm, sáu năm gì đó. Ghe tôi đi câu mực ngoài ra tận lãnh hải quốc tế. Đặc thù ghe câu mực là đi xa, đi lâu. Có chuyến câu tới 45 ngày mới trở về. Trên ghe có tới hơn ba chục anh em, vừa câu vừa chế biến. Hôm đó bất ngờ có một thợ câu mới hơn 20 tuổi bị đau ruột thừa. Giữa khơi xa mênh mông, dù liên lạc được với đất liền nhưng cũng phải đợi 3-4 ngày ghe tải mới có thể ra tới nơi. Rồi cũng mất chừng đó thời gian để đi về thì chắc chắn không kịp. May thay trưa đó có một ghe khác, cũng làm nghề câu nhưng họ câu cá ngừ đại dương. Họ đi sang tận bên Úc thuê ngư trường đánh bắt đang trong lúc đi về.

Thú thực, nếu không nhìn thấy màu cờ gắn trên tàu từ xa, mình cũng không biết đó là ghe nước nào, ở đâu nữa. Sau đó, anh em trên tàu đốt lửa làm tín hiệu xin cấp cứu. Rồi họ ghé lại mới biết đó là ghe ở Khánh Hòa đang trên đường về. Sau đó cậu thợ câu được họ đưa về tới đảo Trường Sa lớn mất có gần 1 ngày, rồi các bác sỹ trên đảo phẫu thuật, giúp cậu khỏe mạnh lại”, ông kể.

Cũng theo lão ngư nhiều năm gắn bó với nghề biển khơi xa, những sự cố như vậy trên biển là rất nhiều, đôi khi ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng. Và nếu không có những ghe cùng màu cờ thì có thể những sự cố ấy không bao giờ được giải quyết theo mong muốn.

Ngư dân làm nghề đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa.

Ngư dân làm nghề đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa.

Nếu những ngọn hải đăng chỉ cho người trên biển hướng đi thì những ngọn cờ chỉ cho người đi biển biết người thân, tránh kẻ thù. Bởi dù muốn hay không, những tranh chấp về chủ quyền trên biển hiện nay cũng đang ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống ngư dân trên biển. Thay vì chỉ đối mặt với sóng gió, ngư dân hiện nay còn phải đối mặt với nhiều nguy hiểm khác nữa, tới từ những ghe tàu không mang cùng một màu cờ. Đó là lý do mà những lá cờ màu đỏ sao vàng càng thêm ý nghĩa. Nhiều người nói rằng, những lá cờ trên biển của ghe thuyền ngư dân là những cột mốc chủ quyền sống trên biển. Ở đâu có ghe thuyền treo cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc, ở đó là lãnh hải, là vùng biển của Việt Nam.

Không ai có thể hiểu về màu cờ đỏ trên biển nếu chỉ đọc những bài báo, xem những thước phim truyền hình. Chỉ khi bạn sống trên những ghe lênh đênh trên biển cả ngàn hải lý, cả tuần trời không biết đến ngày tháng, giờ giấc thì lúc đó, sắc màu đỏ mới thực sự mang đến cảm giác quan trọng thế nào. Khi ấy, chỉ một chấm đỏ nhỏ nhoi thôi cũng mang đến một trời thân quen, một biển gần gũi. Rồi những cái vẫy tay, những ra hiệu, chỉ báo. Hay thân tình hơn, là những cuộc trao đổi những gì cần thiết của những ghe tàu có chung sắc cờ đỏ. Ngày xưa, người dân đi biển vẫn thường có thói quen tránh cho người lạ lên tàu, tránh cập gần với tàu thuyền khác trên biển. Tuy nhiên, quan niệm đó, cũng như nhiều quan niệm thông thường khác trong cuộc sống của người xưa giờ đều không cần thiết, không còn đúng nữa. Thậm chí, điều ngược lại mới mang đến nhiều điều tốt đẹp hơn…

Có những lúc tôi tự hỏi, giữa bất tận màu xanh trên biển, nơi nhiều tàu bè qua lại như thế, điều gì khiến các ghe thuyền họ nhận ra nhau. Thì khi đi trên biển, tôi đã tìm ra câu trả lời, đó là những sắc màu đỏ sao vàng của lá cờ Tổ quốc đã gắn kết họ với nhau. Không có nơi nào, màu cờ thiêng liêng, bình dị, thiết thực và cần thiết với người dân như những lá cờ trên biển. Đó đôi khi là chiếc phao cứu sinh giúp ngư dân không chỉ vượt qua sóng gió mà còn đứng vững trên vùng biển quê mình.

ĐOÀN ĐẠI TRÍ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/sac-do-giua-mau-xanh-dai-duong-506164.html